Bốn năm trước, nhà đầu tư Quân cùng vài người bạn ôm tiền mua suất mua của công nhân viên Công ty Vật liệu và xây dựng Biên Hòa. Đùng một cái, Công ty bị ngưng cổ phần hoá, Quân tất tả chạy về Biên Hoà thương lượng lấy lại một phần tiền. “Vì vậy, sự cố Bình Dân không phải là lần đầu, chỉ tiếc là nó chuyển hướng bất ngờ, ảnh hưởng đến “số phận” hàng trăm hợp đồng mua bán tay”, Quân nói.
Lo âu chồng chất
Bệnh viện Bình Dân từ ngày có quyết định ngưng cổ phần hoá nhìn bề ngoài vẫn sự lặng lẽ đặc trưng của một bệnh viện. Nhưng trong hành lang, tiếng thì thầm và nỗi lo sợ bị “rượt nợ” ẩn hiện trong các hộ lý, y tá, nhân viên hành chính – thành phần được cho là bán quyền mua nhiều nhất. “Người ta chưa lên tiếng. Nhưng nếu họ tới đòi thì không biết phải làm sao”, hai y tá thầm than thở ở một góc hành lang.
Sự cố ngưng cổ phần hoá đột nhiên biến họ (người bán) trở thành những con nợ bất đắc dĩ. Với những người không có ý định trốn tránh, không chỉ lo xoay tiền trả lại, mà lớn hơn là nỗi lo “đổ vỡ” sự “bán chui” của mình, “mất điểm” với Ban giám đốc Bệnh viện, nguy cơ mất việc hiển hiện trước mắt.
Còn về phía người mua, tuy rúng động, nhưng chưa thấy ầm ĩ. “Phần lớn các mua bán dựa vào sự quen biết, nên khắc phục được phần nào”, một y tá tên Th. cho biết. Tuy nhiên, khả năng người mua lấy lại một phần tiền cũng xa vời, khi không ít tờ giấy tay đã đi đến đời F3 – F4.
Trong khi đó, Giám đốc Bệnh viện Bình Dân tuyên bố: "Chúng tôi đã cảnh báo rồi. Chúng tôi không chịu trách nhiệm".
Lịch sử sẽ lặp lại?
Tuy việc mua bán quyền mua chậm lại, giá chững và xuống. Nhưng nhìn chung, thị trường này vẫn tồn tại. Trong đó, nóng nhất vẫn là lĩnh vực ngân hàng. Ngoài những quyền mua thâm niên công tác tại các ngân hàng quốc doanh dự kiến cổ phần hoá trong năm nay và đầu năm tới như Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng Công Thương, Ngân hàng Đầu tư và phát triển, thì đáng chú ý là mua bán thâm niên Ngân hàng Dầu khí PVB. Đây là một ngân hàng chưa ra đời của Tập đoàn Dầu khí Việt
Trước đó, theo tin trong giới OTC, PVB dự kiến ra đời vào tháng 6, sau dời lại tháng 7, và đến giờ chưa thấy tin tức gì.
Bên cạnh đó, ở một số công ty chuẩn bị cổ phần hóa (có quyết định chính thức và chưa có quyết định), mua bán quyền mua diễn ra như “chuyện thường ngày ở huyện”. “Có vị lãnh đạo trong công ty mua lại quyền của công nhân viên. Thậm chí, quỹ đầu tư và công ty chứng khoán xuống mua nhiều”, giám đốc một công ty chứng khoán cho biết.
Theo ông giám đốc trên, nếu không bị “vướng”, thì mua bán quyền mua Bệnh viện Bình Dân là “cái thực có”, chỉ còn chờ quyết định chính thức cổ phần hoá là “hiện thực hoá” phần mua bán quyền. "Ở góc độ thị trường, có gì là khó hiểu nếu người lao động thấy mình có tên trong danh sách phân bổ cổ phiếu, và bán ngay khi có cầu và được giá", ông nói. Còn khi mua, người mua phải lường đến các rủi ro (như người bán bỏ việc...) mà cân nhắc giao dịch của mình.
Ngược lại, ý kiến của nhiều luật sư, chuyên gia cho rằng, những cuộc mua bán cổ phần trong tương lai này là những giao dịch bất hợp pháp, rủi ro và vô hiệu ngay tại thời điểm ký hợp đồng. Nghĩa là khi xảy ra chuyện, thì người mua và người bán khó có thể trông cậy, “bấu víu” vào pháp luật.
Theo ông Hồ Công Hưởng, giám đốc Công ty Chứng khoán Hoàng Gia, trên thị trường, tất cả những gì có giá đều bán được. Điều này lý giải vì sao trước bao lời cảnh báo, “thế giới” mua bán quyền mua vẫn nhộn nhịp người mua kẻ bán. Và như thế, khó tránh chuyện lịch sử sẽ lặp lại.