Sắp bán lẻ trái phiếu Chính phủ qua ngân hàng thương mại

Sắp bán lẻ trái phiếu Chính phủ qua ngân hàng thương mại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Điều 17 Nghị định số 83/2023/NĐ-CP áp dụng từ 15/1/2024 nêu rõ, phát hành riêng lẻ là phương thức bán trực tiếp trái phiếu Chính phủ cho từng đối tượng mua hoặc lựa chọn ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài làm đại lý phân phối và thanh toán trái phiếu Chính phủ.

Phương thức huy động vốn mới cho ngân sách Nhà nước

Tại buổi họp báo quý IV/2024 của Kho bạc Nhà nước (KBNN) sáng 12/1, ông Lưu Hoàng, Cục trưởng Cục Quản lý ngân quỹ, Kho bạc Nhà nước thông tin về quy định mới trong phát hành riêng lẻ trái phiếu chính phủ tại Nghị định số 83/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 về phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ của Chính phủ trên thị trường chứng khoán sắp có hiệu lực từ ngày 15/1/2024.

Theo đó, Điều 17 Nghị định số 83/2023/NĐ-CP áp dụng từ 15/1/2024 nêu rõ, phát hành riêng lẻ là phương thức bán trực tiếp trái phiếu Chính phủ cho từng đối tượng mua hoặc lựa chọn ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài làm đại lý phân phối và thanh toán trái phiếu Chính phủ.

Ông Lưu Hoàng cho biết, hình thức phát hành trái phiếu Chính phủ riêng lẻ đã từng thực hiện trước đây, qua kho bạc địa phương; còn Nghị định số 83 có điểm mới là phát hành trái phiếu riêng lẻ qua ngân hàng thương mại.

Khi triển khai phát hành trái phiếu Chính phủ theo phương thức riêng lẻ, Kho bạc Nhà nước (KBNN) sẽ xây dựng phương án báo cáo để Bộ Tài chính chấp thuận.

"Trong giai đoạn trước mắt vẫn tập trung thực hiện theo phương thức đấu thầu qua Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội để đảm bảo tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, tiết giảm chi phí vay cho ngân sách nhà nước", ông Hoàng nói.

Ông Lưu Hoàng, Cục trưởng Cục Quản lý ngân quỹ, Kho bạc Nhà nước trả lời báo chí sáng 12/1 - Ảnh: M.Minh

Ông Lưu Hoàng, Cục trưởng Cục Quản lý ngân quỹ, Kho bạc Nhà nước trả lời báo chí sáng 12/1 - Ảnh: M.Minh

Chia sẻ thêm về vấn đề này, Phó tổng giám đốc KBNN Trần Thị Huệ cho biết, Nghị định 83 mở thêm kênh huy động vốn để đáp ứng nhu cầu chi đầu tư phát triển cũng như trả nợ gốc.

"Phương thức bán lẻ trái phiếu Chính phủ, thực ra hệ thống KBNN từng thực hiện trong lịch sử từ những năm 1990, 1991. Tuy nhiên, chúng tôi thấy rằng chi phí của việc bán lẻ lớn nên từ năm 2009 gần như không thực hiện nữa và chuyển sang phương thức đấu thầu vì nhanh hơn và đạt hiệu quả tốt hơn về chi phí", bà Huệ thông tin.

Trong năm 2023, Kho bạc Nhà nước đã huy động được 298.476 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, đạt 98% kế hoạch điều chỉnh của Bộ Tài chính giao (305.000 tỷ đồng) và tăng 39% so với cùng kỳ.

Việc quay lại phương thức bán lẻ trái phiếu chính phủ riêng lẻ, theo lãnh đạo KBNN, nhằm triển khai thực hiện trong những trường hợp cấp bách cần huy động nguồn lực toàn dân, việc bán lẻ trực tiếp đến các đối tượng, cá nhân.

"Chủ trương này đã được tính đến trong thời gian dịch Covid vừa qua, khi cần huy động các nguồn lực cho chiến dịch phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, sau đó các phương thức huy động khác đủ đảm bảo cho chương trình phục hồi kinh tế nên phương thức bán lẻ chưa triển khai", bà Huệ nói thêm.

Chưa vay thêm để cơ cấu nợ công dù lãi suất trái phiếu Chính phủ đang giảm sâu

Tại buổi họp báo, có câu hỏi gửi tới lãnh đạo KBNN đề nghị cho biết kế hoạch vay và trả nợ công năm 2024; năm 2024 là đỉnh điểm trả nợ công, KBNN có vay thêm để cơ cấu nợ công để tận dụng lãi suất trái phiếu Chính phủ đang giảm hay không?

Trả lời câu hỏi này, ông Lưu Hoàng cho biết, năm 2024, dự kiến khối lượng phát hành trái phiếu Chính phủ tương đối lớn theo kế hoạch Quốc hội phê duyệt, để cân đối ngân sách và trả nợ gốc trước đây.

"Kế hoạch vay để đảo nợ, KBNN sẽ tìm thời điểm phù hợp sao cho đảm bảo cân đối ngân sách và tình hình huy động vốn trên thị trường", ông Hoàng nêu rõ.

