Sóc Trăng sẽ hình thành cảng biển ngoài khơi cửa Trần Đề

Sóc Trăng sẽ hình thành cảng biển ngoài khơi cửa Trần Đề

Sóc Trăng tạo đột phá để thu hút đầu tư

Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ là tiền đề quan trọng để tỉnh phát triển kinh tế theo hướng nhanh, bền vững, gắn với xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, củng cố quốc phòng - an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội…

Tầm nhìn chiến lược

Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thể hiện tầm nhìn chiến lược, mở ra giai đoạn mới cho sự phát triển của địa phương, cũng như mang lại nhiều lợi thế cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), mang lại nhiều cơ hội đầu tư cho cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Quy hoạch hướng đến mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 xây dựng Sóc Trăng trở thành một trong những tỉnh phát triển khá của vùng ĐBSCL, có công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển, nông nghiệp hiện đại và bền vững. Hình thành cảng biển ngoài khơi cửa Trần Đề và có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại; có hệ thống đô thị phát triển theo hướng xanh, thông minh, bền vững; có đủ năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu. Quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.

Tầm nhìn đến năm 2050, Sóc Trăng trở thành khu vực phát triển động lực của vùng ĐBSCL gắn với phát triển cảng biển Trần Đề; là tỉnh có kinh tế phát triển khá của cả nước, vận hành theo phương thức chính quyền số, kinh tế số và xã hội số đối với các hoạt động kinh tế - xã hội; các ngành sản xuất, dịch vụ thông minh với các mô hình kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Các lĩnh vực xã hội phát triển hài hòa, môi trường và cảnh quan thiên nhiên được gìn giữ…

Quan điểm phát triển tỉnh được thể hiện rõ trong quy hoạch, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và bền vững, quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng ĐBSCL và các quy hoạch liên quan.

Theo quy hoạch, Sóc Trăng lựa chọn định hướng phát triển nhanh và bền vững, nâng cao khả năng cạnh tranh. Khai thác hiệu quả lợi thế vị trí chiến lược ven biển quan trọng và hạ tầng giao thông kết nối liên vùng để xây dựng tỉnh trở thành cửa ngõ chính ra biển Đông của vùng ĐBSCL.

Đồng thời, xác định là trung tâm đầu mối của vùng về nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, logistics với trọng tâm là cảng biển ngoài khơi cửa Trần Đề. Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên nước, tài nguyên thiên nhiên, trọng tâm là tài nguyên biển, ven biển; bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Hướng đi này vừa gắn liền với tiềm năng và lợi thế hiện có của địa phương, vừa đảm bảo định hướng phát triển bền vững cho tỉnh trong tương lai.

Sóc Trăng sẽ hình thành cảng biển ngoài khơi cửa Trần Đề

Sóc Trăng sẽ hình thành cảng biển ngoài khơi cửa Trần Đề

Đổi mới mô hình hướng đến tăng trưởng bền vững

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Lâm Hoàng Nghiệp, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025 theo Nghị quyết Đảng bộ tỉnh đã đề ra, khai thác tiềm năng, lợi thế hấp dẫn của địa phương, Sóc Trăng định hướng thu hút đầu tư giai đoạn 2022 - 2025 theo 4 hành lang kinh tế cùng 5 lĩnh vực.

Cụ thể, 4 hành lang kinh tế là: Hành lang kinh tế ven biển với trọng tâm là phát triển dịch vụ du lịch, kinh tế biển được kết nối với các tỉnh thông qua tuyến đường bộ ven biển Trà Vinh - Sóc Trăng - Bạc Liêu.

Hành lang kinh tế Bắc - Nam, trọng tâm là phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị, cùng với tuyến Nam sông Hậu, thuận lợi cả đường thủy bộ kết nối khu vực từ cầu Đại Ngãi (nối tuyến Quốc lộ 60) qua vùng cảng biển Trần Đề đến vùng kinh tế biển thị xã Vĩnh Châu.

Hành lang kinh tế Đông - Tây theo tuyến đường trục phát triển kinh tế Đông - Tây tỉnh Sóc Trăng, với trọng tâm phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến.

