Sau Dầu khí, Bộ trưởng Thăng thúc một loạt doanh nghiệp giao thông IPO

Sau Dầu khí, Bộ trưởng Thăng thúc một loạt doanh nghiệp giao thông IPO

Nhiều chục DN họ dầu khí đã lên sàn vài năm, và giờ đây chục tổng công ty lớn trong lĩnh vực xây lắp, quản lý hạ tầng của ngành giao thông sẽ đi “chuyến tàu”cổ phần hóa, dự kiến khởi hành từ quý I/2014. Một hướng đi mang đậm dấu ấn Bộ trưởng Đinh La Thăng, và đã được dự đoán trước, giống như những gì ông đã làm với các DN Dầu khí.

Cổ phiếu Cienco đắt hàng

Đến thời điểm này, mốc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của các tổng công ty lớn thuộc Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đã được xác định.

Theo Văn bản số 856/BGTVT - QLDN vừa được Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường ký, 9 tổng công ty 90 trực thuộc Bộ này sẽ phải thực hiện xong việc IPO và các bước cổ phần hóa (CPH) công ty mẹ - tổng công ty ngay trong quý I/2014.

Cụ thể, các đơn vị lên “chuyến tàu” CPH đợt đầu gồm 7 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xây lắp là các tổng công ty xây dựng công trình giao thông (Cienco) 1, 4, 5, 6, Tổng công ty Xây dựng Thăng Long (TLG), Tổng công ty Xây dựng đường thủy (Vinawaco), Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI); 1 đơn vị vận tải: Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso) và 1 đơn vị cơ khí chế tạo: Tổng công ty Công nghiệp (Vinamotor).

Đây là các đơn vị đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án CPH và Bộ GTVT chốt xong mức giá khởi điểm cũng như danh sách các nhà đầu tư chiến lược.

Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) và Cienco 8 được phép thực hiện IPO đợt thứ hai (quý II/2014) do chưa được phê duyệt phương án CPH.

Cần phải nói thêm rằng, với mức vốn điều lệ được xây dựng dao động trong khoảng từ 500 đến 1.500 tỷ đồng, Nhà nước dự kiến nắm giữ dưới 49% vốn, việc IPO 8 tổng công ty trong đợt đầu sẽ “bơm” ra thị trường tài chính khoảng 400 triệu cổ phiếu có mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

“Hiện tất cả các Cienco đều đã lên xong danh sách các nhà đầu tư chiến lược gồm các ngân hàng, tổ chức tài chính lớn trong và ngoài nước”, ông Trường cho biết.

Như vậy, trái ngược với lo ngại của nhiều người về nguy cơ “ế” cổ phần, việc các Cienco nhận được sự quan tâm lớn từ các đối tác trong và ngoài nước là những tín hiệu tích cực cho thấy, tính khả thi của các đợt IPO sắp được tổ chức.

Một nhà đầu tư nhận xét, có hai lý do chính khiến việc CPH công ty mẹ Cienco lại thu hút sự quan tâm khá lớn của các nhà đầu tư.

Thứ nhất, tuy có mức lợi nhuận ở mức trung bình, nhưng hầu hết các công ty mẹ đều có năng lực thi công khá tốt, sở hữu cả máy móc, thiết bị lẫn công nghệ thi công cầu đường vượt trội so với các doanh nghiệp (DN) tư nhân trong nước. Bên cạnh đó, trong bối cảnh nhiều dự án đường cao tốc, cảng biển lớn sắp được triển khai, nguồn việc làm cho các Cienco trong thời gian tới được dự báo là phong phú.

“Chúng tôi rất tự tin với kế hoạch IPO với mục tiêu tạo thế và lực mới cho đơn vị”, ông Lê Ngọc Hoa, Tổng giám đốc Cienco 4  - đơn vị mạnh dạn đặt mục tiêu trả cổ tức lên tới 20% ngay trong năm đầu hoạt động theo mô hình DN cổ phần khẳng định.

Mở rộng diện CPH 

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết, mốc tiến độ CPH nói trên với 11 tổng công ty có tính “quân lệnh”, không được phép trễ hơn.

Hiện Bộ GTVT đã có hướng dẫn chi tiết về quy trình CPH, bao gồm việc tổ chức tiến hành bán đấu giá IPO, tổ chức đại hội cổ đông, đăng ký kinh doanh…“Bộ GTVT sẽ xử lý bất cứ lãnh đạo đơn vị nào chậm trễ trong lĩnh vực tái cơ cấu, đổi mới DN”, ông Thăng nhấn mạnh.

Ngoài việc hoàn tất việc cổ phần hóa 11 tổng công ty đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án, điểm nhấn trong kế hoạch sắp xếp, tái cơ cấu DN nhà nước ngành GTVT năm 2014 vẫn sẽ xoay quanh 2 cái tên: Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).

Theo đó, đến năm 2015, Bộ GTVT sẽ hoàn thành việc sắp xếp 234 DN (thuộc Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy- Vinashin trước đây) không tiếp tục duy trì trong cơ cấu SBIC và 37 DN thuộc Vinalines. Công việc “nặng nhọc” này sẽ được thực hiện đồng thời với công tác chuẩn bị các thủ tục CPH Vinalines và SBIC.

Một lãnh đạo thuộc Ban Đổi mới doanh nghiệp (Bộ GTVT) cho biết, danh sách 25 DN sự nghiệp, công ích trong lĩnh vực quản lý hạ tầng đường thủy, hàng không thuộc diện CPH cũng đã được Bộ này trình Thủ tướng Chính phủ, gồm: 3 DN thuộc Bộ (trong đó thực hiện CPH công ty mẹ - Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Nhà nước nắm giữ trên 75% vốn điều lệ); 10 DN quản lý đường bộ; 2 DN thuộc các trường và 10 đoạn quản lý đường sông thuộc Cục Đường thủy Việt Nam.

“Việc CPH các đơn vị sự nghiệp công ích không chỉ làm tách bạch rõ hơn chức năng quản lý nhà nước và quản lý DN, mà còn góp phần nâng cao tính tự chủ của các đơn vị, đồng thời thu hút các nguồn lực xã hội cho công tác bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông”, ông Thăng cho biết.

Tin bài liên quan