SJC hết thời “bất kham”

SJC hết thời “bất kham”

Quyết định số 1623/QĐ-NHNN về tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng vừa được Ngân hàng nhà Nước (NHNN) ban hành liệu có khắc phục được thực trạng “bất kham” của SJC?

Sự kỳ vọng SJC như một công cụ điều tiết thị trường vàng miếng trong thời gian qua đã không thành hiện thực, thậm chí nó còn là nguyên nhân gây bất ổn thị trường. Quyết định số 1623/QĐ-NHNN về tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng vừa được Ngân hàng nhà Nước (NHNN) ban hành liệu có khắc phục được thực trạng “bất kham” của SJC?

SJC hết thời “bất kham” ảnh 1

Sau 3 tháng Nghị định 24/2012/ NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng (NĐ 24) có hiệu lực và sau khoảng 1 tháng rưỡi Thông tư số 16/2012/TT-NHNN (TT 16) hướng dẫn một số điều của Nghị định trên có hiệu lực, NHNN cũng đã ban hành Quyết định số 1623/QĐ-NHNN (QĐ 1623) về việc tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng, trong đó có quy định về sản xuất vàng và quy trình chuyển đổi vàng miếng khác thành vàng miếng SJC. Quyết định này ra đời trong bối cảnh vàng SJC đang có những phản ứng tiêu cực đối với thị trường. Đặc biệt là việc bất cập trong thu mua vàng SJC móp méo cũng như thời hạn thực hiện chuyển đổi vàng miếng theo TT 16 không còn nhiều.

 

Cởi trói

Theo QĐ 1623, NHNN giao Cty TNHH Một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC (SJC) gia công vàng miếng cho NHNN. Để tiết kiệm chi phí của xã hội, NHNN không thành lập bộ máy, nhập dây chuyền sản xuất thương hiệu vàng miếng mới mà sẽ sử dụng dây chuyền sản xuất và thương hiệu vàng miếng của SJC. SJC không được tiếp tục sản xuất vàng miếng mà chỉ được gia công vàng miếng SJC 99,99% cho NHNN theo chỉ đạo của NHNN về hạn mức, thời điểm sản xuất và nguồn vàng nguyên liệu để tổ chức sản xuất vàng miếng và dưới sự quản lý, giám sát chặt chẽ của NHNN.

Việc chuyển đổi từ cơ chế cấp phép sản xuất vàng miếng cho DN sang cơ chế nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng là một thay đổi lớn. Nó không chỉ cởi trói cho SJC khỏi tiếng xấu độc quyền mà còn có thể giải quyết được bài toán thu mua vàng miếng móp méo trên thị trường (trước đó SJC phải hạn chế thu mua vàng miếng móp méo trên thị trường vì không thể tiếp tục gia công sau khi máy móc thiết bị gia công vàng miếng của Cty đã thuộc quản lý của NHNN theo NĐ 24.

Theo NHNN, quyết định này tạo cơ sở pháp lý để NHNN tổ chức sản xuất vàng miếng nhằm bổ sung nguồn cung vàng miếng, can thiệp thị trường khi cần thiết cũng như cho phép thực hiện việc chuyển đổi vàng miếng khác sang vàng miếng SJC và gia công lại vàng miếng SJC móp méo, biến dạng.

Cụ thể, QĐ 1623 gồm 15 điều quy định về các nguyên tắc tổ chức sản xuất vàng miếng, nguồn vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, quy trình gia công vàng miếng tương ứng với từng loại vàng nguyên liệu.

Trên cơ sở chi phí gia công, thuế áp dụng và lợi nhuận dự tính, mức phí gia công vàng miếng SJC trong giai đoạn hiện nay là 50.000 đồng/lượng. Trong quy trình chuyển đổi vàng miếng khác thành vàng miếng SJC, Quyết định này nêu rõ: Tổ chức tín dụng, DN kinh doanh mua, bán vàng miếng quy định của pháp luật gửi văn bản đề nghị NHNN (Vụ Quản lý Ngoại hối) cho phép chuyển đổi vàng miếng khác có nguồn gốc hợp pháp, hợp lệ thành vàng miếng SJC. Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị về việc chuyển đổi vàng, NHNN có văn bản chấp nhận hoặc không chấp nhận đề nghị này.

