Sớm có nghị định về kiểm tra chuyên ngành

0:00 / 0:00
0:00
Nghị quyết 02/NQ-CP năm 2024 được Chính phủ ban hành yêu cầu nâng cao hiệu quả công tác quản lý, đẩy mạnh cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa.
Ông Nguyễn Thế Việt, Phó cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan)

Ông Nguyễn Thế Việt, Phó cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan)

Để giải quyết triệt để việc kiểm tra chuyên ngành, theo ông Nguyễn Thế Việt, Phó cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan), phải sớm có nghị định quy định kiểm tra chuyên ngành.

Không phải năm nay, mà tại Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2023, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu?

Đơn giản hóa thủ tục hải quan, đẩy nhanh thời gian thông quan, giảm thời gian, thủ tục, chi phí kiểm tra chuyên ngành để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia được coi là một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu hàng năm kể từ năm 2014, với các Nghị quyết 19/NQ-CP và sau là Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ.

Thực hiện các nghị quyết liên quan đến thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, các bộ, ngành đã vào cuộc và thu được nhiều kết quả tích cực, nhưng chưa đáp ứng yêu cầu. Vì vậy, đầu năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 38/QĐ-TTg giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng nghị định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.

Nhưng Quyết định 38/QĐ-TTg chưa bao quát hết các loại hàng hóa xuất nhập khẩu, nên Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 một lần nữa yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2023 đã đặt ra nhiệm vụ rất cụ thể về cải cách kiểm tra chuyên ngành, nhưng vì sao Nghị quyết 02/NQ-CP năm 2024 vẫn phải nhắc lại?

Cơ quan hải quan đã nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định theo hướng miễn kiểm tra chuyên ngành với các mặt hàng doanh nghiệp nhập khẩu số lượng nhỏ để sử dụng nội bộ, nhất là các sản phẩm đã chuẩn hóa cao. Chúng tôi cũng nghiên cứu, kiến nghị xây dựng pháp luật và nâng cao năng lực việc áp dụng phương thức kiểm tra tại nguồn, kiểm tra tại khâu lưu thông trên thị trường nội địa.

Tuy nhiên, nghị định về kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu chưa được thông qua. Vì vậy, Nghị quyết 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia được Chính phủ thông qua đầu năm nay một lần nữa yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục rà soát, cắt giảm danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc diện quản lý, kiểm tra chuyên ngành.

Dự thảo nghị định về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu đã được Bộ Tài chính xây dựng từ khá lâu, nhưng đến giờ vẫn chưa được ban hành. Nguyên nhân là gì?

Ngay từ năm 2021, thực hiện Quyết định 38/QĐ-TTg, Bộ Tài chính đã bắt tay xây dựng nghị định về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu và đã trình Chính phủ nhiều lần, nhưng chỉ nhận được sự đồng ý của 22/27 thành viên Chính phủ. Chỉ còn 5 bộ, ngành chưa đồng ý một số nội dung của dự thảo. Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã yêu cầu Bộ Tài chính làm việc trực tiếp với 5 bộ, ngành để tìm tiếng nói chung, nhưng các cơ quan này vẫn bảo lưu quan điểm.

Khi nhiệm vụ này được chuyển giao cho Phó thủ tướng Trần Lưu Quang, sau nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung, Bộ Tài chính tiếp thu tối đa ý kiến của cả 5 bộ, ngành này sau 2 lần làm việc trực tiếp với 5 bộ, ngành theo yêu cầu của Phó thủ tướng Trần Lưu Quang, nhưng vẫn còn một số khúc mắc chưa giải quyết được.

Nguyên nhân là kiểm tra chuyên ngành liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều văn bản quy phạm pháp luật như Nghị định 154/2018/NĐ-CP sửa đổi các nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm; Nghị định 85/2019/NĐ-CP quy định thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu..., nên cần phải sửa đổi đồng bộ.

Như vậy là đã 3 năm kể từ khi dự thảo nghị định được hoàn thiện và trình Chính phủ lần đầu, thưa ông?

Đây là vấn đề phức tạp, liên quan đến nhiều bộ, ngành, ngoài Bộ Tài chính còn có các bộ Công thương; Khoa học và Công nghệ; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn...

Rút ngắn thời gian, đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu không đơn giản là tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhập khẩu sớm đưa hàng hóa vào sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu; sớm đưa hàng hóa ra lưu thông; góp phần bình ổn thị trường; tạo điều kiện cho người tiêu dùng tiếp cận hàng hóa nhập khẩu với giá cả phù hợp..., mà còn liên quan đến bảo vệ thị trường trong nước, bảo vệ sản xuất trong nước, bảo vệ môi trường, người tiêu dùng; phòng chống dịch bệnh cho cả cộng đồng và động vật trong nước.

Ngay cả Trung Quốc - nền kinh tế được coi là cải cách hàng đầu thế giới, nhưng vấn đề kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, theo tôi được biết, cũng phải mất nhiều năm kể từ khi xây dựng, chính sách mới được ban hành và đi vào cuộc sống.

Thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP, chúng tôi đã, đang và tiếp tục nghiên cứu để cải cách toàn diện các quy định về hoạt động kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng quản lý rủi ro, đơn giản hóa quy trình, thủ tục kiểm tra hàng hóa nhập khẩu, giảm đầu mối tiếp xúc giữa doanh nghiệp với các cơ quan, tổ chức.

Được giao chủ trì soạn thảo nghị định về kiểm tra chuyên ngành, Tổng cục Hải quan có quan điểm thế nào?

Không thể phủ nhận nỗ lực của các bộ, ngành trong cải cách thủ tục hành chính, giảm tối đa thời gian, công sức cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, nhưng phạm vi, đối tượng quản lý và kiểm tra chuyên ngành quá rộng, chưa có đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn để thực hiện việc kiểm tra; thực hiện không thống nhất giữa các bộ, ngành hoặc giữa văn bản hướng dẫn và văn bản có pháp lý cao hơn.

Quy định trong các luật chuyên ngành còn kiểm tra quá mức cần thiết; đã áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro nhưng chưa toàn diện, chưa đảm bảo tính minh bạch, tính dự báo, tính nhất quán trong hệ thống pháp luật về kiểm tra chuyên ngành, cũng như trong việc tổ chức thực hiện...

Quan điểm dứt khoát cải cách, đổi mới thủ tục hải quan nói chung, kiểm tra chuyên ngành nói riêng phải trên nguyên tắc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng; nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.

Tin bài liên quan