Tính đến nay, FE Credit đã hoàn thiện xây dựng hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng dịch vụ cho vay trực tuyến cho hơn 230.000 khoản vay

Tính đến nay, FE Credit đã hoàn thiện xây dựng hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng dịch vụ cho vay trực tuyến cho hơn 230.000 khoản vay

Số hóa cho vay tiêu dùng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong lĩnh vực dịch vụ tài chính tiêu dùng, người dân có xu hướng đăng ký vay qua hình thức không tiếp xúc và thanh toán phi tiền mặt, điều này thúc đẩy các công ty tài chính thực hiện chuyển đổi số.

Chiếm thị phần bằng số hóa

Từ năm ngoái, đại dịch Covid-19 khiến các tổ chức, doanh nghiệp đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong hoạt động nhằm thích ứng với bối cảnh mới. Xu hướng này cũng diễn ra tại các công ty tài chính và dự báo sẽ định hình lại thị trường tài chính tiêu dùng trong thời gian tới.

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho hay, hiện nay có khoảng 47% người Việt tham gia vay tiền, nhưng phần lớn vay từ người thân, bạn bè, hoặc tìm đến “tín dụng đen”, chỉ có 18,5% vay từ tổ chức tín dụng và các tổ chức tài chính. Chính vì thế, tiềm năng phát triển của thị trường tài chính tiêu dùng vẫn còn rất lớn, với dân số gần 100 triệu người, nền kinh tế tăng trưởng cao và ổn định, thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh…

Trong những năm gần đây, thị phần cho vay tiêu dùng phát triển nhanh, nhưng quy mô còn nhỏ, tập trung vào một số công ty, trong đó 3 công ty tài chính lớn nhất chiếm đến hơn 75% thị phần. Trong bối cảnh mới, các công ty tài chính dù lớn hay nhỏ cũng cần rà soát, điều chỉnh chiến lược kinh doanh, phát triển mô hình kinh doanh mới phù hợp với xu hướng thị trường trong và sau dịch bệnh Covid-19. Đồng thời, chú trọng quản trị rủi ro tín dụng và tiết giảm chi phí để tối ưu hóa hoạt động, cân đối phù hợp giữa rủi ro và lãi suất cho vay.

Thị phần cho vay tiêu dùng phát triển nhanh, nhưng quy mô còn nhỏ, tập trung vào một số công ty, trong đó 3 công ty tài chính lớn nhất chiếm đến hơn 75% thị phần.

Thực tế, nhiều công ty tài chính đã có những thay đổi đáng kể, nhất là trong việc ứng dụng công nghệ để cung cấp các dịch vụ và quản lý khoản vay.

Đại diện FE Credit cho biết, nắm bắt xu hướng thị trường, Công ty đã và đang nỗ lực thực hiện chuyển đổi số, nhằm nâng cao trải nghiệm cho khách hàng. Công ty bắt tay với nhiều đối tác và các công ty công nghệ tài chính (Fintech) như MyCash Fintech, EY, Vymo, UBank… để tối ưu hóa ứng dụng và xây dựng hệ sinh thái số mới. Ứng dụng cho vay trên điện thoại như FE Mobile hay $NAP giúp khách hàng thực hiện các giao dịch, thủ tục mọi lúc, mọi nơi. Tính đến nay, Công ty đã hoàn thiện xây dựng hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng dịch vụ cho vay trực tuyến cho hơn 230.000 khoản vay, trung bình 350 khoản vay/ngày thông qua ứng dụng $NAP.

Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh đã giúp FE Credit đạt được những kết quả khả quan trong bối cảnh dịch bệnh. Tính đến hết tháng 12/2020, tổng dư nợ của Công ty đạt 66.045 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2019; hệ số an toàn vốn (CAR) tăng từ 15,19% lên 19,14%; tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) đạt 27,6%, giảm so với năm 2019…

Tại Home Credit, trong đợt dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn Thủ đô Hà Nội tháng 4/2020, công ty này ghi nhận lượt thanh toán không dùng tiền mặt tăng hơn 50% so với 6 tháng trước. Trong bối cảnh đó, Home Credit vẫn có thể thích ứng nhanh nhờ chiến lược chuyển đổi số được triển khai nhiều năm trong vận hành kinh doanh và chăm sóc khách hàng.

Toàn bộ quy trình từ bán hàng cho đến thanh toán khoản vay được số hóa, không còn hợp đồng giấy, thủ tục thẩm định rườm rà, thay vào đó là sự tinh gọn, đơn giản, kết quả duyệt có ngay.

Công tác giải ngân và thanh toán khoản vay cũng trở nên thuận tiện nhờ sự hợp tác của Home Credit với các đối tác cung cấp phương thức thanh toán trực tuyến như Momo, Zalopay, Airpay… Ngoài ra, khách hàng có thể sử dụng ứng dụng Home Credit Vietnam để thanh toán hóa đơn tiền điện, tiền nước và nạp tiền điện thoại trả trước.

Quản lý rủi ro bằng công nghệ

Đẩy mạnh cho vay tiêu dùng nếu không được kiểm soát tốt theo đúng mục đích và đối tượng sẽ tiềm ẩn rủi ro.

Cách đây 3 năm, có những ý kiến quan ngại về câu chuyện cạnh tranh giữa ngân hàng với các công ty công nghệ tài chính (Fintech), cho vay ngang hàng (P2P), nhưng gần đây, quan điểm này đã thay đổi. Vấn đề cần đặt ra là xây dựng hệ sinh thái, song hành cùng các công ty Fintech, P2P, ngân hàng.

Theo ông Nguyễn Mạnh Khang, Giám đốc khối công nghệ thông tin Mcredit, hiện hầu hết công ty tài chính tiêu dùng ứng dụng công nghệ trong cung cấp các dịch vụ, đánh giá tiềm năng khách hàng và quản lý khoản vay. Việc kiểm soát rủi ro khi khách hàng đăng ký online bằng cách xác nhận định danh qua eKYC, đồng thời qua số điện thoại, số chứng minh thư và chữ ký số của khách hàng.

Trước đây, công nghệ nhận dạng khuôn mặt có độ chính xác không cao, nhưng hiện nay có mức độ chính xác rất cao, thậm chí nhận biết được người đó có thực sự đứng trước điện thoại hay không. Công nghệ tiên tiến còn giúp phân loại nợ, xác định các giai đoạn đòi nợ và trên ứng dụng của người dùng có lịch trả nợ để khách hàng cùng theo dõi, chủ động trả nợ.

Ông Khang chia sẻ, với những công nghệ cũ, các khoản vay của khách hàng gần đến ngày thu hồi mới nhắc nợ, nhưng công nghệ tiên tiến hiện nay có thể phân loại những khách hàng nào cần đòi nợ vào giai đoạn nào. Chẳng hạn, khách hàng có công việc đặc thù sẽ nhắc nợ sớm hơn. Ngoài ra, trên ứng dụng của khách hàng cũng có lịch trả nợ để cùng theo dõi, đảm bảo tăng tỷ lệ khách hàng chủ động trả nợ.

Để hạn chế rủi ro trong cho vay tiêu dùng, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, vấn đề quan trọng nhất là cần hoàn thiện việc xếp hạng tín nhiệm khách hàng dựa trên các tiêu chí tài chính (lương, thưởng, thu nhập khác, hạn mức chi tiêu) và tiêu chí phi tài chính (trình độ học vấn, tay nghề, việc làm, gia đình…). Khách hàng chưa có lịch sử tín dụng thì cho vay ít và đánh giá dần về lịch sử tín dụng để nâng hạng mức cho vay. Ngược lại, nếu khách hàng có “vết đen” trong lịch sử tín dụng thì nhà cung cấp vốn cương quyết không cho vay để thị trường tài chính tiêu dùng trở nên lành mạnh hơn.

Một số chuyên gia khuyến nghị, các công ty tài chính cần phát triển các nền tảng công nghệ phục vụ cho vay tiêu dùng, giảm chi phí; phối hợp phát triển các mô hình kinh doanh mới như Fintech, P2P, Mobile Money; triển khai chiến dịch tư vấn tốt từ trước, trong và sau quá trình khách hàng sử dụng dịch vụ - các chiến dịch này không chỉ giúp khách hàng tìm hiểu kỹ quy trình vay, thực hiện hợp đồng vay, hay thanh toán khoản vay, mà còn giúp nâng cao nhận thức của người dân về dịch vụ tài chính tiêu dùng.

Tin bài liên quan