Bổ sung thêm, Phó tổng giám đốc KBNN Trần Thị Huệ cho biết, chức năng, nhiệm vụ của KBNN là tổ chức phương án huy động vốn và tái cơ cấu nợ theo phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Phó tổng giám đốc KBNN Trần Thị Huệ chủ trì buổi họp báo - Ảnh: M.M

Phó tổng giám đốc KBNN Trần Thị Huệ chủ trì buổi họp báo - Ảnh: M.M

Giá trị vay và trả nợ trong năm được thực hiện theo dự toán ngân sách nhà nước đã được Quốc hội thông qua; đảm bảo kế hoạch vay và trả nợ hàng năm được Chính phủ phê duyệt, trong đó nêu rõ chi tiết tổng mức vay, tổng mức trả nợ và các phương án để tái cơ cấu nợ, bao gồm nghiệp vụ huy động mới và trả bớt nợ cũ sắp đến hạn.

"Trong năm 2023, kế hoạch vay và trả nợ của Chính phủ chưa đề cập đến phương án vay để đảo nợ, do đó phương án cho năm 2024 đến nay vẫn chưa được thông qua", bà Huệ nói.

Chia sẻ thêm, Phó tổng giám đốc KBNN cho biết, năm 2023, 2024 là giai đoạn đỉnh điểm trả nợ của Chính phủ, khoản nợ vay đến hạn rất lớn. Trong bối cảnh ngân sách còn bội chi, toàn bộ khoản nợ vay đến hạn phải trả nên nhiệm vụ này rất nặng nề.

"Mức vay để trả nợ đến hạn của ngân sách trung ương năm vừa qua khoảng 600.000 đồng nên việc vay thêm để đảo nợ thực sự không khả thi. Đó là nguyên nhân tại sao năm 2023, Kho bạc Nhà nước chưa tiến hành đảo nợ dù lãi suất rất thấp", bà Huệ thông tin.

Chi đầu tư công qua kho bạc đạt 85,7% kế hoạch

Khái quát chung về nhiệm vụ năm 2023, Phó tổng giám đốc KBNN Trần Thị Huệ cho biết, đơn vị đã hoàn thành tốt chương trình công tác của năm.

Tính đến ngày 31/12/2023, lũy kế thu ngân sách nhà nước năm 2023 trong cân đối đạt 1.752.404 tỷ đồng; bằng 108,12% so với dự toán năm 2023. Trong đó, thu ngân sách trung ương đạt 105,94% so với dự toán; thu ngân sách địa phương đạt 110,61% so với dự toán.

Nhằm góp phần đẩy nhanh vốn đầu tư công theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, KBNN đã đề ra các giải pháp cụ thể nhằm tăng cường công tác kiểm soát chi, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng trong giao dịch thanh toán của hệ thống KBNN.

Kết quả, đối với chi thường xuyên: Tính đến ngày 31/12/2023, hệ thống KBNN đã thực hiện kiểm soát đạt 1.003.334 tỷ đồng, bằng 84,7% dự toán chi thường xuyên năm 2023 của ngân sách nhà nước qua KBNN (không bao gồm chi trả nợ, viện trợ, chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính, dự phòng).

Đối với chi đầu tư công nguồn NSNN: Tính đến ngày 31/12/2023, lũy kế vốn đầu tư kiểm soát, thanh toán qua KBNN thuộc kế hoạch năm 2023 là 568.135,9 tỷ đồng, bằng 85,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao kiểm soát chi qua KBNN (kế hoạch là 663.275,1 tỷ đồng);

Đến nay, KBNN đã hợp tác trong tổ chức phối hợp thu ngân sách nhà nước và thanh toán song phương điện tử với 20 hệ thống ngân hàng thương mại với 3.309 tài khoản của các đơn vị KBNN tại các ngân hàng thương mại.

Toàn cảnh buổi họp báo

Toàn cảnh buổi họp báo

Trong năm 2023, nhờ nỗ lực cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực kiểm soát chi, đến nay, 100% các đơn vị đã tham gia giao dịch trên Hệ thống Dịch vụ công trực tuyến, trừ khối an ninh quốc phòng, chiếm 99,5% hồ sơ kiểm soát chi ngân sách nhà nước.

Năm 2023 là năm thứ 2 thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Trong năm, số thu chi ngân sách nhà nước bằng tiền mặt tại hệ thống KBNN tiếp tục giảm, số thu bằng tiền mặt chiếm khoảng 0,069% so với tổng thu ngân sách nhà nước, giảm 0,091% so với năm 2022; số chi bằng tiền mặt chiếm khoảng 0,097% so với tổng chi, giảm 0,263% so với năm 2022.

Về điều hành ngân quỹ nhà nước và huy động vốn cho ngân sách nhà nước, trong năm 2023, thông qua hoạt động quản lý ngân quỹ nhà nước, KBNN đã nộp vào ngân sách trung ương 6.815 tỷ đồng.

Đặc biệt, bà Huệ cho biết, tháng 4/2023, KBNN đã triển khai chương trình ứng dụng thanh toán tự động các khoản chi điện, nước, dịch vụ viễn thông. Tính đến ngày 31/12/2023, có tổng cộng 39.388 đơn vị sử dụng ngân sách đã uỷ quyền để KBNN thực hiện thanh toán số tiền hơn 1.459 nghìn tỷ đồng cho dịch vụ điện, nước và 176 tỷ đồng cho dịch vụ viễn thông trên toàn quốc.

Sau khi uỷ quyền cho KBNN, ơn vị sử dụng ngân sách không cần lập hồ sơ thanh toán qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến. Các hoá đơn của ơn vị sử dụng ngân sách sẽ được KBNN tự động thanh toán ngay sau khi nhận được thông tin từ nhà cung cấp dịch vụ, qua đó đã giảm đáng kể số lượng hồ sơ giao dịch (ước tính giảm được tổng số 90.684 hồ sơ giao dịch/tháng), giúp tiết kiệm thời gian và chi phí hoạt động.

Tin bài liên quan