VIB đang hợp tác chặt chẽ với CBA trong việc thực hiện Basel II

VIB đang hợp tác chặt chẽ với CBA trong việc thực hiện Basel II

Các ngân hàng thương mại nói gì về Basel II?

(ĐTCK) Xây dựng hệ thống quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế (Basel II) đòi hỏi sự đầu tư lớn về tài chính, nguồn nhân lực, hệ thống công nghệ thông tin... ĐTCK đã trao đổi với đại diện một số ngân hàng xung quanh công tác này.
Các ngân hàng thương mại nói gì về Basel II? ảnh 1

Ông Đỗ Tuấn Anh, CEO Techcombank

“Chi phí đầu tư đảm bảo tuân thủ Basel II có thể lên đến hàng triệu USD”

Một số ngân hàng đã dự đoán trước xu hướng tất yếu về việc áp dụng Basel II tại Việt Nam, nên đã có những bước chuẩn bị ban đầu. Bên cạnh đó, hệ thống văn bản nội bộ thống nhất và tương đối đầy đủ, hệ thống công nghệ thông tin phát triển, nên có thể thuận lợi khi thực hiện phân tích chênh lệch (hệ thống xếp hạng tín dụng, rủi ro hoạt động) với các tiêu chuẩn Basel II. Đặc biệt, có hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ và đang triển khai một số mô hình nội bộ trên toàn hệ thống.

Tuy vậy, có không ít khó khăn trong quá trình bắt đầu triển khai Basel II. Để vượt qua những khó khăn này, ngân hàng cần xác lập chiến lược thực hiện Basel II được HĐQT phê duyệt với các tiêu chí về mục tiêu, nguồn lực, kế hoạch triển khai rõ ràng. Thành lập bộ máy chỉ đạo dự án ở cấp điều hành cao nhất để tổ chức và giám sát triển khai Basel II, trong đó nhấn mạnh đến vai trò của đào tạo, truyền thông về Basel II trong toàn ngân hàng. Thành lập tổ công tác dự án Basel II để điều phối và hỗ trợ triển khai Basel II. Thuê công ty tư vấn, chuyên gia quốc tế có kinh nghiệm triển khai Basel II.

Mặc dù chi phí đầu tư để đảm bảo tuân thủ Basel II cho ngân hàng là rất lớn, có thể lên đến hàng triệu USD trong thời gian từ nay đến năm 2018, nhưng lợi ích lớn nhất của Basel II là các ngân hàng sẽ chủ động áp dụng các biện pháp quản trị rủi ro và quản lý nguồn vốn kinh doanh một cách hiệu quả. Trong khuôn khổ Basel II, các công cụ và phương pháp quản lý, định giá rủi ro tiên tiến được triển khai đảm bảo cho những ngân hàng có hệ thống quản trị rủi ro tốt giảm thiểu chi phí, yên tâm phát triển các mảng nghiệp vụ kinh doanh mới và hiệu quả hơn trong các quyết định phân bổ nguồn vốn kinh doanh.

Trong lĩnh vực tín dụng, các NHTM sẽ phải chuyển hướng tập trung vào đánh giá độ tín nhiệm của khách hàng, thay vì dựa chủ yếu vào tài sản đảm bảo. Định giá rủi ro chính xác giúp ngân hàng có thể áp dụng lãi suất thấp hơn cho các khách hàng tốt.

Các ngân hàng thương mại nói gì về Basel II? ảnh 2

Ông Loic Faussier, Phó tổng giám đốc, Giám đốc Khối Quản trị rủi ro VIB

“Basel II giúp gia tăng tính minh bạch và cạnh tranh với ngân hàng quốc tế”

Việc đưa Basel II vào áp dụng là bước tiến quan trọng trong lĩnh vực ngân hàng của Việt Nam và phù hợp với các quy định mới của NHNN về quản trị rủi ro. Thuận lợi của VIB khi triển khai thực hiện Basel II là nhận được sự hỗ trợ tích cực của cổ đông chiến lược CBA. CBA là 1 trong 10 ngân hàng lớn nhất thế giới về giá trị vốn hóa thị trường, là ngân hàng đầu tiên trên thế giới áp dụng Basel II, III và được đánh giá là một trong những ngân hàng an toàn nhất thế giới. VIB đang hợp tác chặt chẽ với CBA trong việc thực hiện Basel II.

