“Soi” chất lượng Trung tâm thương mại Chợ Mơ

“Soi” chất lượng Trung tâm thương mại Chợ Mơ

(ĐTCK) Trung tâm thương mại Chợ Mơ đang nằm “cô đơn giữa biển người” khi nhà đầu tư đang bận đi tố cáo chủ đầu tư thi công kém chất lượng.

Để xác thực những lời tố cáo của nhà đầu tư, phóng viên Đầu tư Bất động sản đã đến Trung tâm thương mại Chợ Mơ để “mục sở thị” công trình được xem là “chợ kiểu mới” của Hà Nội này.

“Soi” chất lượng Trung tâm thương mại Chợ Mơ ảnh 1 

Trung tâm thương mại Chợ Mơ nhìn từ phía ngoài vẫn có thể nhìn thấy các mảng trần mong tróc

Ghi nhận của phóng viên ngày 13/12 cho thấy, có ít nhất 4 vị trí trong tổng số 5 tầng của Trung tâm xuất hiện hiện tượng trần nhà rơi vữa mảng lớn. Một mảng vữa dày rơi xuống lộ cả đường dây điện bên trong. Hai mảng trần lớn long ra vẫn treo lủng lẳng bằng một sợi băng dính lớn dán trên trần nhà. Vữa mảng và vữa vụn nằm vương vãi tại những vị trí này.

Có 3 vị trí xảy ra nứt vỡ kính nặng. Các đường nứt cắt ngang tấm kính có thể nhìn thấy rõ ràng. Các đường nứt càng chằng chịt và rõ hơn ở các vị trí góc và chân của các tấm kính. Do các tấm kính này chạy suốt từ chân sàn lên trần nhà, những vị trí này đều được người của Công ty TNHH Đầu tư tư nhân Vina (VPCapital), đơn vị nhận mua Trung tâm thương mại Chợ Mơ dán giấy cảnh báo “lưu ý kính vỡ” tránh trường hợp có người dựa vào kính xảy ra tai nạn.

“Soi” chất lượng Trung tâm thương mại Chợ Mơ ảnh 2Từng mảng trần lớn bị rơi

Chính giữa Trung tâm thương mại là 2 trục thang máy chạy suốt từ tầng 5 xuống tầng 1 (không chạy xuống đến tầng hầm), nhưng lại đang nằm bất động trong hệ thống giàn giáo xây dựng vẫn đang quây kín.

Trong lúc đó, nhà đầu tư vẫn đang nỗ lực đi kiện chủ đầu tư đã thi công kém chất lượng và sai lệch với hợp đồng đã ký. Hợp đồng giữa nhà đầu tư VPCapital và chủ đầu tư, CTCP Phát triển thương mại Vinaconex - VCTD (công ty do Vinaconex nắm  phần vốn chi phối, cùng với các cổ đông khác như Viettel, Ngân hàng MB) có tên là Hợp đồng 33. Nhưng chất lượng của công trình này được quy định trong 4 phụ lục của Hợp  đồng. Các phụ lục này đã được soạn thảo và được cả 2 bên ký từ trước khi có Hợp đồng 33.

Hợp đồng 33 sau đó vẫn dẫn chiếu đến các phụ lục này. Cụ thể, Điều 2, khoản 2 của Hợp đồng 33 ghi: “Sơ đồ toàn bộ Khu Trung tâm thương mại được mô tả chi tiết trong Phụ lục 1 của Hợp đồng này”. Điều 8, khoản 3 của Hợp đồng 33 quy định về quyền và nghĩa vụ của bên chuyển nhượng (tức VCTD): “... các chỉnh sửa được 2 bên thống nhất, tuân thủ các yêu cầu về số lượng, chất lượng chủng loại các vật liệu và hệ thống thiết bị được quy định tại các Phụ lục 2 và 3 của Hợp đồng này”.

Tuy nhiên, do các phụ lục không được ký kết và đóng dấu trực tiếp một lần nữa sau ngày ký Hợp đồng 33, nên VCTD và luật sư đại diện đã phủ nhận tính pháp lý của các phụ lục này. Ông Lê Thanh Sơn, đại diện cho VCTD lập luận rằng, thời điểm ký kết được coi là “thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản”.

“Soi” chất lượng Trung tâm thương mại Chợ Mơ ảnh 3

Ngược lại, luật sư đại diện của VPCapital khi trao đổi với Đầu tư Bất động sản lại cho  rằng, 2 bên thực tế đã cùng rà soát các phụ lục sau khi ký kết Hợp đồng 33 và đã lập biên bản, nên không thể phủ nhận tính pháp lý của các phụ lục này. Vì vậy, việc phủ nhận các phụ lục là hành vi “lợi dụng lỗ hổng về mặt pháp lý” để phủ nhận sự thật.

Đem lập luận này trao đổi với ông Lê Thanh Sơn, nhưng vị đại diện VCTD này đã từ chối phản hồi. Trong khi đó, Tổng giám đốc Vũ Nguyên Vũ và Chủ tịch HĐQT Đoàn Châu Phong của VCTD cho biết, luật sư sẽ đại diện cho Công ty trả lời mọi câu hỏi của báo chí.

Nằm ngay bên cạnh nút giao thông Bạch Mai - Minh Khai, nơi người dân tham gia giao thông đông đến mức thường xuyên xảy ra ùn tắc, Trung tâm thương mại Chợ Mơ nằm cô đơn, trống hoác im lìm, thang máy và thang cuốn không hoạt động, giấy cảnh báo nguy hiểm dán khắp nơi.

Tại khu Trung tâm thương mại 5 tầng có giá 700 tỷ đồng này chỉ còn các nhân viên bảo vệ của VPCapital, cùng với một vài phóng viên báo, đài truyền hình đến quay phim chụp ảnh những ngày gần đây. Và mỗi khi phóng viên ra về, các nhân viên bảo vệ lại lập tức dán lại tấm giấy niêm phong “Khu vực nguy hiểm, không phận sự miễn vào”.

>> “Đừng vì chúng tôi là công ty tư nhân mà áp đặt”

>> Nhiều trung tâm thương mại đóng cửa vì ế ẩm