Sacombank: cuộc thâu tóm lộ diện

Sacombank: cuộc thâu tóm lộ diện

(ĐTCK) Việc Eximbank yêu cầu bầu lại toàn bộ thành viên HĐQT và Ban kiểm soát Sacombank đã gây rúng động dự luận trên TTCK những ngày qua.

Ø  Diễn biến “cuộc chiến” tại Sacombank

Việc Ngân hàng Eximbank khẳng định đã gom đủ quyền đại diện cho nhóm cổ đông chiếm trên 51% số cổ phần có quyền biểu quyết tại Sacombank và kiến nghị bầu lại thành viên HĐQT, Ban kiểm soát ngân hàng này đã gây rúng động dư luận trên TTCK vài ngày qua. Các CTCP hoạt động theo nguyên tắc đối vốn, nhưng cuộc chiến dành quyền kiểm soát Sacombank liệu có dễ dàng?

Theo ý kiến của các luật sư mà ĐTCK liên hệ, chiếu theo quy định hiện hành, nhóm cổ đông nắm trên 10% liên tục trên 6 tháng mới có quyền đề cử hay đứng ra triệu tập ĐHCĐ bất thường. Phần lớn trong số 9,73% vốn điều lệ tại Sacombank do Eximbank nắm giữ là do mới nhận chuyển nhượng vào đầu tháng 1 vừa qua.

Nhóm cổ đông nắm tỷ lệ trên 10% liên tục trên 6 tháng mới có quyền đề cử hay đứng ra triệu tập ĐHCĐ bất thường

Tổng giám đốc một CTCK lớn am hiểu nội tình hậu trường vụ việc nhận xét, các lý do Eximbank đưa ra giải thích động cơ bầu lại HĐQT và BKS Sacombank đều chưa thật sự thuyết phục. Chẳng hạn, việc thoái vốn tại CTCK Sacombank của Sacombank dù không thể hiện trên hệ thống giao dịch qua sàn, nhưng rõ ràng đã có lợi cho Sacombank khi cuối năm 2011, CTCK này công bố lỗ hơn 600 tỷ đồng.

Tương tự, việc mua lại cổ phiếu quỹ của Sacombank dù tạo ra dư luận trái chiều, nhưng đến giờ này vẫn đảm bảo được mục tiêu bình ổn giá cổ phiếu STB cho các cổ đông. Trừ phi hậu trường hai giao dịch trên còn ẩn chứa các yếu tố bất thường mà chỉ có cổ đông lớn rành rẽ (còn cổ đông nhỏ không biết), nếu không, chưa thấy các quyết định của Sacombank có ảnh hưởng không tốt tới quyền lợi các cổ đông Sacombank.

Sự việc Sacombank có nguy cơ bị thâu tóm đã âm ỉ bấy lâu, nhưng thông tin Eximbank khẳng định đã gom đủ ủy quyền bằng văn bản của nhóm cổ đông chiếm 51% vốn tại Sacombank vẫn là thông tin sốt dẻo vài ngày qua. Theo ghi nhận của ĐTCK về cuộc đua giành quyền kiểm soát Sacombank, đa phần các ý kiến đều đánh giá ưu thế đang nghiêng về nhóm cổ đông ủy quyền cho Eximbank. Tuy nhiên, với con số 51% mà Eximbank công bố cũng có thể sẽ có vấn đề phát sinh khi theo quy định hiện hành, một NĐT không được sở hữu cổ phần chi phối tại nhiều ngân hàng. Pháp luật cũng quy định, nếu muốn sở hữu trên 25% vốn điều lệ tại một công ty đại chúng, NĐT bắt buộc phải tiến hành chào mua công khai. Việc dồn phiếu, ủy quyền trong ĐHCĐ là hết sức bình thường, nhưng nếu có một nhóm NĐT bằng cách này hay cách khác sở hữu vượt quá giới hạn quy định mà không công bố thông tin chào mua công khai, thì có thể gặp rắc rối khi vấn đề pháp lý được xới lên. Con số 51% mà Eximbank công bố vẫn còn là một ẩn số và có thể chính là một “thùng thuốc súng” chờ bùng phát!

Trên danh nghĩa cổ đông lớn, Eximbank kiến nghị bầu mới hoàn toàn HĐQT và Ban Kiểm soát Sacombank. Về đề xuất này, ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Sacombank nhiều lần khẳng định rằng, nhiệm kỳ của HĐQT hiện nay kéo dài đến tận năm 2015 và chưa có các lý do để thay thế. Đứng trên quan điểm luật pháp, nhiều luật sư cho rằng, HĐQT một CTCP được bầu ra đại diện cho nguyện vọng chung của các cổ đông theo nguyên tắc đối vốn. Vì vậy, dù Eximbank hiện nay chưa rõ có quyền đề cử bao nhiêu ứng viên cho vị trí thành viên HĐQT Sacombank, nhưng Ban lãnh đạo Sacombank cũng không thể ngăn cản quyền cơ bản của nhóm cổ đông này.

Nếu vẫn tiếp tục giữ quan điểm khác biệt, bất đồng giữa nhóm cổ đông lớn và Ban lãnh đạo Sacombank sẽ ngày càng đứng trước hố sâu cách biệt. Nguồn tin riêng của ĐTCK tiết lộ, với nhóm cổ đông lớn ủy quyền cho Eximbank, rào cản kỹ thuật 6 tháng để được ứng cử vào HĐQT sẽ không thành vấn đề, do gần một nửa trong số cổ phần hiện nay đã có thời hạn nắm giữ vượt quá 6 tháng.

Bên cạnh đó, nhóm cổ đông lớn đủ điều kiện triệu tập ĐHCĐ bất thường trong trường hợp các kiến nghị không được HĐQT Sacombank xem xét nghiêm túc. Một nguồn tin khác của ĐTCK tiết lộ, trước khi đề nghị về nhân sự được gửi tới Sacombank, đại diện của Eximbank và đại diện Sacombank đã có hai buổi làm việc với chủ đề chính trong cuộc gặp tập trung vào một số khoản tín dụng và tài chính của Ngân hàng.

Với tuyên bố của Eximbank rằng, đã đại diện cho nhóm cổ đông chiếm đa số (51% vốn) và kiến nghị chính thức về vấn đề nhân sự tại Sacombank, cuộc chiến giành quyền kiểm soát Sacombank chính thức bùng nổ. Thị trường đã từng chứng kiến việc chuyển giao quyền lực êm thấm tại nhiều ngân hàng như Techcombank, VP Bank, Gia Định Bank… Suy cho cùng, sự thay máu cổ đông lớn tại Sacombank, nếu xảy ra cũng nên coi là bình thường, nếu việc chuyển giao quyền lực mang lại giá trị cho các bên và giúp Ngân hàng lớn mạnh.