VIB cũng có thuận lợi là nằm trong nhóm 10 ngân hàng được NHNN lựa chọn thực hiện các phương pháp tiên tiến nhất trong việc triển khai Basel II, nên có đại diện tại Hội đồng triển khai Basel II của NHNN. Theo lịch trình, chúng tôi sẽ có những cuộc làm việc thường xuyên với NHNN nhằm báo cáo và đề xuất những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai.

Chúng tôi tin tưởng rằng, Basel II sẽ mang lại những giá trị nhất định cho tất cả cổ đông, khách hàng, đối tác và nội bộ của VIB. Người gửi tiết kiệm có thể yên tâm sử dụng dịch vụ ngân hàng được đảm bảo an toàn dựa vào nền tảng công nghệ quốc tế; người vay tiền được nhận những giải pháp ưu việt, hiện đại để giảm thiểu rủi ro; cán bộ, nhân viên VIB có cơ hội phát triển sự nghiệp khi được tiếp cận hệ thống thực hành quốc tế tốt nhất này. Điều này gia tăng tính minh bạch và giúp VIB cạnh tranh với các ngân hàng quốc tế.

Các ngân hàng thương mại nói gì về Basel II? ảnh 3

Ông Đào Gia Hưng, Phó giám đốc Khối Quản trị rủi ro VPBank

“VPBank đã thành lập Ủy ban chỉ đạo và Bộ phận chuyên trách về Basel II”

Phạm vi yêu cầu của Basel II rất rộng, nhiều dự án có thể phải triển khai đồng thời nên các ngân hàng cần đầu tư nguồn nhân lực tương đối lớn để triển khai hiệu quả và không gây ảnh hưởng đến các hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Hơn thế, Basel II yêu cầu thực hiện các phương pháp đo lường rủi ro tiên tiến, đòi hỏi các ngân hàng chuẩn bị một nền tảng công nghệ thông tin và nền tảng dữ liệu tốt để phục vụ xây dựng những mô hình theo chuẩn mực Basel II.

VPBank đã thành lập Ủy ban chỉ đạo và Bộ phận chuyên trách về quản lý và triển khai các dự án trọng điểm về Basel II. Lợi ích của việc thực hiện Basel II được VPBank nhận rõ là xây dựng hệ thống quản trị rủi ro lành mạnh, kiểm soát các rủi ro kịp thời giúp cho việc lập kế hoạch tài chính, kế hoạch kinh doanh của Ngân hàng hiệu quả; đảm bảo VPBank có sự lựa chọn khách hàng tốt và nâng cao chất lượng tài sản, danh mục tín dụng; đảm bảo Ngân hàng có thể phân bổ vốn hiệu quả cho các phân khúc kinh doanh và các sản phẩm kinh doanh của Ngân hàng; nâng cao uy tín của VPBank trong cộng đồng các ngân hàng, công chúng và các công ty xếp hạng quốc tế.

Do vậy, Ngân hàng đã thực hiện các biện pháp vượt qua khó khăn như: thành lập bộ phận chuyên trách triển khai Basel II trực thuộc Khối quản trị rủi ro; chuẩn bị ngân sách tài chính; đầu tư nhân sự; sử dụng tư vấn nước ngoài; gắn kết các kế hoạch triển khai Basel II với các kế hoạch có liên quan như chiến lược công nghệ thông tin, chiến lược phát triển hạ tầng dữ liệu…; nâng cao nhận thức về rủi ro không chỉ ở cấp độ hoạt động, mà còn ở cấp độ quản lý cao cấp.

Tin bài liên quan