“Shadow banking” có phải là “ngành tín dụng đen”?

“Shadow banking” có phải là “ngành tín dụng đen”?

(ĐTCK) Thông tin ngành kinh doanh ‘tín dụng đen’ toàn cầu lên đến 67.000 tỷ USD mà các phương tiện truyền thông đăng tải đã khiến nhiều người lo ngại.

Tin tức về “shadow banking system” được đăng tải trên một số phương tiện thông tin đại chúng mới đây với tiêu đề: “Ngành kinh doanh ‘tín dụng đen’ toàn cầu lên đến 67.000 tỷ USD” đã khiến nhiều người không khỏi bất ngờ và lo ngại. Phải chăng, hoạt động “ngân hàng trong bóng tối”, “cho vay nặng lãi” là phổ biến trên toàn thế giới?

Tít quá “giật gân”

Thông tin nêu trên được lấy nguồn từ CNBC (Mỹ) ngày 19/11/2012 (www.cnbc.com/id/49888018) có nội dung sát thực với bài viết gốc, nhưng việc giật tít “ngành tín dụng đen” mà ở Việt Nam được hiểu là hoạt động cho vay nặng lãi đi liền với vi phạm nghiêm trọng về pháp luật sẽ mang lại sự hiểu nhầm và phản cảm lớn với hệ thống ngân hàng song hành “shadow banking system”.

Nếu không đọc kỹ nội dung, mà chỉ lướt qua tiêu đề, không ít người đọc có thể cho rằng, hoạt động cho vay nặng lãi vi phạm pháp luật là phổ biến trên toàn thế giới, có quy mô lớn gấp gần 560 lần tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng Việt Nam và hình như bão tín dụng đen không chỉ hoành hành ở Việt Nam, mà còn trên toàn thế giới?

Thực sự, nội dung bài gốc và bài dịch không liên quan đến “tín dụng đen” như ý nghĩa phổ biến của cụm từ này. “Shadow banking system” cần được nhìn nhận là ngân hàng song hành, mà hoạt động chủ yếu dựa trên các định chế tài chính phi ngân hàng. Nếu hệ thống ngân hàng truyền thống huy động vốn tiền gửi từ công chúng để thực hiện dịch vụ thanh toán, cho vay, các dịch vụ ngân hàng truyền thống khác, thì hệ thống ngân hàng song hành (shadow banking) thông qua các quỹ đầu tư và các cơ cấu đầu tư đặc biệt (SIV) để huy động vốn từ các công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí, doanh nghiệp và cá nhân (thông qua bán chứng chỉ quỹ) để đầu tư vào các sản phẩm tài chính như trái phiếu chính phủ, thương phiếu và các chứng khoán nợ phái sinh được xem là có độ an toàn nhất định.

“Shadow banking” có phải là “ngành tín dụng đen”? ảnh 1

Repo cổ phiếu, cho vay margin của các CTCK và CTQLQ cũng là “shadow banking”

Phải thừa nhận rằng, “shadow banking system” đã và có thể sẽ tạo ra rủi ro đáng kể cho hệ thống tài chính và nền kinh tế, nếu sự phát triển của nó không được giám sát chặt chẽ. Song thiết nghĩ, cũng nên có cách truyền tải phù hợp và thoát nghĩa với cụm từ này, vì “shadow banking system” đã và sẽ phát triển tại Việt Nam. Một phần hoạt động có tính chất như tín dụng (repo cổ phiếu, cho vay margin) của các công ty chứng khoán và quản lý quỹ tại Việt Nam cũng chính là “shadow banking”. Song không thể nói hoạt động đó là “trong bóng tối”, vì hoạt động của các công ty chứng khoán và quản lý quỹ được điều tiết bởi các quy định về giám sát an toàn tài chính được Bộ Tài chính ban hành trong năm 2010 và 2012 (Thông tư 226/2010/TT-BTC và Thông tư 165/2012/TT-BTC).

 

Lịch sử của “Shadow banking”

Cụm từ “shadow banking system” lần đầu tiên được Paul McCulley, một giám đốc đầu tư kỳ cựu của PIMCO (quỹ đầu tư trái phiếu hàng đầu thế giới) đưa ra vào năm 2007 tại Diễn đàn Kinh tế của Ngân hàng Trung ương Mỹ tổ chức tại Jack Hole Wyoming. McCulley gọi “shadow banking system” là “hệ thống bao gồm tất cả các hoạt động và công cụ đầu tư lợi suất cố định phi ngân hàng sử dụng đòn bẩy”. “Shadow banking system” về mặt nội dung là “hệ thống ngân hàng song hành” như hình với bóng (shadow) với hệ thống ngân hàng truyền thống.

