Sabeco: 30% tài sản là tiền

(ĐTCK) Đến thời điểm này, Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) mới công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2014, trong khi theo quy định hiện hành, Sabeco phải thực hiện nghĩa vụ này trong vòng 45 ngày kể từ ngày kết thúc quý.
Ảnh Internet

Ảnh Internet

Đây không phải lần đầu tiên Sabeco chậm trễ trong việc công bố các báo cáo tài chính có tính định kỳ. Tuy nhiên, điều muốn nói ở đây không phải là vấn đề tuân thủ quy định về công bố thông tin, mà là một số chỉ tiêu tài chính với vẻ bề ngoài dường như rất “đẹp” của hãng bia này.

Thứ nhất, theo báo cáo tài chính, tại thời điểm cuối tháng 9/2014, Sabeco có tổng tiền mặt, bao gồm tiền, các khoản tương đương tiền và các khoản tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng là 6.190,6 tỷ đồng, chiếm hơn 31,66% tổng tài sản của Công ty. Con số này không ngừng tăng theo thời gian, từ 25% tại thời điểm cuối năm 2010 lên 31,6% cuối quý II/2014.

Theo CTCK ACB (ACBS), tỷ lệ 10% tiền trên tổng tài sản đã là nhiều, nếu con số này lên tới 30% là không hợp lý và có vẻ công ty đang quá thận trọng.

Trong khi tỷ lệ tiền mặt trên tổng tài sản tiếp tục tăng thì tốc độ tăng trưởng doanh thu của Sabeco ngày càng chậm lại; doanh thu năm 2010 tăng 35,43% so với năm trước đó, nhưng năm 2013 so với năm 2012 thì con số này chỉ còn 10,18%.

Thứ hai, về kết quả kinh doanh, 9 tháng đầu năm, Sabeco đạt gần 18.342,5 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 9,48% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế đạt 3.383 tỷ đồng, tăng 13,55%. Nếu so với kế hoạch cả năm, Sabeco đã hoàn thành 62,3% chỉ tiêu doanh thu và 92,13% kế hoạch lợi nhuận.

Tại ĐHCĐ thường niên 2014 diễn ra cuối tháng 5, khi đưa ra các chỉ tiêu kế hoạch cho năm nay, lãnh đạo Sabeco tỏ ra hết sức thận trọng. Sabeco cũng “dự trù” sẽ có nhiều khoản chi phí tăng đáng kể trong năm nay.

Cụ thể, ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Sabeco cho biết, nếu quy định dán tem sản phẩm được đưa vào áp dụng thì chi phí từ việc dán tem sẽ làm phát sinh 800 tỷ đồng, chưa bao gồm chi phí đầu tư máy móc để thực hiện việc này. Chi phí vận tải ước tăng thêm 500 tỷ đồng do việc siết chặt kiểm soát tải trọng đối với phương tiện vận tải đường bộ. Rủi ro giá nguyên vật liệu ước tăng thêm 200 tỷ đồng…

“Với các khoản chi phí dự kiến phát sinh này, Sabeco có thể hoàn thành các chỉ tiêu đề ra thì thực sự là phi thường”, ông Tuất nói với cổ đông.

Với kế hoạch lợi nhuận trước thuế 3.672 tỷ đồng, tăng 3% so với con số thực hiện của năm 2013 là 3.579 tỷ đồng, nhưng 9 tháng đầu năm, Sabeco đã hoàn thành hơn 92%, có vẻ như việc cán đích đối với Sabeco đã nằm trong tầm tay.

Tin bài liên quan