Sắp đón sóng lớn đầu tư vào hạ tầng hàng không

0:00 / 0:00
0:00
Quy hoạch Tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sắp được phê duyệt sẽ tạo nền tảng pháp lý quan trọng để gọi vốn tư nhân.
Phối cảnh nhà ga T3 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài

Phối cảnh nhà ga T3 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài

Cơ hội nâng đời sớm

Theo thông tin của Báo Đầu tư, Văn phòng Chính phủ vừa có Công văn số 5644/VPCP-CN gửi Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) và UBND tỉnh Lai Châu truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Văn Thành về việc đầu tư xây dựng Cảng hàng không Lai Châu theo hình thức hợp tác công - tư (PPP) và giao địa phương làm cơ quan có thẩm quyền triển khai dự án.

“Phó thủ tướng giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét kiến nghị của UBND tỉnh Lai Châu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo đúng quy định”, Công văn số 5644/VPCP-CN nêu rõ.

Trước đó, tại Tờ trình số 2922/TTr-UBND gửi Thủ tướng Chính phủ giữa tháng 8/2022, UBND tỉnh Sơn La khẳng định, Cảng hàng không Lai Châu được xác định là dự án động lực quan trọng, có vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; góp phần đảm bảo quốc phòng an ninh trong công tác tuần tra, kiểm soát các vùng biên giới; phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn; đồng thời là công trình động lực quan trọng của Lai Châu cần đầu tư giai đoạn 2021-2025, nhằm tạo điều kiện để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Theo Quy hoạch Phát triển GTVT hàng không tại Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 23/2/2018, Cảng hàng không Lai Châu được định hướng đến giai đoạn năm 2030 là sân bay dân dụng cấp 3C và sân bay quân sự cấp III; công suất 0,5 triệu lượt hành khách/năm; diện tích sử dụng đất là 167 ha, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 8.000 tỷ đồng, địa điểm đầu tư tại thị trấn Tân Uyên, tỉnh Lai Châu.

Tại Tờ trình số 13833/TTr-BGTVT ngày 24/12/2021 của Bộ GTVT phê duyệt điều chỉnh tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được Thủ tướng Chính phủ xem xét, trong giai đoạn 2030, Cảng hàng không Lai Châu tiếp tục được định hướng đầu tư với công suất thiết kế dự kiến 0,5 triệu lượt hành khách/năm, diện tích đất dự kiến 117,09 ha, ước chi phí đầu tư theo quy hoạch khoảng 4.350 tỷ đồng, địa điểm đầu tư tại thị trấn Tân Uyên, tỉnh Lai Châu.

Do công trình trên có vai trò rất lớn trong việc kết nối thông thương, nên UBND tỉnh Lai Châu muốn được chủ động triển khai đầu tư sớm hơn theo hình thức PPP, thay vì phải trông chờ vào vốn ngân sách, hoặc đơn vị đầu mối khai thác cảng hàng không lớn nhất Việt Nam hiện nay là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV).

“Hiện nay, đã có một số nhà đầu tư quan tâm nghiên cứu đầu tư xây dựng Cảng hàng không Lai Châu theo hình thức PPP. Vì vậy, để đảm bảo cơ sở pháp lý và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư sớm hoàn thiện thủ tục đầu tư, UBND tỉnh Lai Châu đề nghị Thủ tướng xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng Cảng hàng không Lai Châu theo hình thức PPP và giao địa phương giữ vai trò là cơ quan nhà nước có thẩm quyền”, ông Trần Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu đề xuất.

Một thuận lợi lớn đối với UBND tỉnh Lai Châu là trong hồ sơ Quy hoạch Tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Cục Hàng không Việt Nam hoàn thiện, trình lại Bộ GTVT vào đầu tuần trước, Cảng hàng không Lai Châu được xếp đứng đầu tiên trong danh sách 14 cảng hàng không quốc nội giai đoạn quy hoạch đến năm 2030.

Cũng giống như một số dự án cảng hàng không địa phương khác, để triển khai đầu tư xây dựng Cảng hàng không Lai Châu, UBND tỉnh Lai Châu cần phải bảo đảm các điều kiện tiên quyết là Quy hoạch hệ thống cảng hàng không sân bay toàn quốc, Đề án Định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Theo ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ GTVT, trong các điều kiện trên, có 2 nội dung thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ (Quy hoạch Tổng thể về hệ thống cảng hàng không sân bay toàn quốc và Đề án). Được biết, Quy hoạch Tổng thể về hệ thống cảng hàng không sân bay toàn quốc và Đề án đã được Bộ GTVT trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt sau nhiều lần tiếp thu, hoàn thiện theo ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ; các bộ, ngành và địa phương liên quan.

“Đối với việc đầu tư các cảng hàng không mới, tinh thần chỉ đạo của Chính phủ đã được Bộ GTVT cập nhật trong hồ sơ Quy hoạch tổng thể và Đề án là đẩy mạnh phân cấp. UBND các tỉnh, thành phố có thể chủ động triển khai sớm hơn thời gian được đề cập trong quy hoạch nếu có nhu cầu và thu xếp được nguồn vốn”, ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết.

Kéo dài danh mục gọi vốn tư nhân

Được biết, đây chưa phải điểm mới duy nhất trong bản dự thảo mới nhất về hồ sơ Quy hoạch Tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong báo cáo rà soát, hoàn chỉnh hồ sơ Quy hoạch Tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Cục Hàng không Việt Nam đã thống nhất kiến nghị cập nhật nội dung Quy hoạch Hệ thống cảng hàng không toàn quốc thời kỳ 2021-2030 “nghiên cứu, khảo sát, đánh giá khả năng quy hoạch, xây dựng cảng hàng không tại một số sân bay quân sự (Thành Sơn, Biên Hòa...) trong trường hợp đủ điều kiện” trong dự thảo Quyết định phê duyệt Quy hoạch.

