Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước chiếm tới 60% nguồn tín dụng của các ngân hàng thương mại và chiếm tới 70% nợ quốc gia vay từ nước ngoài

Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước chiếm tới 60% nguồn tín dụng của các ngân hàng thương mại và chiếm tới 70% nợ quốc gia vay từ nước ngoài

Siết đầu tư nóng: “Ông lớn” giãi bày

(ĐTCK-online) Trước các thông số về việc nhiều tập đoàn phân tán nguồn lực vào những lĩnh vực phát triển nóng, nhiều rủi ro mà Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Trung ương, Bộ Tài chính đưa ra mới đây, lãnh đạo một số tập đoàn đã lên tiếng rằng, họ vẫn tập trung cho hoạt động kinh doanh cốt lõi, thậm chí Chủ tịch HĐQT Vinashin còn cho rằng, tính toán của Bộ Tài chính không chính xác và phải xem xét lại. Chưa biết đúng sai ra sao, song thực tế này đòi hỏi đã đến lúc Bộ Tài chính phải có một báo cáo thống kê chi tiết và đề xuất biện pháp mạnh chấn chỉnh đầu tư tràn lan.

Theo Bộ Tài chính, tổng mức đầu tư vào chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm và bất động sản của Vinashin lên tới 3.323 tỷ đồng (bằng 1,1 lần vốn chủ sở hữu). Điều này chứng tỏ, Vinashin đã sử dụng vốn vay để đầu tư tài chính. Thêm nữa, Vinashin có hệ số vay nợ/vốn chủ sở hữu quá cao lên tới 21,8 lần.

Chủ tịch HĐQT Vinashin, ông Phạm Thanh Bình ngay lập tức lên tiếng thanh minh: “Vinashin góp vốn thành lập 111 DN quản lý trên nguyên tắc khoán lợi nhuận hàng năm và góp vốn bằng thương hiệu, chứ không dùng vốn nhà nước. Trong 43 công ty con thành lập mới, chúng tôi chỉ thành lập 33 đơn vị, còn lại là các công ty con thành lập DN mới thế hệ “cháu”. Tổng tài sản chúng tôi có 79.000 tỷ đồng và có 27.000 tỷ đồng vốn, như vậy hệ số vay nợ chưa đến 2 lần, chứ không phải hơn 20 lần như Bộ Tài chính tính”. Ông Bình liệt kê, trong tổng số vốn đầu tư 47.000 tỷ đồng, Vinashin chỉ đầu tư bên ngoài có 2.200 tỷ đồng, Tập đoàn cũng không đầu tư nhiều vào bất động sản, mà chỉ nâng cấp những cơ sở hiện có như nhà nghỉ chuyển thành khách sạn, khu nghỉ dưỡng, nâng cấp bệnh viện ngành... Cũng theo vị lãnh đạo cao nhất của Vinashin, Nhà nước nên cho phép Tập đoàn hoạt động đa ngành nghề, lấy ngắn nuôi dài như thực hiện hoạt động kinh doanh khác để dòng vốn chảy vào lo cho các dự án dài hơi.

Một tập đoàn nổi như cồn về việc đầu tư đa ngành nghề khác là PetroVietnam cũng được Chủ tịch HĐQT Đinh La Thăng giãi bày con số khiêm tốn. Trao đổi với báo giới, ông Thăng nói: “Ở lĩnh vực bất động sản, chứng khoán… chúng tôi đều thành lập công ty nhưng vốn sở hữu góp cũng thấp, như bất động sản chỉ góp vốn khoảng 11%; công ty truyền thông, chúng tôi cũng chỉ góp 30% vốn… Tổng doanh thu từ các hoạt động đầu tư ra ngoài lĩnh vực chính chỉ khoảng 3%. Rất thấp”. Theo ông này, quan trọng là phải tính hoạt động đầu tư ra ngoài có hiệu quả hay không. Đơn cử, Tập đoàn Petronas, khoảng một nửa doanh thu do vốn đầu tư của họ ra ngoài lĩnh vực dầu khí như bất động sản, ngân hàng, chứng khoán. Cứ có dự án gì hiệu quả là họ làm và PetroVietnam đánh giá mô hình của  Petronas rất tốt.

Ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam cũng cho hay: “Chúng tôi coi ngành nghề kinh doanh cốt lõi dệt may là hoạt động chủ lực, với tỷ trọng đầu tư trên 85%. Vừa qua, Tập đoàn có đầu tư vào một số ngành phụ trợ, góp vốn đầu tư vào một vài ngân hàng nhưng tỷ lệ thấp, góp vốn vào một công ty chứng khoán, đầu tư bán lẻ, xây dựng 5 khu công nghiệp... với tổng giá trị 370 tỷ đồng, chiếm khoảng 13% trên vốn chủ sở hữu”.

Không biết hoạt động bên ngoài ngành nghề chính có đem lại lợi nhuận cao để lo cho dự án chủ lực như tính toán của ông Bình hay không, song nguồn lực đầu tư vào chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm và bất động sản của Vinashin lên tới 3.323 tỷ đồng, trong bối cảnh thị trường tài chính đi xuống mạnh như thời gian vừa qua khiến dư luận có lý do để lo lắng. Vốn nhà nước đầu tư cho Vinashin rất lớn, đơn cử như 750 triệu USD trái phiếu chính phủ phát hành ra thị trường quốc tế hồi năm 2005 đã được rót hết cho Tập đoàn. Đặt câu hỏi, Tập đoàn thua lỗ, ai sẽ chịu trách nhiệm trả những khoản nợ trên?

Ngoài Vinashin, số liệu công bố cũng cho thấy, hệ số vay nợ/vốn chủ sở hữu tại nhiều tập đoàn, tổng công ty khác rất cao như Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 là 42 lần, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 là 22,5 lần, Lilama là 21,5 lần… Theo nhận định của Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, những con số trên cho thấy, việc huy động vốn của nhiều tập đoàn mang tính tràn lan, hiệu quả đầu tư không cao do phải trả lãi ngân hàng nhiều.

Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hiện đóng góp tới 40% GDP, song khu vực này cũng chiếm tới 60% nguồn tín dụng của các ngân hàng thương mại và chiếm tới 70% nợ quốc gia vay từ nước ngoài. Sử dụng tràn lan, lãng phí nguồn lực này, không chỉ thua lỗ và tạo ra gánh nặng cho nền kinh tế, mà còn là nguyên nhân góp phần đẩy lạm phát gia tăng. Quyết tâm chấn chỉnh tình trạng đầu tư dàn trải, đầu tư chéo đã được thể hiện trong phát biểu của lãnh đạo cấp cao Chính phủ. Tại hội nghị Đổi mới DNNN tuần qua, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, Bộ Tài chính phải trả lời cho được DN nào đầu tư hiệu quả hay không hiệu quả, phải kiểm soát được, trả lời được tình trạng đầu tư ra bên ngoài của các tập đoàn, tổng công ty. 

Chủ trương của Chính phủ đã rõ, điều quan trọng hiện nay là dư luận đang mong chờ chủ trương đó sẽ được thực thi ra sao và hoạt động đầu tư của khối DN chủ lực của nền kinh tế sẽ được cải thiện thế nào, khi không còn quá “ngược xuôi” đầu tư vào những lĩnh vực mang nặng tính đầu cơ, rủi ro.