Hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp nở rộ trong vài năm gần dây .

Hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp nở rộ trong vài năm gần dây .

Siết trái phiếu doanh nghiệp: Thêm “vòng kim cô”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 153/2020/NĐ-CP với nội dung siết lại hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Rủi ro từ bùng nổ phát hành trái phiếu “3 không”

Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) đã ban hành quyết định xử phạt hành chính hai tổ chức phát hành và một công ty chứng khoán vì vi phạm các quy định liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Trước đó, trên cơ sở những phản ánh của báo chí và cảnh báo của Bộ Tài chính, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký công điện yêu cầu bộ này thanh, kiểm tra việc phát hành, sử dụng vốn thu được từ trái phiếu doanh nghiệp, nhất là trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp bất động sản.

Theo Bộ Tài chính, 11 tháng đầu năm nay, có 826 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp với tổng khối lượng phát hành trên 495.000 tỷ đồng.

Trong đó, có tới 803 đợt phát hành riêng lẻ, chiếm 94,5%. Đáng lưu ý, một nửa số trái phiếu doanh nghiệp nói trên không có tài sản đảm bảo, số còn lại chủ yếu được đảm bảo bằng cổ phiếu của chính doanh nghiệp phát hành hoặc các dự án hình thành trong tương lai, vốn có tính biến động rất cao và khó định giá chính xác.

Thậm chí, trong số hơn 100 doanh nghiệp bất động sản phát hành riêng lẻ đầu năm 2021, có tới 26 doanh nghiệp thua lỗ trong 6 tháng đầu năm.

Luật Chứng khoán và Nghị định 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ quy định, doanh nghiệp huy động vốn trái phiếu riêng lẻ theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm, cơ quan quản lý nhà nước không cấp phép phát hành.

Nghị định 153/2020/NĐ-CP yêu cầu đối tượng mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp (có chứng chỉ hành nghề, nắm giữ danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch có giá trị tối thiểu 2 tỷ đồng, có thu nhập chịu thuế năm gần nhất tối thiểu 1 tỷ đồng). Tuy vậy, nhiều công ty chứng khoán sẵn sàng nhận một khoản phí để “phù phép” biến nhà đầu tư cá nhân thành nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Hậu quả là thời gian qua, trái phiếu “3 không” (không tài sản đảm bảo, không xếp hạng tín nhiệm, không bảo lãnh thanh toán) xuất hiện tràn lan trên thị trường, tiềm ẩn rủi ro lớn cho nhà đầu tư và cho cả hệ thống tài chính.

Chấp nhận tăng trưởng chậm lại để đổi lấy ổn định

Theo Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), thị trường trái phiếu Việt Nam đang phát triển ở mức nhanh hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Chỉ tính riêng giai đoạn 2017 - 2020, tăng trưởng trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 70%, mức cao nhất từ trước tới nay.

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam nhận định, trong 10 năm qua, tốc độ tăng trưởng bình quân của thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam đạt 30%, quy mô xấp xỉ 14% GDP, là một trong những thị trường trái phiếu doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao nhất châu Á.

Trái phiếu doanh nghiệp đang làm tốt vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn, vốn là điểm yếu của hệ thống ngân hàng thương mại hiện nay, chủ yếu cung cấp tín dụng ngắn hạn và dịch vụ ngân hàng.

Tuy vậy, nhận diện sự bất ổn của thị trường, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 153 với nội dung tạo thêm “vòng kim cô” cho phát hành trái phiếu riêng lẻ.

Dự thảo sửa đổi quy định về mục đích phát hành trái phiếu nhằm tăng cường trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp trong việc sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu; bổ sung quy định về xếp hạng tín nhiệm đối với một số loại trái phiếu phát hành; bổ sung quy định về đại diện người sở hữu trái phiếu để tăng cường việc giám sát mục đích sử dụng vốn và việc thực hiện các cam kết khác của doanh nghiệp phát hành; thiết lập thị trường thứ cấp giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại sở giao dịch chứng khoán cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp nhằm tăng tính thanh khoản của thị trường…

Ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị FECON cho biết, FECON phát hành trái phiếu doanh nghiệp với tỷ trọng nguồn vốn khoảng 20%/năm. Đây là công cụ tốt cho đầu tư phát triển cũng như hoạt động kinh doanh của Công ty. Theo ông Khoa, việc quản lý chặt là cần thiết, tránh rủi ro cho thị trường.

