Sau thịt lợn sẽ lại phải giải cứu nông sản nào?

Sau thịt lợn, thời gian tới sẽ có giải cứu rất nhiều loại cây ăn trái, trong đó cam và quýt là những mặt hàng đầu tiên.

Trong phiên chất vấn sáng nay tại nghị trường, sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Nguyễn Xuân Cường lý giải nguyên nhân dư thừa hàng nông sản, dẫn tới phải giải cứu hết dưa hấu, hành tím, thanh long… đến thịt lợn, Đại biểu Trần Dương Tuấn hỏi thẳng: “Sau thịt lợn sẽ giải cứu nông sản nào?”

Sau thịt lợn sẽ đến lượt cam, quýt

Bộ trưởng Cường thừa nhận, trong lĩnh vực nông nghiệp thì khâu chế biến và tổ chức tiêu thụ rất yếu. Đây là nguyên nhân khiến hàng nông sản bị dư thừa, thậm chí dư thừa quá lớn đã dẫn tới tình trạng phải “giải cứu” một số mặt hàng nông sản trong thời gian vừa qua.

Một nguyên nhân nữa, theo ông Cường là sức sản xuất tăng quá nhanh dẫn đến dư thừa sản phẩm. Trong 10 năm vừa qua, sản phẩm thịt lợn tăng trên 2,6 lần; sữa tăng 15 lần, sản phẩm cá nuôi tăng từ 1,8 triệu tấn lên 3,4 triệu tấn.

Sau thịt lợn sẽ lại phải giải cứu nông sản nào? ảnh 1

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn tại nghị trường sáng 13/6/2017 

“Riêng sản phẩm thịt lợn, nếu như 10-15 năm trước, chúng ta đứng ở hàng cuối cùng trong ASEAN, giờ ở vào hàng top đầu trong khi tiêu thụ trong nước tăng chậm vì cơ cấu sử dụng thực phẩm của người dân có sự thay đổi rất lớn. Xuất khẩu nông sản, thực phẩm nói chung, thịt lợn nói riêng rất khó khăn vì để xuất khẩu được phải đáp ứng rất nhiều điều kiện về chăn nuôi, giết mổ, chế biến, bảo quản, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây là lý do vì sao dẫn tới dư thừa thịt lợn”, ông Cường giải thích thêm.

Một nguyên nhân nữa dẫn tới việc cả nước phải chung tay giải cứu thịt lợn được ông Cường giải thích là trước đây Việt Nam xuất khẩu thịt lợn tiểu ngạch sang Trung Quốc, nhưng bước vào hè, trời nắng nóng nên nhu cầu tiêu dùng thịt lợn của nước bạn giảm.

Nghe xong câu trả lời chất vấn, Đai biểu Trần Dương Tuấn đề nghị Bộ trưởng Cường dự báo những loại nông sản nào có thể dư thừa, sẽ được giải cứu. “Trong năm 2018 có mặt hàng nào sẽ được giải cứu, đề nghị Bộ trưởng cho bà con nông dân biết để còn chuẩn bị hàng?”, ông Tuấn hỏi "xoáy".

Không cần Bộ trưởng Cường trả lời câu hỏi mà có lẽ rất nhiều người nông dân cũng muốn biết câu trả lời, Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng trả lời luôn, sau thịt lợn, thời gian tới sẽ có giải cứu rất nhiều loại cây ăn trái, trong đó cam và quýt là những mặt hàng đầu tiên.

Lý do mà ông Hồng đưa ra nhận định này được ông giải thích là qua thực tế ở nhiều địa phương người nông dân hết trồng lại chặt, chặt lại trồng, hiện tại cam và quýt là 2 loại cây ăn quả được người nông dân ở rất nhiều địa phương tập trung trồng lại sau khi đốn hạ hàng loạt cây ăn trái, cây công nghiệp khác do không bán được sản phẩm.

Ông Hồng cho rằng, giải thích nguyên nhân hàng nông sản được mùa mất giá, hàng hóa dư thừa, nông dân phải cho bò ăn thanh long, dưa hấu vì không bán được của ông Nguyễn Xuân Cường không thuyết phục vì không thấy trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ở đâu.

