Sẽ giảm thêm 25 loại phí và lệ phí

Nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp thực sự “ám ảnh” trước số lượng phí và lệ phí quá nhiều do được ban hành tràn lan. Vì vậy, theo ông Trần Quang Chiểu, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, ngay trong Luật Phí và Lệ phí cần phải quy định cụ thể, chi tiết từng khoản phí, lệ phí.
Ông Trần Quang Chiểu

Ông Trần Quang Chiểu

Pháp lệnh Phí và Lệ phí hiện hành cũng đã ban hành Danh mục Phí và lệ phí, khi nâng pháp lệnh lên thành luật, nhiều ý kiến cho rằng, cũng nên ban hành Danh mục Phí và lệ phí, thưa ông?

Danh mục ban hành kèm theo Pháp lệnh Phí và lệ phí chỉ quy định 73 loại phí và 42 loại lệ phí, nhưng được Chính phủ quy định chi tiết thành 171 khoản phí và 130 khoản lệ phí (chưa kể trên 340 khoản phí, lệ phí trước đây các bộ, ngành, địa phương ban hành không đúng quy định đã bị bãi bỏ).

Còn theo Danh mục Phí và lệ phí trong Dự thảo Luật Phí và Lệ phí trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 này, thì chỉ còn tổng cộng 90 loại phí và lệ phí, gồm 39 loại phí và 51 loại lệ phí, nhưng nếu không quy định cụ thể, chi tiết ngay trong luật, thì số lượng phí và lệ phí chắc chắn không dừng lại ở con số 90. Tình trạng phụ thu, lạm bổ tạo gánh nặng đóng góp cho người dân sẽ khó tránh khỏi.

Theo tôi, để tránh tình trạng phụ thu, lạm bổ, cần phải quy định chi tiết, cụ thể từng khoản phí, lệ phí ngay trong luật.

Cuộc sống luôn thay đổi nên có nhiều khoản phí, lệ phí phát sinh và cũng có nhiều khoản phí, lệ phí không cần thiết, phải loại bỏ. Thưa ông, nếu quy định cứng trong luật sẽ dẫn tới khó khăn khi cần bổ sung hoặc loại bỏ khoản phí, lệ phí nào đó?

Muốn điều chỉnh khoản phí, lệ phí nào đó cho phù hợp với thực tế do sự vận động của nền kinh tế, Chính phủ báo cáo và nếu thấy hợp lý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho điều chỉnh và sau đó báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Còn tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp chỉ biết căn cứ vào Danh mục Phí và lệ phí được Quốc hội ban hành để thực hiện nghĩa vụ của mình, khoản nào không có thì dứt khoát không nộp. Như vậy, sẽ minh bạch, rõ ràng và tránh được tình trạng nhiều bộ, ngành, địa phương tự đặt ra các khoản phí, lệ phí.

Nhiều ý kiến cho rằng, toàn bộ phí, lệ phí do cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập thu được phải nộp vào ngân sách nhà nước. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

Tôi cho rằng, toàn bộ số lệ phí thu được phải nộp vào ngân sách nhà nước, vì lệ phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải nộp khi được cơ quan nhà nước phục vụ công việc quản lý nhà nước.

Mức thu lệ phí được ấn định trước đối với từng công việc, không nhằm mục đích bù đắp chi phí.

Tổ chức thu lệ phí là cơ quan hành chính nhà nước, thực hiện công việc do Nhà nước giao và được hưởng lương từ ngân sách nhà nước, nên không được quyền giữ lại bất cứ đồng lệ phí nào để sử dụng vào bất cứ công việc gì.

Còn nguồn kinh phí trang trải cho việc thu lệ phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán theo chế độ, định mức. Đối với khoản phí do cơ quan hành chính nhà nước thu cũng vậy, phải nộp 100% vào ngân sách nhà nước, vì nếu để lại theo tỷ lệ phần trăm nào đó tính trên số phí thu được sẽ dẫn tới thiếu công bằng, vì có địa phương thu được nhiều, có địa phương thu được ít; lĩnh vực này thu được nhiều, lĩnh vực khác thu được ít.

Còn đối với khoản phí do đơn vị sự nghiệp công lập thu, thì nên trích lại một phần theo tỷ lệ phần trăm trên tổng số tiền phí thu được hàng năm cho cơ quan thu phí để trang trải chi phí cung cấp dịch vụ.

Vì phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi được cung cấp dịch vụ; mức thu phí đối với các dịch vụ do Nhà nước đầu tư phải bảo đảm bù đắp chi phí, thu hồi vốn. Nếu nộp toàn bộ khoản tiền phí vào ngân sách nhà nước, khi đơn vị sự nghiệp công cần phải đầu tư, trang trải chi phí phát sinh trong quá trình thu phí, cung cấp dịch vụ, thì lại phải thực hiện đầy đủ quy trình lập dự toán sử dụng ngân sách, trình cấp có thẩm quyền và phải làm rất nhiều thủ tục khác nữa mới được ngân sách cấp kinh phí sẽ hết sức phiền phức.

Thưa ông, nếu để lại một phần phí thu được cho đơn vị sự nghiệp công lập sẽ dẫn tới tình trạng có đơn vị không chi hết, phải chuyển nguồn sang năm sau, tăng thu nhập cho người lao động hoặc chi tiêu không tiết kiệm?

Vấn đề là phải đưa ra được tỷ lệ để lại tính trên tổng số phí thu được hàng năm cho đơn vị sự nghiệp một cách hợp lý nhất, bảo đảm thu đủ, chi đủ, chi tiêu tiết kiệm, hiệu quả và có một phần để đơn vị thu phí nâng cao chất lượng dịch vụ công, bảo đảm thu nhập cho người lao động và khuyến khích xã hội hóa các lĩnh vực cung cấp dịch vụ công.

Số tiền để lại cho đơn vị công lập thu phí, nếu chi không hết phải nộp vào ngân sách, chứ không được chuyển nguồn sang năm sau chi tiếp, chi tiêu những khoản không có trong dự toán hay tăng lương, trả thu nhập cho người lao động trái với quy định.

Tin bài liên quan