Dự án resort 5 sao Le Mont xây trái phép giữa Vườn Quốc gia Ba Vì.
ảnh: Dũng Minh

Dự án resort 5 sao Le Mont xây trái phép giữa Vườn Quốc gia Ba Vì. ảnh: Dũng Minh

Sẽ làm rõ vi phạm tại một số dự án “nóng”

(ĐTCK) Cuối tuần qua, đại diện Bộ Tài nguyên - Môi trường đã có cuộc trao đổi với báo chí việc xử lý vi phạm về đất đai, môi trường tại một số dự án bất động sản đang làm nóng dư luận thời gian qua.

Resort Le Mont: Hiện có 2 đoàn thanh tra đang làm việc

Liên quan đến sai phạm về đất đai tại Resort Le Mont (Ba Vì, Hà Nội), ông Đào Trung Chính, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai cho biết, đối với tính chất một vườn quốc gia tại Ba Vì, mọi động thái phải tuân thủ theo quy định luật pháp một cách chặt chẽ. Trách nhiệm chính là của Ban quản lý Vườn Quốc gia Ba Vì và Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Đối với Tổng cục Quản lý đất đai có trách nhiệm đối việc quản lý, sử dụng đất, tức là từ khi đất rừng chuyển sang đất ở, đất kinh doanh thì khi đó, Tổng cục Quản lý đất đai mới có thẩm quyền. Đối với việc quản lý, sử dụng đất ở đây, Tổng cục có kiểm tra, theo dõi thường xuyên.

“Ngày 11/3, Tổng cục Quản lý đất đai đã có công văn yêu cầu Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội thực hiện thanh tra, kiểm tra việc quản lý sử dụng đất đai tại dự án này”, ông Đào Trung Chính cho biết.

Cũng theo Tổng cục Quản lý đất đai, hiện có 2 đoàn thanh tra đang làm việc trực tiếp tại đây gồm Đoàn thanh tra của Tổng cục Lâm nghiệp và Đoàn thành tra của Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội. Tổng cục Quản lý đất đai đã yêu cầu Sở Tài nguyên - Môi trường làm việc khẩn trương thực hiện thanh tra, kiểm tra và khi có kết quả sẽ báo cáo ngay.

Trước đó, khu Resort 5 sao Le Mont đã bị phát hiện xây dựng không phép. Chủ đầu tư, Công ty TNHH Phát triển Công nghệ (CFTD) đã được giao hơn 56 héc-ta diện tích đất rừng, đất lâm nghiệp để xây khu nghỉ dưỡng Le Mont Bavi Resort & Spa. 

Được biết, Vườn Quốc gia Ba Vì bao gồm 3 phân khu: Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt trên cốt 400, phân khu phục hồi sinh thái dưới cốt 400, phân khu dịch vụ hành chính. Vườn có chức năng trồng, bảo tồn và phục hồi tài nguyên thiên nhiên vốn vô cùng phong phú, di tích lịch sử, nghiên cứu khoa học kết hợp với tham quan, học tập và du lịch. Dự án Le Mont Bavi Resort & Spa tọa lạc ở cốt 600 trong khu vực bảo vệ nghiêm ngặt.

Từ năm 2008, chủ đầu tư và đại diện Vườn Quốc gia Ba Vì ký hợp đồng liên kết khai thác du lịch sinh thái tại khu vực cốt 600, 700. Sau đó, chủ đầu tư đã tiến hành đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác. Năm 2012, CFTD tạm dừng xây dựng để hoàn thiện các hồ sơ thủ tục theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong thời gian đó, khu Resort này vẫn mở đón khách, chỉ khi việc xây dựng không phép bị phát hiện, mới bị niêm phong, đóng cửa. 

URC Hà Nội và URC Việt Nam: Tổng cục môi trường sẽ giám sát chặt chẽ

Thời gian vừa qua, việc xử lý đối với dự án 38 triệu USD xây dựng không phép ngay tại Hà Nội cũng được dư luận quan tâm chú ý. Đó là Dự án Nhà máy nước giải khát không cồn và bánh snack URC Hà Nội của Công ty TNHH URC Hà Nội (URC Hà Nội) tại Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai. 

Nhà máy được khởi công từ năm 2009, đến tháng 5/2013, Công ty URC Hà Nội mở rộng dự án, xây dựng thêm nhà xưởng, nâng công suất hoạt động. Phần mở rộng đã hoàn thành và hoạt động từ đầu năm 2014. Tuy nhiên, đến nay, Dự án chưa được chứng nhận, cấp phép của các cơ quan chức năng thuộc TP. Hà Nội và Bộ Tài Nguyên - Môi trường.

Được biết, với công suất, quy mô mở rộng như vậy, dự án trên bắt buộc phải có kết luận đánh giá tác động môi trường của Tổng cục Môi trường thuộc Bộ Tài nguyên - Môi trường.

Cuối năm 2015, Tổng cục Môi trường đã thành lập đoàn công tác đi kiểm tra các công trình bảo vệ môi trường trên cả nước.

Kiểm tra nhà máy của URC Hà Nội tại Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai, đoàn công tác đã phát hiện phần dự án nâng cấp (Dự án xây dựng nhà máy nước giải khát không cồn và bánh snack URC Hà Nội) chưa có hệ thống xử lý nước thải, nên đã lập biên bản, đình chỉ hoạt động.

Ông Hoàng Văn Thức, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, doanh nghiệp đang tiến hành khắc phục và Tổng cục Môi trường chưa xác nhận đủ điều kiện hoạt động.

“Theo tiến độ, tháng 5 tới, họ sẽ gửi báo cáo, sau đó Tổng cục Môi trường sẽ kiểm tra tiếp. Suốt quá trình vừa rồi, chúng tôi đã phối hợp với Sở Tài nguyên - Môi trường tham gia cùng để xử lý”, ông Thức nói.

Ngoài ra, khi tới kiểm tra tại Công ty TNHH URC Việt Nam (đại lộ Tự Do, Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương), Tổng cục Môi trường cũng phát hiện sai phạm tại phần dự án nâng cấp, chưa xây dựng công trình xử lý môi trường theo yêu cầu của báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Tổng cục Môi trường đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 280 triệu đồng và đình chỉ dự án thay đổi sản phẩm và nâng công suất Nhà máy URC Việt Nam số 1 và số 2 của Công ty TNHH URC Việt Nam trong thời hạn 3 tháng.

Theo quy định, trước ít nhất 15 ngày làm việc kể từ thời điểm hết hạn đình chỉ hoạt động của các dự án nêu trên, Công ty phải có văn bản báo cáo kèm theo các hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc đã khắc phục xong hậu quả vi phạm gửi cho Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Bình Dương và Tổng cục Môi trường để được kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan