Tín dụng ngân hàng nên hướng vào nhu cầu thực là người vay mua nhà, thay vì tín dụng bất động sản đầu tư, kinh doanh hay đẩy mạnh vốn cho chủ đầu tư dự án.

Tín dụng ngân hàng nên hướng vào nhu cầu thực là người vay mua nhà, thay vì tín dụng bất động sản đầu tư, kinh doanh hay đẩy mạnh vốn cho chủ đầu tư dự án.

Ngân hàng siết chặt các khoản vay kinh doanh bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các TCTD đã cắt giảm lãi suất biên và các phí phi lãi suất để tăng khả năng tiếp cận tín dụng của khách hàng, nhưng siết chặt các khoản vay kinh doanh bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng.

Kiểm soát chặt rủi ro trong cho vay đầu tư, kinh doanh bất động sản 

NHNN vừa công bố kết quả cuộc khảo sát điều tra xu hướng tín dụng các tổ chức tín dụng (TCTD) của Vụ Dự báo Thống kê. 

Theo đó, các TCTD “thắt chặt” hơn các yêu cầu về tài sản đảm bảo và xếp hạng tín nhiệm của khách hàng nhằm đảm bảo chất lượng tín dụng do rủi ro tín dụng, đặc biệt kiểm soát chặt hơn hơn điều kiện và điều khoản vay vốn đối với các khoản vay đầu tư kinh doanh bất động sản, chứng khoán và vay tiêu dùng.

Ngược lại, các điều kiện và điều khoản vay vốn được dự kiến “nới lỏng” hơn với các khoản vay cho sản xuất, kinh doanh và vay qua thẻ tín dụng trong 6 tháng cuối năm 2020.

Kết quả điều tra cũng cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2020, các TCTD đã đáp ứng nhu cầu vay vốn tổng thể của khách hàng ở mức độ cao hơn so với 6 tháng cuối năm 2019. Theo đó, 88,7% TCTD cho biết đã đáp ứng từ 75%-100% nhu cầu vay vốn, cao hơn tỷ lệ 84,3% của 6 tháng cuối năm 2019.

Chỉ có 11,3% TCTD cho biết đáp ứng dưới 75% nhu cầu tín dụng của khách hàng trong 6 tháng đầu năm 2020, nguyên nhân chính là do sự thay đổi khẩu vị rủi ro của đơn vị và diễn biến kinh tế.

Các ngành nghề được cho là động lực tăng trưởng tín dụng của hệ thống trong 6 tháng đầu năm 2020 là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ; xuất, nhập khẩu, xây dựng và dệt may.

Dự kiến trong 6 tháng cuối năm 2020, 49% TCTD kỳ vọng xuất nhập khẩu sẽ là động lực trưởng tín dụng của hệ thống, tiếp đến là bán buôn, bán lẻ (47%); dệt may (41%) và xây dựng (40%).

Siết ngân hàng mua vào trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản

Chính vì vốn tín dụng vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản bị kiểm soát chặt thời gian qua đã buộc các doanh nghiệp phải tìm nguồn vốn khác, trong đó có phát hành trái phiếu, lãi suất cao gấp đôi, gấp ba so với tiết kiệm ngân hàng, lên 10-13%/năm.

Báo cáo tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp 7 tháng của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy, giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp lên đến 179.500 tỷ đồng, với kỳ hạn phát hành bình quân 3,97 năm.

Trong đó, chỉ riêng tháng 7, giá trị phát hành của tổ chức tín dụng là 8.134,9 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 40,79%; các doanh nghiệp bất động sản là 6.993,9 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 35,07%.

Với việc phát hành trái phiếu lãi suất cao và được cho là nhiều ngân hàng mua vào trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản như một hình thức “đảo nợ” khoản vay.

Trước lo ngại trên, NHNN đang lấy ý kiến Dự thảo Thông tư quy định về việc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các nhà băng.

Cơ quan điều hành thị trường cho hay, thời gian qua, một số ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp nhằm cơ cấu lại nợ.

Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu doanh nghiệp tiếp tục gặp khó, không có khả năng trả nợ gốc, lãi trái phiếu đến hạn, dẫn đến việc phát hành thêm trái phiếu để tiếp tục cơ cấu lại nợ.

Vì vậy, Dự thảo quy định, nhà băng không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành với mục đích cơ cấu lại các khoản nợ. Khi một đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp với nhiều mục đích khác nhau, trong đó có mục đích cơ cấu lại khoản nợ thì ngân hàng cũng không được mua.

Đồng thời, TCTD chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%, trừ khi mua theo phương án cơ cấu lại đã được phê duyệt. Các nhà băng không được mua trái phiếu của doanh nghiệp có nợ xấu phát sinh trong một năm.

