"Sabeco, Habeco là những ví dụ của tình trạng bội hứa dắt dây"

(ĐTCK) Qua những ý kiến về việc niêm yết cổ phiếu của Sabeco, Habeco, tôi thấy cách công bố thông tin, cách hành xử của doanh nghiệp với TTCK không nghiêm túc. Theo thông lệ quốc tế, IPO là một bước để chuẩn bị niêm yết, một bước khẳng định tới đây doanh nghiệp sẽ niêm yết cổ phiếu trên TTCK. Ở Việt Nam, IPO nhiều khi được thực hiện không phải với mục đích như trên, mà chủ yếu để phục vụ cổ phần hóa. Khi chào bán cổ phần ra công chúng, có thể vì mục đích nào đó, chẳng hạn để phát hành thành công, hoặc để có giá cả tốt, lời hứa niêm yết thường được các doanh nghiệp sử dụng như một biện pháp.

Tuy nhiên, xét các điều kiện tại thời điểm đó, nếu chiếu theo Luật Chứng khoán hoặc các quy định hiện hành, thì không có gì đảm bảo lời hứa đó chắc chắn thành hiện thực. Cơ quan quản lý cũng không có ý kiến về những lời hứa không chắc chắn đó, trong khi thông tin doanh nghiệp đưa ra là một căn cứ để nhà đầu tư mua cổ phần.

Có thể doanh nghiệp viện lý do này nọ để biện minh cho việc trì hoãn niêm yết, cũng có thể lý do của doanh nghiệp xét trong điều kiện thị trường hiện nay là hợp lý, song nếu doanh nghiệp nào cũng như vậy thì thị trường sẽ ra sao. Tôi được biết, không chỉ có những công ty lớn như Vietcombank, Vietinbank, Habeco, Sabeco, rất nhiều doanh nghiệp trong thời gian vừa qua khi bán cổ phần cho cổ đông chiến lược, phát hành tăng vốn cho cổ đông đã đưa ra cam kết sẽ niêm yết cổ phần, thậm chí còn thể hiện cam kết bằng văn bản.

Giờ họ đang khổ vì lời hứa, trong khi một nhóm cổ đông muốn niêm yết để tăng tính thanh khoản, lại có không ít cổ đông muốn trì hoãn niêm yết vì chưa được giá thuận lợi. Rõ ràng, trong những trường này này, công bố thông tin như vậy có thể được việc trước mắt, nhưng lâu dài có hại cho tính minh bạch của thị trường và có hại cho chính doanh nghiệp.