Trung Quốc đã sản xuất được siêu máy tính hiệu suất cao sử dụng bộ vi xử lý nội địa. Ảnh minh họa: AFP

Trung Quốc đã sản xuất được siêu máy tính hiệu suất cao sử dụng bộ vi xử lý nội địa. Ảnh minh họa: AFP

Siêu máy tính của Trung Quốc mạnh cỡ nào?

0:00 / 0:00
0:00
Cạnh tranh công nghệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới lại nóng lên khi Mỹ bổ sung 7 thực thể siêu máy tính của Trung Quốc vào danh sách đen.

Trung Quốc đang nắm trong tay siêu máy tính với hiệu suất tầm quốc tế, hiện chỉ đứng sau Nhật Bản và Mỹ. Siêu máy tính là nguồn tài nguyên chiến lược ngày càng quan trọng và chúng trở thành biểu tượng của sức mạnh công nghệ.

Mới đây Mỹ viện lý do lo ngại việc Trung Quốc sử dụng siêu máy tính cho các chương trình vũ khí để 7 thực thể siêu máy tính của Trung Quốc vào danh sách đen nhằm ngăn chặn công nghệ Mỹ bị đánh cắp. Các siêu máy tính cũng có thể được dùng những các mục đích "lành" hơn như lập bản đồ bộ gen người và dự báo thời tiết.

Siêu máy tính hiện cũng được sử dụng rộng rãi trong các ứng dụng thương mại, bao gồm thu thập dữ liệu lớn, thăm dò năng lượng, và thậm chí phát triển các trò chơi điện tử và trí tuệ nhân tạo.

Dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã đưa 5 thực thể siêu máy tính của Trung Quốc vào danh sách đen, bao gồm: Sugon, Viện Công nghệ Máy tính Giang Nam Vô Tích, Higon, Công ty sản xuất vi mạch Chengdu Haiguang Integrated Circuit, và Công ty công nghệ vi điện tử Chengdu Haiguang Microelectronics Technology.

Nhìn vào danh sách đen lần này, Mỹ đã nhắm vào 4 trong 7 trung tâm siêu máy tính đầu não của Trung Quốc, bao gồm: Trung tâm siêu máy tính quốc gia Tế Nam, Trung tâm siêu máy tính quốc gia Thâm Quyến, Trung tâm siêu máy tính quốc gia Vô Tích, và Trung tâm siêu máy tính quốc gia Trịnh Châu; cùng với 3 đơn vị sản xuất khác gồm: Công ty công nghệ thông tin Phytium Thiên Tân, Công ty vi điện tử Sunway Thành Đô, và Trung tâm thiết kế vi mạch tích hợp hiệu suất cao Thượng Hải.

Siêu máy tính nhanh thứ 4 thế giới

Các siêu máy tính của Trung Quốc đạt hiệu suất "có số má" trên thế giới. Theo nhật báo South China Morning Post, Trung tâm siêu máy tính quốc gia Vô Tích (tỉnh Giang Tô) là nơi đặt siêu máy tính nhanh nhất Trung Quốc, nhanh thứ tư trên thế giới. Đây là siêu máy tính Sunway TaihuLight được phát triển bởi Trung tâm nghiên cứu quốc gia về công nghệ và kỹ thuật máy tính song song (NRCPC) có trụ sở tại tỉnh Giang Tô. Siêu máy tính này được tài trợ phát triển bởi Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, chính quyền tỉnh Giang Tô, và chính quyền thành phố Vô Tích.

Theo danh sách Top 500 siêu máy tính hàng đầu thế giới được các nhà nghiên cứu tổng hợp và công bố lần gần đây nhất vào tháng 11/2020, siêu máy tính Sunway TaihuLight đạt hiệu suất cao nhất 93 petaflop (petaflop là thước đo 1/4 tỷ hoặc 1 triệu tỷ phép tính mỗi giây), dựa theo điểm chuẩn Linpack hiệu suất cao (HPL) - một phép đo hiệu suất của siêu máy tính.

Trong khi đó, siêu máy tính nhanh nhất thế giới thuộc về Fujitsu Fugaku của Nhật Bản với hiệu suất lên tới 415 petaflop. Siêu máy tính nhanh thứ 2 và thứ 3 thế giới do Mỹ sở hữu.

Trở lại với vai trò của Trung tâm siêu máy tính quốc gia Vô Tích, trung tâm này chuyên cung cấp máy tính hiệu suất cao cho các dự án nghiên cứu và phát triển trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ y sinh, khoa học biển, thăm dò dầu khí, đến phân tích tài chính.

