“Sẽ có cơ chế khuyến khích thực hiện Basel II”

(ĐTCK) Đó là chia sẻ của ông Lê Trung Kiên, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách an toàn hoạt động ngân hàng, Cơ quan Thanh tra giám sát, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong cuộc trao đổi với ĐTCK về việc áp dụng Basel II trong hệ thống ngân hàng Việt Nam thời gian tới.
“Sẽ có cơ chế khuyến khích thực hiện Basel II”

Các ngân hàng cho rằng, có nhiều khó khăn khi triển khai thực hiện Basel II?

Triển khai thực hiện Basel II là một nội dung quan trọng của Đề án tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng đã được Chính phủ phê duyệt. Việc áp dụng Basel II đang có những điều kiện thuận lợi, nhưng cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức do: khuôn khổ pháp lý liên quan (kế toán, tài sản bảo đảm...) còn bất cập; nguồn nhân lực và năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng còn hạn chế; bộ máy tổ chức quản trị điều hành chưa thực sự hiệu quả, nhất là công tác quản lý rủi ro; cơ sở dữ liệu không đầy đủ và hệ thống công nghệ thông tin chưa đáp ứng được các yêu cầu của công tác quản lý rủi ro theo thông lệ tốt nhất; mức độ cạnh tranh ngày càng cao do tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Trên cơ sở kinh nghiệm từ các nước đã áp dụng Basel II, NHNN đã có các giải pháp để khắc phục những khó khăn kể trên, bảo đảm hợp lý hóa các nguyên tắc, yêu cầu của Basel theo điều kiện thực tiễn của Việt Nam và tiến hành triển khai đồng bộ đối với cả NHNN và các tổ chức tín dụng, tạo tiền đề quan trọng để thực hiện thành công Basel II.

Các giải pháp cụ thể là gì, thưa ông?

Về khuôn khổ pháp lý, mặc dù Basel II có nêu đầy đủ các chuẩn mực, yêu cầu, nguyên tắc áp dụng, nhưng các nước vẫn cần phải đưa ra các quy định, hướng dẫn cụ thể phù hợp với trình độ phát triển, thể chế pháp lý và đặc thù của hệ thống ngân hàng từng nước.

Do đó, NHNN đã có kế hoạch ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn cho các ngân hàng thương mại (NHTM) theo từng giai đoạn phù hợp với lộ trình thực hiện Basel II đã được Thống đốc NHNN phê duyệt, đảm bảo các ngân hàng triển khai thực hiện thống nhất, đồng thời làm cơ sở để NHNN thực hiện việc giám sát, kiểm tra quá trình thực hiện Basel II.

Văn bản hướng dẫn Basel II sẽ được  tham vấn rộng rãi ý kiến các ngân hàng,  chuyên gia…

Để sát với thực tiễn, các quy định về Basel II của NHNN cần có sự tham gia, góp ý rộng rãi của các NHTM ngay từ ban đầu?

Đúng vậy, bởi Basel II là chuẩn mực bao hàm nhiều nội dung phức tạp, có tính kỹ thuật và đồng bộ cao. Do đó, trong kế hoạch triển khai Basel II, ngoài quy trình lấy ý kiến rộng rãi, NHNN sẽ tiến hành tham vấn ý kiến của các chuyên gia, các NHTM (nhất là 10 NHTM được lựa chọn dự kiến áp dụng Basel II vào năm 2015) ngay khi nghiên cứu, xây dựng các văn bản quy định, hướng dẫn Basel II dưới hình thức hội thảo, tọa đàm, trao đổi trực tiếp hoặc các hình thức khác đối với các nội dung cần thiết để đảm bảo tính tuân thủ đối với các yêu cầu của Basel II và tính khả thi đối với các NHTM khi thực hiện.

Sự phối hợp giữa NHNN và NHTM trong việc xây dựng và triển khai quy định hướng dẫn Basel II là rất cần thiết để tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động.

Liệu NHNN có các cơ chế nhằm khuyến khích và hỗ trợ cho 10 ngân hàng nói trên trong việc áp dụng Basel II?

Thực hiện Basel II tại Việt Nam được coi là giải pháp tái cơ cấu có tính đột phá, phân bổ vốn hợp lý theo rủi ro, tạo ra giá trị cốt lõi và sự phát triển bền vững trong tương lai cho chính bản thân các NHTM; đồng thời tạo nền tảng cho sự an toàn, phát triển lành mạnh, nâng cao sức cạnh tranh của hệ thống ngân hàng Việt Nam trong xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay.

Do đó, trong quá trình triển khai, NHNN sẽ có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện đối với các NHTM khi thực hiện Basel II, nhất là 10 NHTM được NHNN lựa chọn thực hiện Basel II - Phương pháp nâng cao thông qua các hình thức như: hỗ trợ đào tạo phát triển nguồn nhân lực, cơ sở dữ liệu, hỗ trợ kỹ thuật và phối hợp xử lý các khó khăn, vướng mắc của từng NHTM. Trong khuôn khổ các dự án hỗ trợ kỹ thuật của các tổ chức quốc tế cho việc triển khai Basel II, NHNN sẽ tạo điều kiện để các NHTM được tham gia những dự án này.

Về phía NHNN có gặp khó khăn gì trong việc triển khai Basel II, thưa ông?

Cũng giống như các quốc gia khác, Việt Nam sẽ đối mặt với những thách thức về nguồn nhân lực, cơ sở dữ liệu, hạ tầng công nghệ và nguồn tài chính phục vụ cho việc triển khai thực hiện Basel II cả ở phía NHNN và phía các NHTM. Để khắc phục các khó khăn này, trong kế hoạch triển khai thực hiện Basel II, NHNN đã có một số giải pháp như:

Thứ nhất, có kế hoạch sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, nguồn tài chính hiện có của cả NHNN và các NHTM. Thực tế, hầu hết các ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam đã triển khai Basel II, NHNN sẽ làm đầu mối tận dụng những kinh nghiệm, kỹ thuật triển khai Basel II đó để xem xét áp dụng vào các TCTD Việt Nam. NHNN sẽ tạo ra cơ chế hợp tác chia sẻ kinh nghiệm áp dụng Basel II giữa ngân hàng nước ngoài và TCTD Việt Nam thông qua các diễn đàn, hội thảo, tọa đàm hoặc thúc đẩy hợp tác song phương giữa các TCTD Vệt Nam và ngân hàng nước ngoài.

Thứ hai, tối ưu hóa các chương trình hỗ trợ kỹ thuật của các tổ chức quốc tế để phát triển nguồn nhân lực, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu và hạ tầng công nghệ cho NHNN và các NHTM. Trong những năm qua, NHNN đã chủ động, tăng cường đào tạo cho cán bộ của NHNN về các nội dung của Basel II để hỗ trợ các ngân hàng triển khai Basel II. Tuy nhiên, việc đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ vẫn là nội dung ưu tiên trong thời gian tới.

Thứ ba, tích cực triển khai Dự án hiện đại hóa hệ thống công nghệ và cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác quản lý, bao gồm cả hệ thống thông tin tín dụng.

Tin bài liên quan