Sản phẩm chứng khoán mới: vẫn rối về cách hiểu

Sản phẩm chứng khoán mới: vẫn rối về cách hiểu

(ĐTCK) Hội thảo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước lấy ý kiến về dự thảo Nghị định về đầu tư, kinh doanh chứng khoán cuối tuần qua tại TP. HCM cũng đồng thời cho thấy, nhiều thành viên thị trường còn chưa hiểu rõ, hay nói cách khác còn rối về cách hiểu các sản phẩm mới dự kiến được triển khai trên TTCK Việt Nam.

Sản phẩm mới: lo thanh khoản thấp

Liên quan đến cổ phiếu không có quyền biểu quyết (bao gồm cổ phiếu ưu đãi cổ tức, cổ phiếu ưu đãi hoàn lại), ý kiến các thành viên thị trường cho rằng, chưa thể đánh giá ngay sản phẩm này trong việc thu hút vốn ngoại vào doanh nghiệp, nhưng khả năng thanh khoản của cổ phiếu này sẽ thấp vì đặc điểm có nhiều loại cổ phiếu không có quyền biểu quyết, không phải là sản phẩm chuẩn, không có một mức giá chung như cổ phiếu phổ thông.

Theo kinh nghiệm ở TTCK Thái Lan thì sản phẩm này không có thanh khoản ở thị trường thứ cấp. Do vậy, để thu hút NĐT nước ngoài cần tham khảo thêm một số công cụ ở các thị trường khác như cổ phiếu hạn chế quyền biểu quyết (Malaysia), chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết NVDR (Thái Lan) hay cổ phiếu vàng ở Nhật Bản…

Với một sản phẩm mới khác: cổ phiếu ưu đãi hoàn lại, có ý kiến hiểu rằng, cổ đông mới thỏa thuận với cổ đông hiện tại về mức giá sẽ được DN mua lại trong tương lai, như vậy, mức giá này được định giá ra sao, có mức giá trần hay không, nguồn chi trả của công ty từ đâu?

“Cá nhân tôi thấy hình thức cổ phiếu này gần giống cổ phiếu quỹ, trong khi quy định về cổ phiếu quỹ rất chặt chẽ và rõ ràng. Do vậy, đối với sản phẩm này cũng cần định hướng và quy định rõ trong Nghị định”, một thành viên nêu quan điểm.

Đối với khối công ty quản lý quỹ, bên cạnh đề xuất làm rõ hơn về những định nghĩa liên quan đến nhân sự như “bộ phận nghiệp vụ”, hay bỏ những nội dung liên quan đến “kiêm nhiệm” thì nội dung về hợp nhất, sáp nhập được trao đổi rất kỹ.

Trong dự thảo có ghi, trường hợp hoán đổi cổ phiếu kết hợp chi trả bằng tiền mặt, cổ đông của công ty bị hợp nhất hoặc bị sáp nhập được nhận thêm một khoản tiền không vượt quá 10%  giá trị tài sản ròng trên một cổ phiếu tại ngày hợp nhất, sáp nhập”.

Ông Nguyễn Minh Đăng Khánh, đại diện Công ty Quản lý quỹ Việt Nam (VFM) cho rằng, với quy định trên có thể hiểu, số tiền của cổ đông tại DN bị hợp nhất/sáp nhập nhận được sẽ lớn hơn giá trị tài sản, vậy có xảy ra trường hợp giá trị cổ phiếu hoán đổi cho tổ chức hợp nhất, sáp nhập dưới giá trị tài sản? 

UBCK nỗ lực xây dựng, còn tiếp nhận sản phẩm mới là việc của thị trường

Về phía UBCK, TSKH Nguyễn Thành Long cho biết, thực tế, tại nhiều nước có triển khai cổ phiếu không có quyền biểu quyết, như ở Úc, Nhật…, tuy nhiên sản phẩm không phổ biến là do tại các thị trường này không có quy định hạn chế sở hữu nước ngoài. Trong khi đó, ở Việt Nam, số lượng những DN thuộc ngành nghề kinh doanh bị hạn chế sẽ giảm dần, nhưng hiện tại vẫn còn, do vậy, trường hợp những DN cần huy động thêm vốn thì có thể Việt Nam sẽ khác với thông lệ các nước.

Công việc của Ủy ban là nỗ lực hết sức, những sản phẩm nào được pháp luật cho phép thì sẽ hướng dẫn cụ thể để DN triển khai, còn việc tiếp nhận sản phẩm mới ra sao là công việc của thị trường.

Đối với những sản phẩm như NVDR hay cổ phiếu hạn chế quyền biểu quyết, trong Luật Doanh nghiệp quy định rõ, DN được quyền phát hành 2 loại cổ phiếu là cổ phiếu phổ thông và cổ phiếu ưu đãi. Mỗi cổ phiếu phổ thông có một quyền biểu quyết, tức là không thể tước bỏ quyền đó và cũng không thể làm giảm quyền biểu quyết của cổ đông.

Sau này, khi Luật Doanh nghiệp được sửa đổi và quy định thêm “Mỗi cổ phiếu phổ thông có một quyền biểu quyết, trừ trường hợp Luật Chứng khoán có quy định khác” thì lúc đó sẽ dễ dàng đưa thêm nhiều sản phẩm mà thị trường mong đợi, ông Long nói.

Một vấn đề được các CTCK hết sức quan tâm là hướng dẫn cho phép CTCK được đầu tư tự doanh ra nước ngoài và cho rằng, đây là một trong những hoạt động bước đầu mang tính học hỏi và dần tiến tới là một trong những hoạt động chính của công ty. Tuy nhiên, băn khoăn đặt ra giữa quy định đầu tư gián tiếp và đầu tư trực tiếp của các CTCK.

Cụ thể, đối với đầu tư gián tiếp, Nghị định 135 có quy định tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài không được đầu tư gián tiếp ra nước ngoài, vậy trường hợp CTCK nới room lên mức 100% vốn nước ngoài có được đầu tư gián tiếp ra nước ngoài hay không? Những khúc mắc từ thực tế rất cần nhà quản lý giải thích và tìm ra con đường phù hợp về pháp lý để mở rộng không gian phát triển của TTCK.       

Tin bài liên quan