Trường mầm non Vườn Xanh tại Mỹ Đình, Hà Nội bị sập vào rạng sáng ngày 25/9/2017c

Trường mầm non Vườn Xanh tại Mỹ Đình, Hà Nội bị sập vào rạng sáng ngày 25/9/2017c

Sản phẩm bảo hiểm lỗi sau thi công trước nguy cơ “chết yểu”

(ĐTCK) Trong khi tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư về chất lượng công trình ngày càng nhiều, thì một giải pháp hạn chế tranh chấp lại đang bị lãng quên.

Tại Việt Nam, nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng, bao gồm cả việc xây dựng nhà ở cũng như các công trình hạ tầng giao thông (cầu, đường…) ngày một cao. Tuy nhiên, các chủ dự án xây dựng, người mua nhà thường phải đối mặt với rủi ro hư hỏng kết cấu công trình xây dựng sau khi công trình hoàn thành, mà nguyên nhất xuất phát từ lỗi tiềm ẩn trong quá trình xây dựng. Thực tế cho thấy, việc khắc phục các lỗi này rất khó khăn, tốn kém.

Mặc dù vậy, theo Tổng CTCP Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (VINARE), những rủi ro này hiện không được bảo vệ đúng và đủ bởi các loại hình bảo hiểm truyền thống và đang phổ biến tại thị trường Việt Nam như bảo hiểm rủi ro xây dựng, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp hay bảo hiểm tài sản. Cùng với đó, hệ thống pháp lý cũng không quy định phải bắt buộc mua bảo hiểm cho rủi ro này.

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Quang Hưng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt cho biết, các sản phẩm bảo hiểm lỗi tiềm ẩn trong quá trình xây dựng hiện đã có mặt trên thị trường, nhưng khách hàng chưa quan tâm do không bị buộc phải mua.

Đại diện của PVI, PJICO cũng cho hay, chỉ cần khách hàng có nhu cầu, chúng tôi sẵn sàng cung cấp. Nhưng đến nay, sản phẩm này gần như “chết yểu”  vì hầu như không được khách hàng để mắt đến.

“Ngay cả với sản phẩm bảo hiểm trong hoạt động đầu tư xây dựng thuộc diện bắt buộc phải mua theo hướng dẫn tại Thông tư 329/2016/TT-BTC (có hiệu lực từ 1/3/2017) mà khách hàng còn không mua, huống chi những sản phẩm bảo hiểm tự nguyện”, một vị đại diện ngao ngán.

Để sản phẩm mới có “đất sống”…

Để sản phẩm mang tính tự nguyện này đi vào thực tiễn, cũng như phù hợp với thông lệ quốc tế, nhiều hãng bảo hiểm cho rằng, cần phải đưa bảo hiểm lỗi tiềm ẩn trong quá trình xây dựng vào danh mục các sản phẩm bảo hiểm bắt buộc phải mua theo quy định của pháp luật.

Chỉ ra lý do vì sao sản phẩm bảo hiểm này chưa được khách hàng chú ý, một chủ đầu tư bất động sản cho biết, ngoài việc chưa phù hợp với yêu cầu của khách hàng, sản phẩm còn rất phức tạp, khiến khách hàng khó tiếp cận.

Chia sẻ tại hội thảo “Bảo hiểm lỗi tiềm ẩn trong công trình xây dựng (IDI): Cơ hội ở Việt Nam” được tổ chức gần đây, ông Nguyễn Mạnh Linh, Phó tổng giám đốc VINARE cho biết, VINARE mong muốn góp phần tìm ra một sản phẩm phù hợp nhằm thúc đẩy tăng trưởng bảo hiểm kỹ thuật tại Việt Nam và quan trọng hơn là đáp ứng được nhu cầu của các bên liên quan, đồng thời đảm bảo tuân thủ luật định đã được ban hành tại Việt Nam.

Cũng tại hội thảo, các chuyên gia đến từ Swiss Re - nhà tái bảo hiểm hàng đầu thế giới và SECO - công ty cung cấp dịch vụ thẩm tra kỹ thuật độc lập trong các công trình xây dựng, đã giới thiệu về loại hình bảo hiểm IDI - sản phẩm bảo hiểm cho lỗi tiềm ẩn trong công trình xây dựng đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới và nhận được những phản hồi khá tích cực từ các bên liên quan.

Hiện tại, các thành viên thị trường đang chờ động thái từ các cơ quan quản lý để đưa ra đề xuất bổ sung sản phẩm bảo hiểm này vào diện bắt buộc phải mua theo quy định pháp luật. 

Sản phẩm bảo hiểm lỗi tiềm ẩn của công trình sẽ bảo hiểm cho những thiệt hại vật chất ảnh hưởng đến tài sản được bảo hiểm, gây ra bởi các khiếm khuyết cố hữu, dẫn đến sụp đổ một phần hoặc toàn bộ toàn hệ thống kết cấu chịu lực công trình, hoặc trong điều kiện phải sửa chữa, gia cố ngay lập tức nhằm tránh bị phá hủy.

Sản phẩm này bảo đảm chi phí sửa chữa, xây mới, hoặc gia cố cho tài sản được bảo hiểm nếu thiệt hại gây ra bởi những khiếm khuyết cố hữu của kết cấu. Chẳng hạn, lỗi trong thiết kế, hoạch định, hay đặc tính kỹ thuật; lỗi tay nghề, hoặc thiếu sót trong việc áp dụng các tiêu chuẩn, hoặc quy tắc xây dựng; khuyết tật nguyên vật liệu, hay điều kiện địa chất kém; lỗi quản lý công trường, hạn chế trong trao đổi thông tin giữa đơn vị thiết kế và nhà thầu thi công, hay sự phối hợp không tốt giữa các nhà thầu phụ và nhà cung cấp…

• Thời hạn bảo hiểm: Thông thường 10 năm bắt đầu từ thời điểm bàn giao.

• Người được bảo hiểm: Chủ đầu tư hoặc chủ sở hữu.

• Tài sản được bảo hiểm: Khu nhà ở, thương mại và công nghiệp mới xây dựng; một số dự án kỹ thuật dân dụng…

Tin bài liên quan