Dự kiến, đến cuối năm 2014, Việt Nam có khoảng 30 triệu người sử dụng OTT

Dự kiến, đến cuối năm 2014, Việt Nam có khoảng 30 triệu người sử dụng OTT

Sẽ quản lý dịch vụ nhắn tin miễn phí

Với sự phát triển bùng nổ của OTT, những hệ lụy tiêu cực đã xuất hiện, buộc cơ quan quản lý phải vào cuộc để ngăn chặn.

Chỉ chưa đầy 2 năm, thị trường dịch vụ OTT (Over The Top, dịch vụ miễn phí gửi tin nhắn chữ, hình ảnh, hội thoại, video… qua ứng dụng trên smartphone, hay các thiết bị có kết nối Internet) tại Việt Nam đã có sự bùng nổ về số lượng người sử dụng.

Điển hình là Zalo của Vinagame (VNG). Đầu năm 2013, Zalo mới chỉ có khoảng 1 triệu người dùng. Nhưng đến nay, Zalo đã vượt 10 triệu người sử dụng.

Một nhà cung cấp dịch vụ OTT khác là Viber (Israel) cũng chạm mốc 12 triệu người dùng tại Việt Nam trong tháng 3/2014, tăng hơn 4 triệu người dùng so với tháng 11/2013. Dịch vụ của Line hiện cũng có khoảng 4 triệu khách hàng sử dụng… Dự kiến, đến cuối năm 2014, Việt Nam sẽ có khoảng 30 triệu người sử dụng OTT.

Loay hoay xử lý dịch vụ OTT

Thế nhưng, cùng với sự bùng nổ người sử dụng và đa dạng hóa các dịch vụ OTT, đã bắt đầu xuất hiện nhiều hệ quả tiêu cực.

Đầu tiên là việc lừa đảo qua dịch vụ OTT. Thời gian qua, rất nhiều thuê bao của Zalo đã dính bẫy. Các đối tượng sử dụng dịch vụ Zalo gửi tin nhắn hay gọi đến tự xưng là nhân viên của VNG (thông báo trúng thưởng xe, hoặc tiền mặt). Sau đó, yêu cầu khách đọc thông tin liên quan đến tài khoản ngân hàng, chuyển tiền và cần nộp một khoản phí theo yêu cầu mới có thể nhận giải. Hoặc đối tượng hướng dẫn người dùng truy cập vào một địa chỉ web và thực hiện các bước “đóng phí nhận thưởng” bằng thẻ cào điện thoại di động hoặc thẻ nạp tiền chơi game của VNG, FPT, VTC… Đã có những khách hàng mất hàng chục, hàng trăm triệu đồng do bị lừa đảo qua dịch vụ OTT.

Thực tế tại Việt Nam cho thấy, dịch vụ OTT liên tục bùng nổ với các dịch vụ nhắn tin và thoại miễn phí đã khiến doanh thu từ dịch vụ thoại và tin nhắn của các nhà mạng trong nước bị sụt giảm.

Mặt khác, do chưa có quy định quản lý, chế tài xử phạt, việc OTT bùng phát cũng đi đôi với tình trạng tin nhắn rác xuất hiện tràn lan, quảng cáo cho đủ loại hình dịch vụ, thậm chí cả chuyện phòng the, coi cầu lô đề, hàng cấm như máy nghe lén…, càng khiến thực tế trở nên phức tạp hơn đối với cơ quan quản lý. Cơ quan quản lý rất khó quy trách nhiệm cho doanh nghiệp nội dung hay nhà mạng, hay do nhà cung cấp dịch vụ OTT (nhất là hiện Viber, WhatsApp... đặt máy chủ tại nước ngoài).

Ông Trần Vũ Hà, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, tình trạng tin nhắn rác OTT đang diễn biến ngày càng phức tạp và việc chưa có quy định quản lý, cũng như chế tài xử phạt khiến cho vấn đề càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Nội dung quảng cáo rất nhạy cảm, từ sản phẩm phòng the cho tới cờ bạc…, nhưng cơ quan quản lý lại chưa biết phải làm gì, phải xử lý như thế nào với những nội dung kiểu này.

Ông Lê Quốc Cường, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cho rằng,  việc quản lý, xử lý dịch vụ OTT đang là vấn đề nóng, vì liên quan trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp viễn thông, cũng như đối với công tác giám sát, kiểm tra loại hình dịch vụ này trên địa bàn TP.HCM. Tuy nhiên, đơn vị này cũng đang rất lúng túng trong, vì vậy, đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông giao đơn vị chức năng sớm xây dựng văn bản quản lý để đảm bảo dịch vụ phát triển bền vững tại Việt Nam, đảm bảo sự hài hòa giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Sẽ kiểm soát OTT

Việc xử lý tiêu cực từ dịch vụ OTT đang gặp khó khăn, do không thể quy cho các đầu số của doanh nghiệp nội dung, hoặc cũng không thể buộc nhà mạng phải chịu trách nhiệm. Có thể thấy rằng, OTT đang là quả bóng tròn xoay tứ phía gây khó chịu cho khách hàng, nhưng không chịu chế tài từ cấp ngành nào.

Theo ông Nguyễn Sơn Hải, Phó trưởng Phòng Kinh doanh (VinaPhone), hiện dịch vụ OTT được cung cấp bởi các nhà khai thác nội dung khác trên nền dịch vụ 3G của các nhà mạng. Do đó, nhà mạng không có thẩm quyền can thiệp vào nội dung của các dịch vụ OTT - các tin nhắn có nội dung spam, lừa đảo - nên trách nhiệm trong vấn đề này là của nhà cung cấp OTT. Việc này cũng giống như tình trạng lừa đảo trên Internet không thể bắt các nhà cung cấp dịch vụ ADSL phải chịu trách nhiệm. Vì vậy, cần sớm có cơ chế quản lý các nhà cung cấp dịch vụ OTT.

Tại Hội nghị giao ban 6 tháng đầu năm 2014, ông Nguyễn Bắc Son, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định, trong bối cảnh số lượng người dùng OTT đang tăng nhanh tại Việt Nam, nếu công tác quản lý dịch vụ OTT không tốt sẽ gây ảnh hưởng đến nhà mạng, sử dụng hạ tầng chiếm băng thông, gây nghẽn mạng, gây tốn kém nhà mạng, đồng thời ảnh hưởng an ninh an toàn thông tin, bản quyền, sở hữu trí tuệ.

“Quản lý OTT không thể thiếu được trong thời gian tới. Đây vừa là vấn đề an ninh vừa là vấn đề kinh tế. Chúng tôi đề nghị, trong thời gian tới, Cục Viễn thông xây dựng văn bản quản lý, đưa ra văn bản quy phạm pháp luật để quản lý OTT. Cũng như quản lý các doanh nghiệp nội dung số để hạn chế các tiêu cực nêu trên”, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nói.

Tin bài liên quan