“Hệ thống ngân hàng song hành” đưa ra những công cụ và sản phẩm tài chính cạnh tranh với hệ thống ngân hàng truyền thống để tạo ra sự linh hoạt và vòng quay nhanh hơn, nhằm luân chuyển nguồn vốn từ nơi có lợi suất thấp đến nơi có lợi suất cao. Mặc dù không chịu sự điều tiết bằng các quy định về giám sát an toàn chặt chẽ của các ngân hàng trung ương áp dụng cho các ngân hàng, song các định chế và các công cụ tài chính trong hệ thống ngân hàng song hành không thể không tuân thủ theo các quy định pháp luật về quản lý thị trường tài chính và công cụ tài chính phái sinh tại các thị trường phát triển như Mỹ, châu Âu.

McCulley cho rằng, “shadow banking system” bắt đầu được hình thành từ sự ra đời vào những năm 1970 của các quỹ dạng mở, huy động vốn từ công chúng với lãi suất cao hơn lãi suất ngân hàng và đầu tư vào chứng khoán nợ có độ an toàn cao gồm tín phiếu chính phủ Mỹ và thương phiếu của các công ty lớn. Sự ra đời của các công cụ phái sinh dưới dạng chứng khoán có bảo đảm là các khoản vay của các ngân hàng thương mại và trái phiếu có thời hạn còn lại dài vào giai đoạn 1987 - 1988 đánh dấu một bước tiến lớn của hệ thống “ngân hàng song hành”. Từ đó, hoạt động chứng khoán hóa các khoản vay và các công cụ nợ dài hạn tại các thị trường tài chính phát triển được đẩy mạnh, góp phần tạo ra thanh khoản cho các danh mục và các khoản vay dài hạn trước đây không có thanh khoản, tạo nguồn vốn mới và tăng vòng quay tín dụng cho hệ thống tài chính.

Tuy nhiên, các sản phẩm này đã phát triển một cách thái quá, được các ngân hàng đầu tư và các quỹ mạo hiểm “chế tạo tinh xảo” mang đi bán khắp thế giới, huy động một nguồn vốn lớn trên thị trường tài chính toàn cầu, tiếp sức cho bong bóng bất động sản và tài chính tại Mỹ và châu Âu giai đoạn 2003 - 2006. Bong bóng tín dụng toàn cầu xì hơi từ cuối 2007 và vỡ trong năm 2008 có một phần nguyên nhân từ sự phát triển thái quá của các sản phẩm phái sinh trong hệ thống ngân hàng song hành. Từ đó đến nay, hệ thống ngân hàng song hành chịu sự giám sát chặt chẽ hơn của các cơ quan giám sát, với sự ra đời của Đạo luật Dodd-Frank vào tháng 7/2010 (Dodd-Frank Wall Street Reform Act 2010 - đạo luật giám sát sâu rộng và chặt chẽ tất cả các hoạt động của thị trường tài chính phát triển nhất thế giới).

 

Cần nhìn nhận khách quan

Xét cho cùng, hệ thống trung gian tài chính, dù là ngân hàng truyền thống hay ngân hàng song hành, sẽ liên tục có những biến đổi nhằm đáp ứng với nhu cầu ngày càng đa dạng về các công cụ huy động vốn và sản phẩm tín dụng, để đảm bảo sự kết nối hiệu quả hơn, nhanh nhạy hơn và an toàn hơn giữa nguồn tiết kiệm với các hoạt động đầu tư của doanh nghiệp trong nền kinh tế. Song cần có nhìn nhận khách quan với hai mặt của sự vận động của hệ thống thống ngân hàng song hàng để có những biện pháp giám sát phù hợp, nhằm phát huy mặt tích cực của hoạt động ngân hàng song hành, tăng tốc độ luân chuyển vốn trên thị trường tài chính trên cơ sở an toàn và hiệu quả, đồng thời hạn chế mặt tiêu cực, tránh rủi ro cho hệ thống tài chính và nền kinh tế.