Trung tâm siêu máy tính quốc gia Tế Nam và Trung tâm siêu máy tính quốc gia Thâm Quyến đều bắt đầu hoạt động từ năm 2011. Trong đó, Trung tâm siêu máy tính quốc gia Tế Nam là nơi sản sinh ra siêu máy tính Sunway BlueLight, cho công suất đạt đỉnh 1 petaflop. Với 142 chuyên viên nghiên cứu tính đến cuối năm 2019, Trung tâm siêu máy tính quốc gia Tế Nam tập trung giải quyết các “nút thắt cổ chai” trong nhiều lĩnh vực, trong đó có năng lượng mới và an ninh thông tin.

Trong khi đó, Trung tâm siêu máy tính quốc gia Thâm Quyến chuyên cung cấp dịch vụ điện toán đám mây và điện toán hiệu suất cao kể từ năm 2012 và 2013. Trong 10 năm hoạt động, trung tâm này đã phục vụ hơn 30.000 khách hàng ở Trung Quốc và Đông Nam Á.

Còn Trung tâm siêu máy tính quốc gia Trịnh Châu là trung tâm siêu máy tính quốc gia mới nhất của Trung Quốc. Trung tâm này hoạt động trực tuyến vào tháng 11 năm ngoái, chuyên cung cấp dịch vụ tính toán và xử lý dữ liệu cho doanh nghiệp, trường cao đẳng, và đại học ở tốc độ đường truyền 200 Gbps. Nhiệm vụ chính của Trung tâm siêu máy tính quốc gia Trịnh Châu là tập trung giải quyết các vấn đề liên quan đến kinh tế số, quản trị môi trường, thiết bị cao cấp và trí tuệ nhân tạo.

Siêu máy tính sử dụng bộ vi xử lý nội địa

Công ty vi điện tử Sunway Thành Đô chịu trách nhiệm cung cấp chip cho siêu máy tính nhanh nhất Trung Quốc. Công ty này cho biết Sunway TaihuLight là siêu máy tính đầu tiên của Trung Quốc sử dụng bộ vi xử lý được sản xuất trong nước. Siêu máy tính này sử dụng bộ vi xử lý Sunway SW26010 được phát triển bởi Trung tâm thiết kế vi mạch tích hợp hiệu suất cao Thượng Hải.

Được thành lập vào năm 2003, Trung tâm thiết kế vi mạch tích hợp hiệu suất cao Thượng Hải nằm trong Khu công nghệ cao Trương Giang, quận Phố Đông, thành phố Thượng Hải. Trung tâm này trực thuộc Ủy ban Khoa học và Công nghệ Thượng Hải (STCSM), có nhiệm vụ tự phát triển các bộ vi xử lý hiệu suất cao. Trong đó, có chip SW26010 phục vụ siêu máy tính Sunway TaihuLight, theo thông tin từ trung tâm nghề nghiệp thuộc Đại học Giao thông Tây An.

Mỗi bộ vi xử lý 64-bit có 260 lõi và mỗi lõi có tốc độ xung nhịp 1,45 GHz, theo một bài báo của Đại học Tennessee. Sunway TaihuLight đạt được hiệu suất 93 petaflop bằng cách kết hợp gần 41.000 bộ vi xử lý.

Mạng lưới của Phytium Thiên Tân "khủng" cỡ nào?

Công ty công nghệ thông tin Phytium Thiên Tân chuyên thiết kế, sản xuất và kinh doanh chất bán dẫn hiệu suất cao cho các máy chủ internet và máy tính. Đơn vị này được thành lập vào năm 2014 với sự hỗ trợ của chính quyền thành phố Thiên Tân, một thành phố phía Đông Nam Bắc Kinh.

Theo thông tin trên website của công ty này, các chip do hãng này sản xuất sử dụng kiến trúc được cấp phép bởi Công ty thiết kế chip ARM của Anh. ARM trước đó đã bị cuốn vào cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung nhưng họ đã tìm cách xoa dịu những lo ngại bằng tuyên bố rằng kiến trúc V9 của họ không thuộc diện bị hạn chế xuất khẩu của Mỹ.

Sau 7 năm thành lập, Công ty công nghệ thông tin Phytium Thiên Tân đã thiết lập quan hệ đối tác với hơn 1.600 công ty và chuyên cung cấp dịch vụ cho khách hàng trong nhiều lĩnh vực, từ cơ quan chính phủ, viễn thông, ngân hàng, năng lượng, và vận tải. Website của Phytium Thiên Tân liệt kê một số đối tác "đồng hương" lớn, đơn cử nhà sản xuất thiết bị viễn thông ZTE, Công ty phát triển công cụ tìm kiếm internet Baidu, Công ty khởi nghiệp chip AI Cambricon, và "ông trùm" camera Hikvision. Trước đó, Hikvision cũng bị Mỹ liệt vào danh sách đen trong năm 2019.

Công ty công nghệ thông tin Phytium Thiên Tân chưa đưa ra bình luận về việc bị liệt vào danh sách đen của Mỹ.

Tin bài liên quan