Đại diện Công ty cổ phần Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy (mã TCH), doanh nghiệp bất động sản có phát hành trái phiếu doanh nghiệp tại một số dự án nhận định, xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp nói chung, trái phiếu nói riêng là văn minh. Phần lớn doanh nghiệp tự công bố báo cáo, bao gồm cả “chế biến” báo cáo nên độ tin cậy không cao.

“Nhà đầu tư nếu không có thời gian nghiên cứu báo cáo doanh nghiệp thì nên chọn mua trái phiếu của doanh nghiệp có xếp hạng tín nhiệm”, vị đại diện nói.

Khi được hỏi, liệu việc siết chặt phát hành trái phiếu bằng xếp hạng tín nhiệm có làm giảm quy mô của thị trường khi mà chưa có nhiều doanh nghiệp đáp ứng được hết các tiêu chí xếp hạng, ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc môi giới hội sở, Công ty Chứng khoán Mirae Asset cho rằng, trong ngắn hạn, phải chấp nhận lượng trái phiếu phát hành mới trên thị trường sẽ giảm nhẹ, nhưng cái thu được là đảm bảo hoạt động giao dịch trái phiếu doanh nghiệp ngày càng ổn định, chất lượng, tránh trường hợp như quả "bom nợ" của Tập đoàn Evergrande tại Trung Quốc vừa rồi.

Ông Tuấn khuyến nghị thêm, cần xây dựng hành lang pháp lý cho các giao dịch của tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán (hiện chiếm 3/4 tỷ trọng nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp). Về dài hạn, cần hướng đến việc xếp hạng các nhà phát hành trái phiếu doanh nghiệp, từ đó quản trị rủi ro tại các tổ chức tín dụng.

Trong khi đó, TS. Phan Phương Nam, Phó trưởng khoa Luật Thương mại, Đại học Luật TP.HCM khuyến nghị, cơ quan quản lý cần mạnh tay hơn với hành vi sử dụng vốn trái phiếu sai mục đích. Khi xảy ra vi phạm nói trên, cần yêu cầu đơn vị phát hành trái phiếu điều chỉnh để sử dụng đúng mục đích công bố, nếu không làm được thì phải hoàn trả cả gốc và lãi cho nhà đầu tư trước hạn.

Ông Nam cũng góp ý thêm, cần tạo cơ chế cho nhà đầu tư khởi kiện tập thể khi bị đơn vị phát hành vi phạm cam kết.

Mặc khác, cần sửa quy định về điều kiện phát hành trái phiếu là không vi phạm các quy định về sử dụng vốn từ những lần phát hành trước, trong một khoảng thời gian nhất định, để hạn chế trường hợp vi phạm khi phát hành lần một, đến lần hai, lần ba lại vi phạm tiếp.

Thiếu vắng tổ chức xếp hạng tín nhiệm

Hiện tại, Việt Nam mới có hai công ty được cấp phép cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm là Công ty Cổ phần FiinGroup

(FiinRatings) và Công ty cổ phần Sài Gòn Phát Thịnh (Phát Thịnh Ratings). Theo Quyết định 507/QĐ-Ttg ngày 17/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển dịch vụ định mức tín nhiệm đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030, quy hoạch đến năm 2030, cả thị trường có tối đa 5 công ty xếp hạng tín nhiệm.

Ngân hàng ADB nhận định, việc thiếu vắng sự tham gia của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm ở Việt Nam khiến thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam mới mạnh về phía cung mà chưa mạnh về phía cầu, cho dù sức mua trên thị trường gia tăng đáng kể thời gian qua.

Tin bài liên quan