Trường hợp chấp thuận, NHNN sẽ gửi văn bản chấp thuận cho tổ chức, DN kinh doanh mua, bán vàng miếng đã có đề nghị chuyển đổi vàng, đồng thời gửi Cty SJC để thực hiện gia công.

Căn cứ vào văn bản chấp thuận của NHNN, các tổ chức tín dụng hoặc DN kinh doanh vàng ký kết hợp đồng gia công vàng miếng SJC với Cty SJC, để tiến hành gia công và giao sản phẩm.

Việc giao nhận, kiểm định vàng nguyên liệu, gia công vàng miếng SJC và bàn giao sản phẩm vàng miếng SJC thực hiện dưới sự giám sát của tổ giám sát gia công vàng miếng của NHNN chi nhánh TP HCM.

 

Nhiều nhưng chưa đủ

QĐ 1623 là cơ sở để NHNN tổ chức sản xuất vàng miếng căn cứ vào mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ và cung cầu vàng miếng trên thị trường. Và với QĐ này về bản chất thương hiệu SJC đã bị khai tử thay vào đó là thương hiệu vàng miếng quốc gia SJC. Tuy nhiên một câu hỏi được đặt ra là khi NHNN đã độc quyền về vàng miếng thì có độc quyền về giá vàng miếng trên thị trường? Cơ chế kiểm soát và điều tiết giá SJC như thế nào cho linh hoạt và phù hợp?

Cũng phải nói thêm rằng ngay trước thời điểm QĐ 1623 ban hành và có hiệu lực SJC đã có cuộc “nổi loạn” trên thị trường vàng khi bất tuân theo quy luật của giá vàng thế giới, cao hơn giá vàng trên thị trường thế giới tính theo tỉ giá quy đổi gần 3 triệu đồng/lượng. Chỉ riêng giá vàng SJC tăng chóng mặt như vậy còn các thương hiệu vàng miếng khác gần như đứng nguyên. Và liệu QĐ 1623 có thay đổi được thực trạng.

Trên thực tế QĐ 1623 mới chỉ hướng tới giải quyết bài toán cung - cầu của thị trường vàng miếng, tức là tập trung vào khâu phân phối và sản xuất chứ chưa tính đến việc kiểm soát giá. Theo Thông tư số 16/2012/TT-NHNN, thời hạn chuyển tiếp đối với hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng là 6 tháng kể từ ngày thông tư này có hiệu lực (từ 10/7/2012). Và theo quy định tại QĐ 1623 (có hiệu lực từ ngày 23/8), trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị về việc chuyển đổi vàng, NHNN có văn bản chấp nhận hoặc không chấp nhận đề nghị này. Như vậy, chỉ còn khoảng hơn 4 tháng cho việc thực hiện chuyển đổi sang vàng miếng SJC. Liệu từng đó thời gian có đảm bảo cho việc thực hiện chuyển đổi khi mà chúng ta chưa có số liệu thống kê một cách đầy đủ về số lượng vàng miếng đang tồn tại? Và khi sản xuất không đáp ứng được nhu cầu thì có tiếp tục xảy ra tình trạng “một mình một ngựa” như SJC đã làm trong thời gian qua?

NĐ 24, TT 16, và mới nhất là QĐ 1623 đã đưa ra khá nhiều quy định, chế tài nhưng tuyệt nhiên không có chế tài nào quy định biên độ giữa giá mua- bán cũng như giữa giá vàng trong nước và thế giới. Phải chăng đó là lý do mà SJC trở thành “con ngựa bất kham”?

Mong muốn giá vàng trong nước tiệm cận với giá vàng thế giới dường như vẫn là xa vời đối với các nhà đầu tư. Một thị trường rất nhạy cảm và thường xuyên biến động nhưng xem ra các nhà quản lý không vội và có lẽ sẽ phải tiếp tục chờ thêm những quy định mới bổ xung?

Giá vàng SJC sáng 23/8 đã tăng 1 triệu đồng mỗi lượng, lên 44,7 triệu đồng/lượng sau khi giá vàng thế giới tăng 23 USD/ounce, lên 1.663 USD/ounce. Đến cuối ngày giá bán vàng SJC hạ nhiệt còn 44,45 triệu đồng/lượng.