Hành lang kinh tế trung tâm với trọng tâm là phát triển dịch vụ chất lượng cao và phát triển đô thị kết nối TP. Sóc Trăng với các địa phương chiến lược trong tỉnh như huyện Trần Đề, thị xã Vĩnh Châu.

Năm lĩnh vực tỉnh tập trung thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng gồm: dịch vụ logistics cảng biển; hạ tầng công nghiệp - đô thị; nông nghiệp công nghệ cao; du lịch; năng lượng tái tạo.

Tạo đột phá để thu hút đầu tư

Khái quát những điểm nhấn nổi bật, những mục tiêu lớn Sóc Trăng đặt ra trong nội dung quy hoạch tỉnh thời kỳ đến năm 2030, tầm nhìn 2050, có thể khẳng định, Sóc Trăng đã có bước chuẩn bị rất tốt, nghiên cứu sâu về điều kiện phát triển của địa phương cũng như vị thế chiến lược của tỉnh trong chuỗi liên kết phát triển từ nội lực đến ngoại lực.

Đặc biệt, Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ đến năm 2030, tầm nhìn 2050 được xây dựng dựa trên những cơ sở lý luận chặt chẽ, gắn liền với các nghị quyết của Đảng, nghị định của Chính phủ về phát triển vùng, lĩnh vực. Chính những yếu tố này đã mang lại cho quy hoạch Sóc Trăng bản sắc riêng, phù hợp với chiến lược phát triển chung của cả nước và khu vực, vừa tận dụng tối đa nguồn lực phát triển của địa phương một cách tốt nhất, biến những tiềm năng thành lợi thế phát triển…

Để hiện thực hóa được những mục tiêu trên, trong thời kỳ tới, tỉnh Sóc Trăng đề ra nhiều phương án đột phá. Cụ thể, tỉnh sẽ huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại. Trọng tâm là các dự án hạ tầng chiến lược, có tính lan tỏa, nhất là hạ tầng giao thông (đường cao tốc, các tuyến Đông - Tây, Bắc - Nam), cảng biển, hạ tầng khu kinh tế ven biển, khu, cụm công nghiệp, hạ tầng đô thị, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng chuyển đổi số.

Tạo đột phá trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nhằm huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực trong và ngoài tỉnh đầu tư phát triển hạ tầng và phát triển kinh tế - xã hội. Trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là chuyển đổi số (đến năm 2030, cơ bản hoàn thành chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng)…

Chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt nguồn nhân lực phục vụ các ngành mũi nhọn (nông nghiệp, thủy sản, chế biến...), các ngành tiềm năng và đột phá phát triển (năng lượng, du lịch, cảng biển, logistics, đô thị, dịch vụ, chuyển đổi số...). Phát triển nguồn nhân lực gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, bắt kịp xu hướng phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Theo lãnh đạo tỉnh, các định hướng phát triển chủ yếu sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên cơ sở tăng năng suất, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế và còn dư địa lớn, gắn với không gian phát triển mới; cân đối, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh…

Không gian phát triển phải được tổ chức khoa học, hiệu quả, thống nhất trên phạm vi toàn tỉnh, bảo đảm liên kết vùng huyện, vùng liên huyện và khai thác lợi thế so sánh của từng địa phương trong vùng và toàn vùng; huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực.

Về giải pháp về huy động và sử dụng vốn đầu tư, tỉnh sẽ tập trung huy động các nguồn vốn cho đầu tư phát triển, trong đó quan tâm cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, dự án tạo động lực lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Mở rộng các hình thức đầu tư, khuyến khích hình thức đối tác công - tư (PPP) và hình thức đầu tư khác. Tăng cường xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước để huy động nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và các dự án sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

Bên cạnh đó, Sóc Trăng sẽ thực hiện các chương trình, dự án đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh như chương trình nâng cao chất lượng giáo dục đại học và cao đẳng, chương trình nâng cao chất lượng đào tạo nghề, chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho cơ quan quản lý nhà nước; xây dựng đề án việc làm trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư…

Tin bài liên quan