Đối tượng áp dụng của Nghị định 167/2017/NĐ-CP cần phải được làm rõ

Đối tượng áp dụng của Nghị định 167/2017/NĐ-CP cần phải được làm rõ

Sắp xếp lại, xử lý tài sản công: Làm sao để “đồng lợi“?

(ĐTCK) Ngày 31/12/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định 167/2017/NĐ-CP (Nghị định 167) quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công. Đây là điều rất cần thiết, đáp ứng yêu cầu quản lý, sử dụng, khai thác các tài sản của Nhà nước. 

Tuy nhiên, việc quy định các công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) hai thành viên trở lên do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ (sau đây gọi là công ty cổ phần) cũng là đối tượng áp dụng của Nghị định 167 đang đặt ra những băn khoăn, thắc mắc cho các nhà đầu tư đã bỏ vốn đầu tư vào các doanh nghiệp này. Vậy giải pháp nào để Nhà nước, doanh nghiệp và nhà đầu tư "đồng lợi"?

Băn khoăn đối tượng áp dụng

Khoản 8, Điều 4 - Luật Doanh nghiệp năm 2014, có hiệu lực từ 01/7/2015 quy định “Doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ". Như vậy, các công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên do Nhà nước nắm giữ trên 50% đến dưới 100% vốn điều lệ  không phải là doanh nghiệp nhà nước.

Khoản 2, Điều 2 - Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014 có hiệu lực từ ngày 1/7/2015 quy định đối tượng áp dụng là doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ, bao gồm:

(i) Công ty TNHH một thành viên Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con;

(ii) Công ty TNHH một thành viên độc lập do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Như vậy, các quy định của Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp không áp dụng đối với các đối tượng là các công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên do Nhà nước nắm giữ trên 50% đến dưới 100% vốn điều lệ. 

Khoản 1, Điều 3 - Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 có hiệu lực từ 1/1/2018 quy định: “Tài sản công là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, bao gồm: Tài sản công phục vụ hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công, bảo đảm quốc phòng an ninh tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân; tài sản công tại doanh nghiệp; tiền chuộc ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, dự trữ ngoại hối nhà nước, đất đai và các loại tài nguyên khác”.

Như vậy, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công không quy định tài sản của các công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên mà Nhà nước nắm giữ trên 50% đến dưới 100% vốn điều lệ là tài sản công.

Điểm c, Khoản 1, Điều 110 - Luật Doanh nghiệp 2014 quy định về cổ đông trong công ty cổ phần: “Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp”.

Như vậy, đối với các công ty cổ phần mà Nhà nước với tư cách là một cổ đông nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở lên thì Nhà nước cũng chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp.

Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014 có quy định: (i) Vốn nhà nước tại doanh nghiệp, bao gồm vốn từ ngân sách nhà nước, vốn tiếp nhận có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước; vốn từ quỹ đầu tư phát triển tại doanh nghiệp, quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp; vốn tín dụng do Chính phủ bảo lãnh, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước và vốn khác được Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; (ii) Vốn của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, bao gồm vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp và vốn do doanh nghiệp huy động.

Như vậy, quy định này đã phân biệt “vốn nhà nước” tại doanh nghiệp và “vốn của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ”.

Nghị định 91/2015/NĐ-CP (Nghị định 91) về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp ngày 13/10/2015, có hiệu lực từ ngày 1/12/2015 quy định:

(i) Vốn của Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp khác là vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên, do cơ quan đại diện chủ sở hữu làm chủ sở hữu phần vốn góp;

(ii) Vốn của doanh nghiệp nhà nước đầu tư ra ngoài doanh nghiệp là vốn của doanh nghiệp nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty TNHH và các hình thức đầu tư khác theo quy định của pháp luật. Như vậy, Nghị định 91 đã phân biệt rõ hơn trong Luật là có “vốn của Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp” và “vốn của doanh nghiệp nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác”.

Nếu theo Nghị định 91 thì “vốn do Nhà nước nắm giữ” theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 2 - Nghị định 167 chỉ là “vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp”.

Thực tế và thực thi pháp luật

Trong thời gian qua, Nhà nước đã tiến hành cổ phần hóa nhiều doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn tại nhiều doanh nghiệp thông qua việc kêu gọi và mời các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia mua cổ phần, nhận chuyển nhượng phần vốn góp của nhà nước tại các doanh nghiệp này.

Tuy nhiên, trong Bản công bố thông tin (Bản cáo bạch), không có bất kỳ thông tin nào quy định các tài sản của các công ty cổ phần mà Nhà nước nắm giữ trên 50% đến dưới 100% vốn điều lệ sẽ được sắp xếp lại, xử lý theo các quy định của Nhà nước về sắp xếp lại, xử lý tài sản công áp dụng cho các doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ hay các cơ quan nhà nước.

Vì vậy, Nghị định 167 coi tài sản của công ty cổ phần, công ty TNHH 2 thành viên trở lên do Nhà nước nắm giữ trên 50% đến dưới 10% vốn điều lệ phải được sắp xếp lại và xử lý theo trình tự, thủ tục và yêu cầu về sắp xếp lại, xử lý tài sản công là chưa phù hợp.