Cũng vào tuần vừa rồi, thị trường vàng lại có một đợt dậy sóng đáng kể. Tuy nhiên, khi giải thích về sự liên thông giữa chính sách mới về quản lý vàng và giá vàng, nhiều chuyên gia khẳng định: “không phải thông tin về chính sách này khiến giá vàng tăng. Bởi thông tin về việc quy vàng về một mối đã xác định từ lâu, vấn đề chỉ là cách thức thực hiện. Sóng vàng nổi lên trong tuần qua thực tế bắt nguồn từ tâm lý bởi vụ việc khác. Tuy nhiên, đến nay, người dân đã ổn định được tâm lý và giá vàng cũng không còn “nhảy múa”.

 

“Sóng đã lặng”

Sau hơn 1 tuần dậy sóng, giá vàng trong nước đã có xu hướng quay đầu giảm nhiệt và về quanh mốc 44 triệu đồng/ lượng. Nhưng trước đó, cũng phải nói rằng sóng vàng đã khiến nhiều nhà đầu tư nôn nao.

Sáng ngày 21/8/2012, giá vàng bắt đầu biến động cùng USD tự do leo thang. Vàng tăng vọt lên mức 43 triệu đồng/ lượng, mức đỉnh của hơn 4 tháng. Giới kinh doanh vàng cho rằng nguyên nhân phía sau sự biến động giá bất ngờ này của vàng là tình trạng cung cầu “bất bình thường”, trong đó có cả nguyên nhân vàng miếng SJC bị bóp méo còn tồn đọng nhiều khiến các tiệm vàng không mua được vàng bán ra, bắt buộc phải tăng giá. Sang ngày 22/8/2012, giá vàng trong nước, bao gồm tất cả các loại vàng miếng “phi SJC” đội thêm khoảng 600.000 đồng/ lượng mà cần không yếu tố hỗ trợ từ sự tăng giá của giá vàng thế giới. Giá vàng trong nước đạt đỉnh của gần 5 tháng, xác lập ở mức 43,75 triệu đồng/lượng để rồi duy trì đà thẳng tiến nhắm mốc 45 triệu đồng/ lượng, tăng vọt 1 triệu đồng/lượng và cao hơn giá vàng thế giới gần 3 triệu đồng/lượng vào ngày hôm sau. Tuy nhiên, nguyên nhân khiến giá vàng trong nước tăng cao cũng có thể đã nhận thấy khá rõ ràng khi dù chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế ở mức cao, nhưng thị trường đang đi theo chiều thuận khi giá vàng trên thị trường thế giới cũng quay đầu tăng mạnh. Bắt đầu từ đêm 21/8, giá vàng thế giới đã vượt qua ngưỡng kháng cự 1.630 USD/ounce và lên mức cao nhất trong 3,5 tháng qua. Giới đầu tư đang chứng tỏ kỳ vọng lớn vào chương trình kích thích kinh tế mới của Ngân hàng Trung ương Châu Âu với các tín hiệu hỗ trợ cho Italia và Tây Ban Nha giảm nợ, đồng thời dự đoán và đón lỏng một gói nới lỏng định lượng mới (QE3) của Mỹ, gây áp lực gia tăng của vàng.

Ngày 24/8/2012, giá vàng trong nước bất ngờ giảm nhiệt, trong khi vàng quốc tế vẫn tăng. Một sự lý giải về sự cân bằng cung cầu trong nước lúc này xem ra chưa hẳn là hợp lý, nhưng ít nhất những biện pháp can thiệp kịp thời của NHNN đã khiến giá vàng trong nước trở nên “bình tĩnh”. Vàng lùi xuống mốc 44 triệu đồng/ lượng đã ổn định quanh ngưỡng này, chưa có dấu hiệu sẽ tăng trở lại. Nhưng liệu đà ổn định trước mắt này có giữ vững được hay không, chắc chắn không chỉ những hiệu ứng dài hạn của chính sách vàng, mà còn chịu tác động từ thị trường vàng thế giới.