Siết lại kỷ cương chứng khoán: Đã có “cây gậy”

Siết lại kỷ cương chứng khoán: Đã có “cây gậy”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cho tới nay, các văn bản hướng dẫn Luật Chứng khoán 2019 - văn bản luật có nhiều quy định mới, trong đó có việc trao thêm nhiều quyền cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) trong giám sát và xử phạt vi phạm trên TTCK đã được ban hành.

Hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ

Thực hiện sự chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, Bộ Tài chính, UBCK luôn xác định nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán (TTCK) là một trong những trọng tâm xây dựng và phát triển TTCK.

Tại Đại hội lần thứ XII, Đảng ta đã chỉ ra bối cảnh quốc tế và trong nước tác động đến kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020.

Theo đó, khoa học, công nghệ phát triển rất nhanh cùng với toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng tác động mạnh mẽ đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia.

Hội nhập quốc tế của nước ta ngày càng sâu rộng, nhất là hội nhập kinh tế. Việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do đã có và tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, cùng với việc hình thành Cộng đồng ASEAN trong năm 2015 mở ra nhiều cơ hội thuận lợi cho phát triển nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức.

Sau 30 năm Đổi Mới, thế và lực của nước ta đã lớn mạnh hơn nhiều và có thêm kinh nghiệm trong lãnh đạo, quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh mới, cần phải tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của TTCK, tranh thủ thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức để thúc đẩy phát triển TTCK nhanh, bền vững.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm đặt ra là nghiên cứu, tổng kết thực tiễn thi hành, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán.

Qua tổng kết 10 năm thực hiện Luật Chứng khoán cho thấy, bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, thực tiễn cho thấy Luật Chứng khoán đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập nên việc ban hành Luật Chứng khoán (sửa đổi) là cần thiết.

Một là, để thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, trong đó có việc phát triển thị trường vốn và TTCK.

Hai là, nhằm tiếp cận các chuẩn mực và thông lệ quốc tế, thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng, góp phần triển khai hiệu quả các điều ước, cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trong đó có các FTA thế hệ mới như Hiệp định toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)... Ba là, khắc phục những tồn tại, hạn chế sau hơn 10 năm thi hành Luật Chứng khoán, đáp ứng yêu cầu phát triển tất yếu của TTCK nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung trong tình hình mới, đặc biệt trong bối cảnh phát triển của cách mạng công nghệ 4.0.

Nhằm hoàn thiện thể chế, ổn định môi trường pháp lý, bảo đảm cho sự phát triển ổn định, bền vững, an toàn của TTCK, đáp ứng yêu cầu hội nhập, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với TTCK, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư; bảo đảm TTCK là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của nền kinh tế, tại Nghị quyết số 57/2018/QH14 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, Quốc hội đã quyết định đưa dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.

Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2019; Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 03/12/2019. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021, thay thế Luật Chứng khoán số 70/2006/QH11 và Luật số 62/2010/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán.

Luật Chứng khoán năm 2019 gồm 10 chương, 135 điều đã thể chế hóa đầy đủ, kịp thời đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, trong đó có việc phát triển TTCK; khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực thi Luật Chứng khoán hiện hành, đáp ứng yêu cầu phát triển tất yếu của nền kinh tế.

Luật cũng đã bảo đảm yêu cầu cải cách hành chính nhà nước, tiếp cận với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế, góp phần thực hiện mục tiêu tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi, minh bạch, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng. Phạm vi điều chỉnh trong Luật Chứng khoán năm 2019 được mở rộng theo hướng bao quát toàn diện các hoạt động về chứng khoán và TTCK:

Thứ nhất, quy định rõ các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn TTCK phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo cơ sở pháp lý cũng như xác định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý TTCK trong việc thực hiện các biện pháp mang tính phòng ngừa cũng như kịp thời khắc phục, xử lý các sự cố, biến động bất thường của TTCK;

Thứ hai, cụ thể hóa các nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính, UBCK bảo đảm phân công, phân cấp rõ ràng;

Thứ ba, chuẩn hóa điều kiện, trình tự, thủ tục chào bán chứng khoán, tiêu chuẩn công ty đại chúng nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa trên TTCK, qua đó giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư;

Thứ tư, bổ sung quy định tạo cơ sở pháp lý thực hiện tái cấu trúc thị trường giao dịch chứng khoán theo hướng hình thành các công ty con hoạt động chuyên biệt theo từng thị trường, chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, đồng thời mở ra cơ hội để các sở giao dịch chứng khoán và Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam có thể chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần khi điều kiện cho phép;

Thứ năm, mở rộng phạm vi hoạt động, các dịch vụ được cung cấp, tạo điều kiện tốt hơn cho các tổ chức kinh doanh chứng khoán;

Thứ sáu, bổ sung thẩm quyền của UBCK trong việc yêu cầu các tổ chức, cá nhân, tổ chức tín dụng, doanh nghiệp viễn thông cung cấp thông tin có liên quan để xác minh, xử lý các hành vi bị cấm, tăng cường cơ chế phối hợp giám sát giữa UBCK với các cơ quan khác như thuế, đăng ký kinh doanh, với các cơ quan quản lý TTCK các nước, nâng mức phạt tiền hành chính tối đa đối với các hành vi vi phạm về chứng khoán và TTCK.

Việc xây dựng các văn bản quy định chi tiết Luật Chứng khoán năm 2019 đã được UBCK tham mưu giúp Bộ Tài chính triển khai thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật, hoàn thành bảo đảm chất lượng, đúng thời hạn theo yêu cầu của Chính phủ.

Đến nay, Chính phủ đã ban hành 5 nghị định và Bộ Tài chính đã 15 thông tư quy định chi tiết thi hành và hướng dẫn thực hiện Luật.

Bảo đảm nền tảng pháp lý cho TTCK hoạt động bền vững

Luật Chứng khoán năm 2019 và các văn bản quy định chi tiết thi hành và hướng dẫn thực hiện nêu trên đã tạo khung khổ pháp lý tương đối đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, phù hợp với các chuẩn mực và thông lệ tốt của quốc tế, góp phần thúc đẩy thị trường phát triển an toàn, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn phát sinh và thông lệ quốc tế, bảo đảm nền tảng pháp lý cần thiết cho giai đoạn phát triển mới của TTCK.

Việc thi hành pháp luật về chứng khoán và TTCK hiện hành góp phần cải thiện chất lượng hàng hóa, chất lượng các doanh nghiệp trên TTCK, thu hút vốn đầu tư của nhà đầu tư trong và ngoài nước trên TTCK, nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động của các chủ thể tham gia thị trường, tăng tính công khai, minh bạch, bảo đảm TTCK hoạt động bền vững, an toàn, chuyên nghiệp, hiện đại.

Bên cạnh đó, Luật cũng tạo cơ sở nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, giám sát và cưỡng chế thực thi, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, tăng niềm tin của thị trường.

Qua đó, khuyến khích mạnh mẽ tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế và các tầng lớp nhân dân tham gia đầu tư và hoạt động trên TTCK, tạo ra kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, góp phần nâng tầm TTCK Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế sâu rộng trong tình hình mới.

Tin bài liên quan