Sau bê bối của Enron và Wirecard, Adani trở thành đối tượng gây chấn động kế tiếp

Sau bê bối của Enron và Wirecard, Adani trở thành đối tượng gây chấn động kế tiếp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trên thị trường chứng khoán, có rất ít công ty đã mất một lượng lớn vốn hoá thị trường một cách nhanh chóng và ở mức độ như những công ty thuộc Adani Group.

Cụ thể, 10 công ty niêm yết thuộc Adani Group - bị tấn công bởi công ty bán khống Hindenburg Research của Mỹ - đã bị thổi bay hơn 110 tỷ USD vốn hoá thị trường từ thời điểm có cáo buộc gian lận kế toán tính đến ngày 3/2. Sự sụt giảm vốn hoá ở mức độ lớn và nhanh chóng này đã làm lu mờ các mục tiêu bị bán khống khác.

Theo một phân tích của Bloomberg được công bố mới đây, mức sụt giảm vốn hoá thị trường của Adani Group lớn hơn và nhanh hơn đáng kể so với của Tập đoàn năng lượng Enron của Mỹ năm 2001 và công ty thanh toán Wirecard của Đức năm 2020 khi sa lầy trong các vụ bê bối kế toán trước khi sụp đổ. Trong khi Enron đã không còn tồn tại, Wirecard hiện đã mất khả năng thanh toán.

Tập đoàn Enron bị đánh sập do ảnh hưởng một phần bởi người bán khống nổi tiếng Jim Chanos của quỹ phòng hộ Kynikos Associates. Jim Chanos đã bán khống cổ phiếu của Enron sau khi phát hiện ra các hoạt động kế toán gian lận. Vốn hoá thị trường của Enron đã mất hơn 65 tỷ USD từ tháng 8/2000 đến tháng 12/2001 khi nộp đơn xin phá sản theo Chương 11.

Trong trường hợp của Wirecard, người bán khống là Fraser Perring khi trong một báo cáo năm 2016 đã cáo buộc Wirecard rửa tiền và lừa đảo. Giá cổ phiếu của Wirecard đã sụp đổ sau khi công ty tiết lộ vào tháng 6/2020 rằng 2 tỷ USD tiền mặt đã "mất tích" khỏi bảng cân đối kế toán và có khả năng chưa bao giờ tồn tại. Wirecard sau đó đã nộp đơn xin mất khả năng thanh toán trong tháng 6/2020. Vốn hoá thị trường của Wirecard đã bốc hơi hơn gần 80% chỉ trong 2 ngày 18/6 và 19/6/2020.

Ngoài ra, giá cổ phiếu của một số công ty khác cũng sụt giảm đáng kể sau khi bị những người bán khống nhắm đến bao gồm nhà sản xuất xe tải điện Nikola — vốn hoá thị trường của hãng này đã giảm từ mức cao khoảng 30 tỷ USD vào năm 2020 xuống còn 1,3 tỷ USD hiện nay — và Valeant Pharmaceuticals với vốn hóa thị trường đã giảm từ 87 tỷ USD vào tháng 8/2015 xuống còn khoảng 2,8 tỷ USD hiện nay.

Đặc biệt, Nikola cũng là mục tiêu bán khống của Hindenburg Research. Theo Bloomberg, công ty bán khống này đã nhắm mục tiêu khoảng 30 công ty kể từ năm 2020. Những cổ phiếu này mất trung bình khoảng 15% vào ngày sau khi được nhắm mục tiêu và trung bình thấp hơn 26% trong sáu tháng sau đó.

Mặt khác, Adani Group đã khắc phục sự cố một cách khó khăn. Vào ngày 29/1, Tập đoàn đã phát hành một báo cáo dài 413 trang để tự bảo vệ mình trước cáo buộc của Hindenburg, thời điểm chỉ ba ngày sau khi tập đoàn cho biết rằng họ đang xem xét khả năng hành động pháp lý chống lại người bán khống.

Adani Group còn tìm cách khôi phục niềm tin của nhà đầu tư bằng cách trả trước khoản vay 1,1 tỷ USD đáo hạn vào tháng 9/2024. Tập đoàn cho biết, động thái này được thực hiện "do sự biến động của thị trường gần đây”.

Bằng cách trả nợ sớm, tập đoàn có thể đang cố gắng chứng minh cho các nhà đầu tư thấy rằng họ vẫn có sức mạnh tài chính đáng kể bất chấp tình trạng bán tháo đang diễn ra. Theo đó, hầu hết các cổ phiếu liên quan đến Adani Group đều tăng giá sau thông tin này.

Tin bài liên quan