Mặt khác, nhà đầu tư khi quyết định đầu tư mua cổ phần tại các công ty nhà nước khi Nhà nước tiến hành cổ phần hóa hoặc chuyển nhượng vốn của Nhà nước, của các doanh nghiệp nhà nước tại các doanh nghiệp khác không chỉ quan tâm đến tiềm năng phát triển, kết quả kinh doanh hàng năm của doanh nghiệp, mà họ còn rất quan tâm đến các tài sản, giá trị quyền sử dụng đất mà doanh nghiệp đang nắm giữ.

Nhiều công ty nhà nước khi Nhà nước tiến hành cổ phần hóa hoặc chuyển nhượng vốn có giá trị cổ phần, giá trị chuyển nhượng vốn góp rất cao, phản ánh giá trị của các tài sản và quyền sử dụng đất mà doanh nghiệp đang có.

Vì vậy, nếu các tài sản của loại hình doanh nghiệp này phải thực hiện sắp xếp lại và xử lý theo các quy định của Nghị định 167 sẽ làm mất cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp, hạn chế khả năng sinh lời của các tài sản, quyền sử dụng đất mà doanh nghiệp này đang quản lý, sử dụng.

Bên cạnh đó, khi các công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, cơ chế quyết định các vấn đề quan trọng của doanh nghiệp do các cổ đông, thành viên góp vốn thông qua các phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên hay bất thường, các cuộc họp Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên.

Cổ đông Nhà nước với tư cách là cổ đông/thành viên góp vốn thông qua người đại diện có quyền biểu quyết chấp thuận hoặc phản đối các phương án sắp xếp, xử lý tài sản  của doanh nghiệp theo yêu cầu hoạt động và lợi ích của doanh nghiệp, cổ đông. Quyền biểu quyết của cổ đông/thành viên góp vốn căn cứ vào tỷ lệ vốn góp của cổ đông/thành viên góp vốn trong doanh nghiệp.

Đâu là giải pháp tháo gỡ?

Để đảm bảo chính sách nhất quán trong việc thu hút vốn đầu tư của các nhà đầu tư trong và ngoài nước khi Nhà nước, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thực hiện bán vốn thông qua việc cổ phần hóa các công ty nhà nước, chuyển nhượng vốn để giảm tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ tại các công ty cổ phần, công ty TNHH 2 thành viên trở lên xuống đến trên 50% vốn điều lệ, cũng như đảm bảo thực hiện đúng các quy định của các luật và nghị định đã ban hành nêu trên, các nhà đầu tư rất mong Chính phủ thực thi các giải pháp sau:

Tiến hành sửa đổi Nghị định 167. Theo đó, bỏ nội dung các công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên do Nhà nước nắm giữ trên 50% đến dưới 100% vốn điều lệ ra khỏi đối tượng áp dụng của Nghị định 167 (tại Điểm b, Khoản 1, Điều 2), đồng thời sửa đổi phạm vi áp dụng của Nghị định 167 theo hướng không áp dụng đối với nhà, đất của công ty TNHH 2 thành viên trở lên, công ty cổ phần được cổ phần hóa (Điểm b, Khoản 2, Điều 1) mà Nhà nước nắm giữ trên 50% đến dưới 100% vốn điều lệ.

Hoặc làm rõ đối tượng áp dụng của Nghị định 167 là các công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên do Nhà nước trực tiếp nắm giữ trên 50% vốn điều lệ và không áp dụng đối với các công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên do các doanh nghiệp nhà nước nắm giữ trên 50% đến dưới 100% vốn điều lệ, đồng thời sửa đổi phạm vi áp dụng của Nghị định 167 theo hướng không áp dụng đối với nhà, đất của công ty cổ phần là công ty con của các doanh nghiệp nhà nước (Điểm b, Khoản 2, Điều 1).

Hiện nay, mặc dù Nghị định 167 đã có hiệu lực, nhưng do chưa có chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ hay thông tư hướng dẫn nên việc thực thi các quy định liên quan đến phạm vi áp dụng (Điểm b, Khoản 2, Điều 1) và đối tượng áp dụng là các công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên do Nhà nước nắm giữ trên 50% đến dưới 100% vốn điều lệ (Điểm b, Khoản 1, Điều 2) tại các cơ quan có thẩm quyền còn chưa được thông suốt, kịp thời, làm giảm cơ hội kinh doanh, khai thác, sử dụng tài sản của doanh nghiệp, gây tâm lý lo lắng cho các nhà đầu tư đã đầu tư vào doanh nghiệp. 

Do đó, việc xem xét và xử lý các vướng mắc tại Nghị định 167 theo 1 trong 2 phương án trên sẽ giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo lập niềm tin cho các nhà đầu tư và điều quan trọng hơn cả là tạo hành lang pháp lý vững chắc cho thành công của quá trình cổ phần hóa công ty nhà nước, thực hiện thoái vốn của nhà nước, của các doanh nghiệp nhà nước tại các doanh nghiệp hiện nay, cũng như trong thời gian tới.

Tin bài liên quan