“Nói chung, nông sản dư thừa là do người nông dân sản xuất tự phát, tức là lỗi đều do người nông dân. Ngành y tế nói phải trở thành “người tiêu dùng thông minh”, có lẽ ngành nông nghiệp cũng muốn nói phải trở thành “người nông dân thông minh”, nhưng người dân thì muốn có các nhà quản lý thông minh, hỗ trợ, giúp đỡ nông dân trong sản xuất, đừng để phải giải cứu nông sản như thời gian vừa qua”, ông Hồng nhấn mạnh.

Nông sản dư thừa, nhà quản lý ở đâu?

Trả lời câu hỏi của Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm rằng, Bộ trưởng suy nghĩ gì để người nông dân có thể sống được ở nông thôn, sống được vào nông nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, người nông dân không thể chỉ trông chờ vào Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp mà có thể sống được ở nông thôn, sống được vào sản xuất nông nghiệp.

“Là tư lệnh ngành, ông bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải chịu trách nhiệm chính về vấn đề này. Nhưng một mình ông bộ trưởng dù có quyết tâm cao nhất, làm hết sức mình, chỉ đạo toàn ngành vào cuộc cũng không giải quyết được vấn đề mà các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị phải vào cuộc với quyết tâm cao nhất thì người nông dân mới có thể “ly nông bất lý hương”, người nông dân có thể sống được nhờ hoạt động sản xuất, chăn nuôi”, ông Cường phát biểu.

“Chia sẻ với quan điểm của Bộ trưởng là để người nông dân sống được ở nông thôn, không phải đi làm thuê ở địa phương khác; để người nông dân sống được nhờ ruộng vườn, đồi cây, áo cá… thì cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, đây là trách nhiệm của các bộ ngành. Nhưng hôm nay Quốc hội chất vấn Bộ trưởng thì Bộ trưởng phải xác định rõ trách nhiệm của mình”, Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm tranh luận.

"Nông sản dư thừa là do người nông dân sản xuất tự phát, tức là lỗi đều do người nông dân. Ngành y tế nói phải trở thành “người tiêu dùng thông minh”, có lẽ ngành nông nghiệp cũng muốn nói phải trở thành “người nông dân thông minh”

- Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng

Liên quan đến nông sản dư thừa, mới đây trên một số phương tiện thông tin đại chúng, một thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, nguyên nhân chính là do bà con nông dân chạy theo phong trào, thấy nông sản, thực phẩm nào được giá đồng loạt sản xuất dẫn tới dư thừa.

Trên diễn đàn Quốc hội, Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm khẳng định: “Đây là phát biểu thiếu trách nhiệm”.

“Người nông dân bỏ công sức, tiền bạc ra chỉ biết trồng cấy, chăn nuôi, cái gì có hiệu quả thì họ làm chứ làm sao họ dự báo được thị trường, làm sao họ biết thị trường cần loại hàng hóa gì, chất lượng ra sao,  mẫu mã thế nào. Đây là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước”, bà Tâm nói thêm.

“Người nông dân mong mỏi làm giàu bằng mồ hôi, nước mắt, không trông chờ Nhà nước, họ đã cố gắng hết sức để sản xuất ra nông sản, Bộ trưởng thừa nhận khâu này làm rất tốt, nhưng 2 khâu còn lại là chế biến và tiêu thụ sản phẩm thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước lại làm rất yếu. Vì vậy, người dân mong mỏi làm giàu, sau một thời gian làm giàu lại trở thành hộ nghèo. Lỗi không thuộc về người dân”, Đại biểu Mai Sỹ Diến tranh luận.

“Khi giá thịt lợn người chăn nuôi bán ra 50 ngàn đồng/kg trên thị trường bán 80 ngàn đồng/kg, nhưng khi giá thịt lợn người chăn nuôi bán ra ra chỉ còn 20-30 ngàn đồng/kg trên thị trường vẫn bán giá 80 ngàn đồng/kg. Lỗi này không thuộc về người dân”, Đại biểu Nguyễn Sơn tranh luận.

Tin bài liên quan