Theo lý giải của NHNN, điều này nhằm tránh tình trạng ngân hàng có nợ xấu cao nhưng vẫn mua bán trái phiếu doanh nghiệp.

Hạn chế rủi ro nợ xấu gia tăng trong bối cảnh dịch Covid-19

NHNN vừa ban hành Thông tư 08/2020/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 22/2019/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo hướng gia hạn thêm thời gian cho lộ trình “siết” vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn, không ít người liên tưởng vốn tín dụng vào bất động sản “dễ thở” hơn, song điều đó khó xảy ra.

Ngược lại, các TCTD càng phải kiểm soát chặt rủi tín dụng bất động sản trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp hiện nay.

Theo đó, lộ trình giảm tỷ lệ tối đa sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn của các ngân hàng được lùi thêm một năm so với quy định của Thông tư 22 đưa ra năm 2019. Cụ thể, từ ngày 1/1/2020 đến hết ngày 30/9/2021, tỷ lệ này được áp dụng 40%. Từ ngày 1/1/2021-30/9/2022 giảm còn 37%. Từ ngày 1/10/2022 đến 30/9/2023 giảm còn 34% và từ ngày 1/10/2023 là 30%. 

Trong khi, tại dự thảo trước đó, NHNN đề xuất 2 phương án lùi tỷ lệ này, phương án 1 là lùi 6 tháng và phương án 2 là lùi 1 năm so với quy định tại Thông tư 22. 

Theo Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng, đến cuối tháng 3/2020, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản tăng 1,23% so với cuối năm ngoái và chiếm 19,31% tổng dư nợ tín dụng.

Trong đó, dư nợ phục vụ nhu cầu về nhà ở chiếm khoảng 62,43% tổng dư nợ cho vay bất động sản.

Ðiều này cho thấy, tín dụng vẫn chảy vào bất động sản, cho dù ngành ngân hàng đang thực hiện lộ trình “siết” tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn trong thời gian qua và hiện đang kiểm soát ở tỷ lệ 40%.

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, để hỗ trợ thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, trong điều hành tín dụng, NHNN đã thực hiện nhiều giải pháp kiểm soát tín dụng để hạn chế rủi ro đối với lĩnh vực này, nhất là kiểm soát tín dụng đối với các dự án phân khúc cao cấp, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, hướng dòng vốn vào nhu cầu thực.

Chỉ xem xét cấp tín dụng đối với các dự án, phương án vay vốn khả thi, bảo đảm tính pháp lý, khách hàng có khả năng trả nợ đầy đủ, đúng hạn.

Hiện nay, do ảnh hưởng dịch Covid-19, các ngân hàng khó xử lý nợ xấu cũ thì nợ xấu mới có xu hướng tăng.

Báo cáo tài chính bán niên 2020 của các ngân hàng cho thấy, nợ xấu của ngân hàng có xấu hiệu tăng đòi hỏi phải trích dự phòng mức cao bao phủ nợ xấu. NHNN cũng cho rằng, trong bối cảnh dịch Covid-19 và thị trường bất động sản trầm lắng, ngân hàng đang đứng trước không ít khó khăn, rủi ro nợ xấu gia tăng.

Theo đánh giá sơ bộ của NHNN, dư nợ dự kiến bị ảnh hưởng Covid-19 khoảng 2 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 23% dư nợ toàn hệ thống, tiềm ẩn rủi ro đối với hoạt động ngân hàng. Trường hợp dịch diễn biến phức tạp, tỷ lệ này sẽ ở mức 3,7% vào cuối năm 2020, có thể cao hơn tùy thuộc vào sự phục hồi của nền kinh tế.

Do đó, tín dụng bất động sản phải được sàng lọc và đầu tư vào những dự án có hiệu quả.

TS Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia cũng cho rằng, để tránh bài học tín dụng bất động sản tăng cao như thời kỳ 2008-2009 để lại bài học nợ xấu mà ngành ngân hàng vẫn đang xử lý thì việc kiểm soát chặt tín dụng bất động sản là cần thiết. 

Theo TS Trần Du Lịch, tín dụng ngân hàng nên hướng vào nhu cầu thực là người vay mua nhà, thay vì tín dụng bất động sản đầu tư, kinh doanh hay đẩy mạnh vốn cho chủ đầu tư dự án.

Tuy nhiên, ông Lịch cũng đánh giá, so với trước hiện các ngân hàng đã thận trọng hơn nhiều trong việc đẩy vốn cho vay ở lĩnh vực bất động sản để hạn chế rủi ro nợ xấu gia tăng, nhất là trước bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay.

Tin bài liên quan