Cục Hàng không Việt Nam cũng đã cập nhật nội dung Quy hoạch Hệ thống cảng hàng không toàn quốc thời kỳ 2021-2030 “nghiên cứu, khảo sát, đánh giá khả năng quy hoạch đường cất cánh số số 3 tại Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh” trong dự thảo Quyết định phê duyệt Quy hoạch.

Như vậy, theo đề xuất mới nhất của Cục Hàng không Việt Nam, trong giai đoạn 2021 - 2030, mạng cảng hàng không được quy hoạch theo mô hình trục nan với 2 đầu mối chính tại khu vực Thủ đô Hà Nội và khu vực TP.HCM, hình thành 28 cảng hàng không, bao gồm: 14 cảng hàng không quốc tế (Vân Đồn, Cát Bi, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc); 14 cảng hàng không quốc nội (Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Đồng Hới, Quảng Trị, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Rạch Giá, Cà Mau và Côn Đảo).

Cũng trong giai đoạn này, Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị tiếp tục duy trì vị trí quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Hải Phòng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quyết định số 640/QĐ-TTg ngày 28/4/2011 tại huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng.

Bên cạnh đó, hồ sơ quy hoạch vẫn để mở cho việc nghiên cứu, khảo sát, đánh giá khả năng: quy hoạch, xây dựng cảng hàng không, sân bay tại các đảo (như Lý Sơn, Phú Quý...), quần đảo có nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; quy hoạch đường cất hạ cánh số 3 tại Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh; quy hoạch, xây dựng cảng hàng không tại một số sân bay quân sự (Thành Sơn, Biên Hòa...) trong trường hợp đủ điều kiện.

Về tầm nhìn đến năm 2050, hồ sơ quy hoạch kiến nghị hình thành 31 cảng hàng không, bao gồm: 14 cảng hàng không quốc tế (Vân Đồn, Hải Phòng, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc); 17 cảng hàng không quốc nội (thêm sân bay Cao Bằng và Cảng hàng không thứ hai phía Đông Nam Thủ đô Hà Nội).

Theo tính toán, tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống cảng hàng không đến năm 2030 khoảng 400.000 tỷ đồng, sẽ được huy động nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn ngoài ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Cần phải nói thêm, tại Đề án Định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không vừa được trình cấp có thẩm quyền, Cục Hàng không Việt Nam đã đề xuất chuyển giao khu bay và ACV chuyển giao các công trình hạ tầng thiết yếu của một số sân bay ở vùng sâu, vùng xa cho địa phương để chủ động huy động nguồn lực đầu tư phát triển theo hình thức PPP.

Đối với các sân bay mới, Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị huy động nguồn vốn xã hội đầu tư toàn bộ theo hình thức PPP và giao UBND các tỉnh có quy hoạch sân bay mới là cơ quan có thẩm quyền đầu tư theo phương thức PPP chủ động huy động, cân đối nguồn lực và tổ chức thực hiện đầu tư.

Theo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, do Đề án được xây dựng trong bối cảnh pháp luật về nhượng quyền khai thác và đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không chưa hoàn thiện; quy định và thực tiễn quản lý, sử dụng đất đai tại các sân bay do lịch sử để lại nên còn nhiều bất cập; tài sản kết cấu hạ tầng có nhiều chủ sở hữu; trong khi lại có vai trò quan trọng và nhạy cảm với quốc phòng, an ninh, nên việc thu hút nguồn lực từ khu vực tư nhân và đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài cần được xem xét kỹ lưỡng, thấu đáo.

Do đó, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến về các định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không gồm: định hướng phân loại hệ thống cảng hàng không; định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư của từng nhóm.

“Trên cơ sở quyết định của Thủ tướng Chính phủ đối với Đề án định hướng này, Bộ GTVT sẽ triển khai Đề án Phân cấp, phân quyền và giải pháp huy động nguồn lực thực hiện Quy hoạch Tổng thể hệ thống cảng hàng không toàn quốc để cụ thể hóa mô hình quản lý, phân cấp quản lý, giải pháp cụ thể huy động nguồn vốn, cơ chế chính sách, lộ trình thực hiện và đề xuất kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các cấp có thẩm quyền cho ý kiến hoặc quyết định từng nội dung cụ thể”, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam thông tin.

Các dự án quan trọng quốc gia, dự án ưu tiên đầu tư

1. Đầu tư xây dựng mở rộng, nâng cấp các cảng hàng không quốc tế lớn đóng vai trò đầu mối: xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 có công suất 25 triệu hành khách/năm; xây dựng nhà ga T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất có công suất 20 triệu lượt hành khách/năm; mở rộng nhà ga T2 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài (nâng công suất lên 15 triệu lượt hành khách/năm); xây dựng đường cất hạ cánh số 3, nhà ga T3 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài về phía Nam của Cảng...

2. Đầu tư xây dựng mở rộng, xây dựng mới các cảng hàng không tại vùng sâu, vùng xa, vùng núi, hải đảo như: Điện Biên, Sa Pa, Pleiku, Côn Đảo...

3. Đầu tư xây dựng, mở rộng các cảng hàng không bảo đảm quốc phòng - an ninh như: xây dựng khu bay và khu hàng không dân dụng cảng hàng không Thọ Xuân, Phan Thiết…

4. Mở rộng các cảng hàng không đáp ứng nhu cầu vận tải: Cát Bi, Vinh, Đồng Hới, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Phù Cát, Liên Khương...

Tin bài liên quan