Sau Trung Quốc, ngân hàng trung ương nào sẽ nới lỏng tiền tệ?

Sau Trung Quốc, ngân hàng trung ương nào sẽ nới lỏng tiền tệ?

(ĐTCK) Từ Thụy Sỹ cho tới Singapore, ngân hàng trung ương các nước trên toàn thế giới liên tục khiến các thị trường rung chuyển bằng các chính sách và bước đi đầy bất ngờ trong tháng 1 vừa qua. Giới phân tích cho rằng, các động thái tương tự có thể chưa dừng lại.

Chỉ riêng trong tháng 1/2015, Ngân hàng Trung ương Ấn Độ, Peru, Đan Mạch, Canada và Nga bất ngờ thông báo cắt giảm lãi suất. Đó là chưa kể tới quyết định chưa từng có tiền lệ của Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ khi bỏ neo tỷ giá giữa đồng franc và euro kéo dài suốt 3 năm qua và động thái điều chỉnh chính sách tỷ giá của Singapore nhằm kiềm chế đà tăng giá của đồng nội tệ.

Mới đây nhất, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (Ngân hàng Trung ương, PBoC) một lần nữa khiến các thị trường bất ngờ bằng quyết định hôm 4/2 nhằm cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (mà các ngân hàng thương mại trong nước phải nắm giữ) thêm 50 điểm cơ bản xuống còn 19,5%, đánh dấu lần cắt giảm đầu tiên và mạnh mẽ nhất kể từ tháng 5/2012.

Nhà kinh tế Yu Song tại Ngân hàng Goldman Sachs nhận định: “Động thái cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của PBoC được coi là một công cụ trong các chính sách nới lỏng tiền tệ. Điều này phát đi một tín hiệu rất mạnh mẽ về quyết tâm nới lỏng của PBoC”. Quyết định cắt giảm này cũng sẽ “giải phóng” khoảng 600 - 650 tỷ NDT (96 -104 tỷ USD) thanh khoản ra thị trường.

Kinh tế trưởng và là người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu các thị trường toàn cầu thuộc Tập đoàn tài chính Nomura, Rob Subbaraman nhận định: “Sẽ có thêm nhiều ngân hàng trung ương gây bất ngờ bằng các chính sách nới lỏng tiền tệ. Vấn đề là thời gian và quy mô của các chính sách đó mà thôi”.

Tại khu vực châu Á, giới đầu tư đang dõi theo mọi động tĩnh của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Singapore. Theo ông Subbaraman, sức ép thiểu phát, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại và hoạt động xuất khẩu suy yếu là những nguyên nhân đặt các ngân hàng trung ương trong trạng thái “sẵn sàng hành động” và điều này đã trở nên rõ ràng hơn trong vài tháng gần đây.

“Thái Lan cùng với Singapore đang phải đối mặt với nguy cơ giảm phát. Điều tương tự cũng xảy ra tại Hàn Quốc, Đài Loan, Ấn Độ và Indonesia - nơi lạm phát thấp hoặc tỷ lệ lạm phát sụt giảm mạnh đang trở nên phổ biến”.

Các ngân hàng trung ương châu Á không thể đứng ngoài cuộc khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ (SNB) quyết định cuộc chơi và khiến báo chí tốn không ít giấy mực vài tuần gần đây. Đối với Trung Quốc, nhà kinh tế Subbaraman dự báo, PBoC sẽ tiếp tục hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc thêm 25 điểm cơ bản trong quý II/2015 và 50 điểm cơ bản trong những quý còn lại của năm. Tại Hàn Quốc, ngân hàng trung ương nước này có thể giảm lãi suất thêm 25 điểm cơ bản trong tháng 4 và tháng 7 sắp tới, thậm chí điều này có thể diễn ra sớm hơn nữa.

Cùng chung quan điểm, Ngân hàng Goldman Sachs chia sẻ: “Cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc có thể tiếp tục diễn ra trong thời gian tới, khi các nhà hoạch định chính sách sẵn sàng sử dụng chính sách này như một công cụ để điều chỉnh thị trường tiền tệ”.

Về lâu dài, nhà kinh tế trưởng tại Capital Economics, Mark Williams cho rằng, các nhà hoạch định chính sách sẽ theo dõi biến động của các thị trường cổ phiếu sau bước đi của PBoC trước khi cân nhắc các quyết định tiếp theo, bởi lẽ, TTCK Trung Quốc từng tăng trên 20% trong vòng 4 tuần sau khi PBoC thông báo cắt giảm lãi suất hôm 24/11/2014.   

Tin bài liên quan