Ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính

Ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính

Sắp được thoái vốn ngoài ngành dưới mệnh giá

(ĐTCK) “Bộ Tài chính vừa trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành Quyết định về đẩy mạnh thoái vốn nhà nước tại các DN giai đoạn 2013 - 2015. Dự kiến, cơ chế mới này sẽ được ban hành ngay trong tháng 6”, ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính trao đổi với ĐTCK. 

Có ý kiến lo ngại việc cho phép DNNN được thoái vốn đầu tư ngoài ngành dưới mệnh giá (thoái vốn lỗ) có nguy cơ xảy ra hiện tượng tư túi, làm thất thoát tài sản nhà nước. Bộ Tài chính đề xuất cơ chế nào để phòng ngừa nguy cơ này, thưa ông?

Theo các giải pháp mà Bộ Tài chính đề xuất, mọi hoạt động thoái vốn đầu tư ngoài ngành đều phải diễn ra theo đúng quy trình, minh bạch theo quy định của pháp luật. Bởi vậy, các thông tin về ai tham gia mua phần vốn đầu tư ngoài ngành của các DNNN, mua với khối lượng bao nhiêu, mua với giá nào, đều được minh bạch. Giá trị phần vốn đưa ra bán đấu giá được định giá theo nguyên tắc thị trường, đồng thời việc bán vốn được tổ chức đấu giá công khai, nên sẽ không có chuyện lợi dụng việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành để tư túi, làm thất thoát tài sản của Nhà nước.

Theo cơ chế mà Bộ Tài chính đề xuất, sau khi thoái vốn đầu tư ngoài ngành theo hình thức đấu giá không thành công, thì được thoái vốn theo hình thức thỏa thuận. Tuy nhiên, một số DN phản ánh, khi công khai phương án bán vốn, NĐT sẵn sàng mua với giá cao hơn mức giá khởi điểm đưa ra đấu giá, bởi họ muốn chắc chắn thành công trong mua phần vốn mà không muốn tham gia đấu giá. Cơ chế mới có cho phép chuyển nhượng vốn theo phương thức này, thưa ông?

Đúng là trên thực tế có thể phát sinh tình huống này, bởi NĐT không muốn đối mặt với rủi ro không mua được phần vốn thông qua đấu giá. Để xử lý tình huống này, Bộ Tài chính đề xuất Thủ tướng Chính phủ, tùy từng trường hợp cụ thể sẽ cho phép bán thỏa thuận trực tiếp giữa chủ sở hữu vốn (hoặc cơ quan chức năng được chủ sở hữu ủy quyền, giao nhiệm vụ bằng văn bản) với NĐT trong trường hợp chỉ có một NĐT đăng ký mua, hoặc trường hợp được Thủ tướng Chính phủ cho phép bán thỏa thuận trực tiếp. Khi chuyển nhượng vốn theo hình thức thỏa thuận trực tiếp thì người có thẩm quyền quyết định chuyển nhượng vốn không được quyết định chuyển nhượng cho DN, trong đó có vợ, chồng, cha, con, anh, chị, em ruột… là người quản lý DN này và không được quyết định chuyển nhượng cho các cá nhân là người có quan hệ vừa nêu.

Theo Nghị quyết 15/2014 của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DN, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) được giao xem xét mua lại các khoản đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước vào lĩnh vực ngân hàng sau khi thoái vốn dưới mệnh giá nhưng không thành công. Nhiều ý kiến quan ngại việc này sẽ gây rủi ro cho đồng vốn nhà nước, vì SCIC không am hiểu lĩnh vực ngân hàng. Trong cơ chế đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành, Bộ Tài chính xử lý vấn đề này ra sao, thưa ông?

Mới đây, SCIC có công văn gửi các tập đoàn, tổng công ty về việc sẵn sàng xem xét mua các khoản đầu tư ngoài ngành của các đơn vị này đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm như chủ trương chỉ đạo của Chính phủ. Tuy nhiên, để triển khai việc này phải tuân thủ các quy định chặt chẽ, nhằm giảm thiểu rủi ro cho đồng vốn nhà nước, cũng như tránh tác động tiêu cực đến hoạt động của lĩnh vực ngân hàng. Theo đó, việc tiếp cận, đánh giá các khoản đầu tư ngoài ngành phải trải qua các bước chặt chẽ, kỹ lưỡng, đảm bảo phản ánh chuẩn xác giá trị còn lại của các khoản đầu tư, giảm thiểu rủi ro cho hoạt động đầu tư của SCIC. Việc xác định giá mua các khoản đầu tư ngoài ngành phải theo giá thị trường, nhưng không cao hơn giá trị trên sổ sách kế toán trừ đi khoản dự phòng giảm giá đầu tư đã được trích lập đầy đủ theo quy định.

Do hạn chế thông tin về hoạt động của các ngân hàng, nên theo cơ chế mà Bộ Tài chính đề xuất, khi SCIC tham gia xem xét mua các khoản đầu tư ngoài ngành vào lĩnh vực ngân hàng, thì phải có ý kiến của Ngân hàng Nhà nước, nhằm đảm bảo phản ánh sát giá trị thực của các khoản đầu tư ngoài ngành, “sức khỏe” thực của các ngân hàng, cũng như tránh tác động liên quan đến hệ thống ngân hàng. Ngoài ra, sau khi SCIC mua các khoản đầu tư ngoài ngành đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng, thì cơ chế mới cũng đưa ra các nguyên tắc đảm bảo cho việc thoái vốn diễn ra hiệu quả, giảm thiểu tác động đến hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Thực tế, đang có nhiều NĐT muốn thông qua việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành để tìm cách nắm giữ cổ phần chi phối tại các ngân hàng, qua đó thực hiện các bước tiếp theo mà không dễ kiểm soát. Bởi vậy, nguyên tắc quan trọng của cơ chế thoái vốn đầu tư ngoài ngành là cùng với đẩy nhanh tiến độ, thì đồng thời phải tìm kiếm được các NĐT có chất lượng, đầu tư dài hạn vào DN, tránh các hoạt động đầu cơ, chộp giật.

Tin bài liên quan