Ông Cao Sỹ Kiêm.

Ông Cao Sỹ Kiêm.

Sáp nhập ngân hàng: Nhìn từ kinh nghiệm cũ

(ĐTCK-online) Thời kỳ ông Cao Sỹ Kiêm đảm nhận chức vụ Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có khoảng 10 ngân hàng phải sáp nhập vào các ngân hàng lớn. Nay diễn biến thị trường tài chính có nhiều đặc điểm khác, song nhìn lại những gì đã xảy ra để cơ quan quản lý luôn ở thế chủ động là điều không thừa. Ông Kiêm đã chia sẻ với ĐTCK về những kinh nghiệm trong quá trình thực hiện chủ trương cấu trúc lại những ngân hàng yếu kém.

Ông có thể cho biết những ngân hàng nào thuộc diện phải sáp nhập trong thời kỳ ông đảm nhận chức vụ Thống đốc NHNN?

Hồi đó vào những năm 1989 -1993, cả nước có 46 ngân hàng thì 10 ngân hàng buộc phải sáp nhập. Đây là những ngân hàng yếu, mất khả năng thanh toán, càng để hoạt động càng lún sâu vào thua lỗ, nếu để ngân hàng phá sản kéo theo nhiều hệ lụy cho cả hệ thống. Vì vậy, chúng tôi có quyết định yêu cầu các ngân hàng lớn như Ngoại thương, Đầu tư và Phát triển, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… tiếp nhận hỗ trợ cho các ngân hàng yếu, sáp nhập những ngân hàng này vào để các tổ chức tài chính mạnh tiếp nhận các khoản nợ và tiếp tục cho vay những đối tượng có khả năng sản xuất trả nợ.

Những tiêu chí nào để đánh giá đó là ngân hàng yếu kém?

Nợ xấu của những ngân hàng này rất lớn, có đơn vị chiếm tới 40 - 50% tổng dư nợ, vốn điều lệ của những ngân hàng này cũng nhỏ chỉ vào khoảng 5 - 20 tỷ đồng. Ở thời điểm đó, cách tái cấu trúc duy nhất là cho sáp nhập vì chưa có bảo hiểm tiền gửi hay quỹ rủi ro, ngân hàng đổ vỡ có thể kéo cả hệ thống ảnh hưởng theo.

Ngân hàng lớn nhận nợ của ngân hàng yếu đổi lại được ưu đãi gì, trong quá trình thực hiện sáp nhập NHNN có gặp khó khăn gì không, thưa ông?

Theo yêu cầu của NHNN, các ngân hàng lớn buộc phải thực hiện nhưng họ cũng không vui vẻ gì. Đổi lại, về sau NHNN có ưu đãi cho những ngân hàng này như tiếp vốn cho vay, hỗ trợ họ các khoản tái chiết khấu…

Ông đánh giá tình hình hiện nay có những đặc điểm gì cần lưu ý so với thời điểm ông điều hành ngành ngân hàng?

Trước đây, nền kinh tế ở quy mô nhỏ, bản thân ngân hàng cho vay không lành mạnh, NHNN cũng chưa có cơ chế quản lý chặt chẽ. Thời điểm hiện tại có 3 điểm khác biệt: thứ nhất, khung khổ pháp lý, cơ chế quản lý hoạt động các ngân hàng đã tương đối vào khuôn phép, nếu như trước đây UBND tỉnh cũng được cấp phép thành lập ngân hàng, đến các ngành cũng thành lập ngân hàng khiến NHNN khó nắm được hoạt động thì nay, tất cả đã quy về một mối; thứ hai, nhiều ngân hàng vốn ít nhưng cho vay tùy tiện, vai trò kiểm soát của NHNN không chặt, nền kinh tế không phát triển như bây giờ; thứ ba, những neo an toàn cho hoạt động ngân hàng chưa có, ví như bảo hiểm tiền gửi hay quỹ rủi ro… Tình hình hiện nay khác trước nhiều, nhưng mức độ ảnh hưởng của hoạt động ngân hàng lại rất nhạy cảm với nền kinh tế, càng cần theo dõi để xử lý trước khi có sự cố xảy ra.

Theo ông, trong điều kiện hiện nay, những ngân hàng nào có thể phải đưa vào diện theo dõi để có chủ trương sáp nhập?

Những ngân hàng vốn nhỏ, khả năng quản lý, nhân sự yếu, nợ xấu ở trên ngưỡng cho phép. Được biết, NHNN đang tiến hành đánh giá phân loại các ngân hàng, vấn đề sáp nhập hiện chưa đặt ra, nhưng phân loại để có cơ sở xem ngân hàng nào có nguy cơ phải sáp nhập, ngân hàng nào có thể hỗ trợ mời gọi đối tác nước ngoài vào tham gia tái cấu trúc, ngân hàng nào có thể dùng các công cụ hỗ trợ kỹ thuật để vực lên… Theo tôi, quý IV năm nay và quý I năm sau có thể nợ xấu trong hệ thống ngân hàng sẽ là vấn đề lớn, vì vậy đây là thời điểm cần chuẩn bị khung khổ pháp lý để tạo cơ hội cho các ngân hàng tự tìm kiếm cơ hội liên kết sáp nhập, thay vì xử lý bằng các quyết định hành chính như trước đây.

Ngày 9/10/2008, Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị số 05/2008/CT-NHNN về một số biện pháp bảo đảm an toàn, hiệu quả kinh doanh của các tổ chức tín dụng. Theo đó, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng theo dõi chặt chẽ diễn biến và dự báo về ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính, tín dụng ở Mỹ đối với nền kinh tế, thị trường tài chính thế giới và khả năng tác động đối với nền kinh tế, thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng Việt Nam để chủ động thực hiện các biện pháp nhằm ngăn ngừa rủi ro có thể xảy ra; kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, trong đó tiến hành phân tích, đánh giá, phân loại các khoản cho vay kinh doanh bất động sản để có giải pháp phù hợp đối với từng đối tượng vay vốn; chấp hành đúng quy định về các tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng; đánh giá rủi ro có thể xảy ra trong từng quy trình nghiệp vụ để triển khai ngay các biện pháp phòng ngừa, xử lý rủi ro.