Nhiều điều kiện kinh doanh về xây dựng được cắt giảm. Ảnh: Thành Nguyễn.

Nhiều điều kiện kinh doanh về xây dựng được cắt giảm. Ảnh: Thành Nguyễn.

Sẽ cắt giảm, đơn giản hóa một số quy định liên quan đến lĩnh vực xây dựng, bất động sản

(ĐTCK) Xét đề nghị của Bộ Xây dựng. Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 100/2018/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh  thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng.

Nghị định sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 15/9 tới.

Nghị định số 100/2018/NĐ-CP sẽ bãi bỏ 05 ngành, nghề không thuộc Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật số 03/2016/QH14; bãi bỏ 02 ngành, nghề chồng chéo với pháp luật liên quan; bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung, đơn giản hóa phần lớn các điều kiện đầu tư kinh doanh của 12 ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điểu kiện thuộc lĩnh vực hoạt động xây dựng, nhà ở và thị trường bất động sản.

Theo đó, bãi bỏ 89 điều kiện (41,3%); đơn giản hóa 94 điều kiện (43,7%); giữ nguyên 32 điều kiện (15%) trên tổng số 215 điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng; tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hóa đạt 85%, vượt 35% so với yêu cầu tối thiểu cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư kinh doanh theo Chỉ thị 20/CT-TTg năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh. Đây là nỗ lực, cố gắng rất lớn của Bộ Xây dựng và đã được Chính phủ đánh giá là Bộ đi đầu trong việc nỗ lực giảm thiểu các điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý.

Đại diện Bộ Xây dựng cho biết, Bộ đang tiếp tục rà soát, đề xuất bãi bỏ 04 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đang được quy định trong các văn bản Luật trên cơ sở tham khảo những tiêu chuẩn và thông lệ tốt của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), theo hướng thay thế các điều kiện có tính chất tiền kiểm bằng các tiêu chuẩn, quy định, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, đồng thời áp dụng nguyên tắc quản lý dựa trên rủi ro nhằm mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Đồng thời, Bộ Xây dựng tiếp tục để xuất, bãi bỏ một số điều kiện đầu tư kinh doanh đang được quy định trong các luật chuyên ngành.

Sẽ cắt giảm, đơn giản hóa một số quy định liên quan đến lĩnh vực xây dựng, bất động sản ảnh 1

Bất động sản là lĩnh vực chịu điều chỉnh của Nghị đinh. Ảnh: Thành Nguyễn. 

Một số nội dung cơ bản của Nghị định liên quan đến lĩnh vực bất động sản, xây dựng gồm:

Sửa đổi, bổ sung, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nhà ở và thị trường bất động sản Điều 2 của Nghị định 100/2018/NĐ-CP (đối với 02 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (Kinh doanh dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về môi giới bất động sản, điều hành sàn giao dịch bất động sản; Kinh doanh dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ quản lý, vận hành nhà chung).

Theo đó, bỏ yêu cầu phải đáp ứng là tổ chức thành lập và hoạt động tại Việt Nam; có chức năng giáo dục nghề nghiệp hoặc đào tạo cao đẳng, đại học hoặc đào tạo sau đại học theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, bỏ yêu cầu có cơ sở vật chất, phòng học, địa điểm thực hành cho học viên. Đồng thời, bỏ yêu cầu về số lượng giảng viên tối thiểu phải có trong biên chế hoặc có hợp đồng không xác định thời hạn trên tổng số giảng viên đăng ký tham gia giảng dạy.

Hai ngành, nghề trên hiện đang được quy định tại Luật số 03/2016/QH14, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, nên Nghị định số 100/2018/NĐ-CP chỉ thực hiện đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh. Tuy nhiên, các ngành nghề này đang được Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề xuất bãi bỏ tại các Luật nêu trên trong thời gian tới.

Sửa đổi, bổ sung, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực hoạt động xây dựng tại Điều 1 của Nghị định 100/2018/NĐ-CP (gồm 10 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, gồm: Kinh doanh dịch vụ tư vấn quản lý dự án đầu tư xây dựng; Kinh doanh dịch vụ khảo sát xây dựng; Kinh doanh dịch vụ tổ chức thiết kế, thẩm tra thiết kế xây dựng; Kinh doanh dịch vụ tư vấn giám sát thi công xây dựng công trình; Kinh doanh dịch vụ thi công xây dựng công trình; Hoạt động xây dựng của nhà thầu nước ngoài; Kinh doanh dịch vụ quản lý chi phí đầu tư xây dựng; Kinh doanh dịch vụ kiểm định chất lượng công trình xây dựng; Kinh doanh dịch vụ lập thiết kế quy hoạch xây dựng; Kinh doanh dịch vụ tư vấn lập quy hoạch đô thị do tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện).

Cụ thể, giảm yêu cầu về thời gian kinh nghiệm; số lượng dự án, công trình đã thực hiện để được cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng.

Giảm lĩnh vực, ngành, nghề phải cấp chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ năng lực; loại bỏ sự chồng chéo giữa quy định hành nghề trong lĩnh vực xây dựng và lĩnh vực khác (như lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy).

Thêm vào đó, bỏ yêu cầu phải có hệ thống quản lý chất lượng của tổ chức tham gia hoạt động xây dựng; không quy định cứng số lượng tối thiểu những người trong tổ chức phải đáp ứng theo từng hạng (10 người, 30 người…) để được cấp chứng chỉ năng lực mà chỉ yêu cầu cá nhân chủ chốt có chứng chỉ hành nghề phù hợp.

Quy định này đã khắc phục được tình trạng can thiệp sâu vào quy mô hoạt động của tổ chức, loại bỏ sự độc quyền của một số tổ chức lớn; tạo sự linh hoạt trong việc sử dụng lao động tại các tổ chức tham gia hoạt động xây dựng phù hợp với yêu cầu công việc và quy luật thị trường lao động.

Ngoài ra, tăng thời hạn có hiệu lực của chứng chỉ năng lực từ 5 năm lên 10 năm để giảm tần suất thực hiện thủ tục hành chính của tổ chức.

Việc cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng cũng được đơn giản hóa. Ảnh: Thành Nguyễn. 

Sửa đổi, bổ sung, đơn giản hóa trình tự, thủ tục, hồ sơ cấp chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng.

Theo đó, phân cấp thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề hạng II, hạng III của cá nhân nước ngoài cho Sở Xây dựng.

Đơn giản hóa hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ năng lực theo hướng: không yêu cầu nộp bản khai kinh nghiệm công tác, bản sao văn bằng, chứng chỉ, hợp đồng trong hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề mà thay bằng tệp tin chứa ảnh chụp của các tài liệu này; chỉ yêu cầu kê khai mã số chứng chỉ hành nghề; kê khai kinh nghiệm trong mẫu đơn đề nghị cấp chứng chỉ năng lực; minh bạch hóa phương thức đánh giá cấp chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ năng lực.

Đồng thời, đa dạng hóa các cách thức thực hiện thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng (qua mạng trực tuyến, qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp) để tổ chức, cá nhân lựa chọn cho phù hợp.

Đặc biệt, với việc bổ sung quy định về cấp chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ năng lực trực tuyến sẽ giảm thời gian và chi phí cho người dân và doanh nghiệp.

Tin bài liên quan