Sóng bất động sản trở lại, thị trường "quay xe" hồi phục gần 20 điểm

Sóng bất động sản trở lại, thị trường "quay xe" hồi phục gần 20 điểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đa tăng mạnh của nhóm cổ phiếu bluechip với sự đóng góp của VIC hơn 4,7 điểm vào chỉ số chung, đã giúp thị trường có màn "quay xe" ngoạn mục khi hồi phục gần 20 điểm và đóng cửa tại mức giá cao nhất ngày.

Sự hụt hẫng trong cuối phiên giao dịch sáng đã dần chuyển sang trạng thái lo lắng hơn khi thị trường bước vào phiên giao dịch chiều. Bất chấp sự nâng đỡ của anh cả nhóm bất động sản – VIC, thị trường dần nới rộng đà giảm khi áp lực bán gia tăng trên diện rộng khiến bảng điện tử chìm trong sắc đỏ.

Sau khoảng 30 phút mở cửa, khi chỉ số VN-Index lùi về dưới mốc 1.215 điểm, lực cầu sôi động đã được kích hoạt, giúp thị trường bật ngược đi lên và dần le lói sắc xanh.

Tuy nhiên, đột biến chỉ xảy ra trong khoảng 30 phút cuối phiên. Lực cầu gia tăng mạnh mẽ ở các cổ phiếu đầu ngành, đã lan rộng ra thị trường, giúp thị trường tăng vọt. Chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức giá cao nhất ngày, vượt thành công ngưỡng 1.230 điểm cùng thanh khoản cải thiện, giúp thị trường khép lại phiên cuối tuần với nhiều niềm vui bất ngờ.

Thị trường đã kết phiên ở mức giá cao nhất trong ngày với mức tăng 11,6 điểm và nếu so với thời điểm thấp nhất ngày (trước đó khoảng 1 giờ) thì chỉ số chung đã tăng tới gần 20 điểm, nhưng niềm vui chưa đủ trọn vẹn bởi diễn biến khởi sắc không lan tỏa toàn thị trường. Trên bảng điện tử, số mã tăng và giảm khá cân bằng nhau và sự nâng đỡ chính của thị trường vẫn thuộc về nhóm cổ phiếu bluechip.

Kết phiên, nhóm VN30 có mức tăng tốt hơn thị trường chung khi tăng hơn 14,5 điểm, vượt thành công mốc 1.240 điểm với 18 mã tăng và chỉ 9 mã giảm với mức giảm chỉ trên dưới 1%.

Trong đó, sự dẫn dắt của cổ phiếu lớn VIC đã giúp nhóm cổ phiếu bất động sản trở lại đường đua. Cụ thể, với thông tin Vinfast lên sàn Mỹ, cổ phiếu VIC đã vững vàng đứng tại mức giá trần khi đóng cửa tăng 6,9% lên mức 72.600 đồng/CP, là mức giá cao nhất của cổ phiếu này trong hơn 1 năm qua, từ phiên đóng cửa ngày 4/7/2022 tại mức 72.700 đồng/CP.

Đồng thời, thanh khoản cũng xác lập kỷ lục mới với xấp xỉ 22,94 triệu đơn vị khớp lệnh, cùng khối lượng dư mua trần gần 0,72 triệu đơn vị.

Cùng anh cả VIC, cặp đôi còn lại nhà Vingroup là VHM và VRE cũng tìm lại sắc xanh, trong đó VRE tăng 2,3% lên mức giá cao nhất ngày cùng thanh khoản sôi động, đạt hơn 10 triệu đơn vị.

Một số mã vừa và nhỏ khác trong nhóm bất động sản cũng đảo chiều khởi sắc và lấy lại sức nóng như DXG tăng trần với khối lượng khớp lệnh lên tới hơn 35,74 triệu đơn vị và dư mua trần 0,25 triệu đơn vị; TCH tăng vọt và đóng cửa tại mức giá trần với thanh khoản vọt tăng lên mức 17,9 triệu đơn vị; QCG cũng tìm lại sắc tím và kết phiên đứng tại mức giá 11.900 đồng/CP. Hàng loạt mã nóng khác như NVL, DIG, PDR, CII, KBC, LCG, KHG, KDH, FCN, DPG… cũng đảo chiều tăng vọt.

Nhóm ngân hàng cũng có đóng góp tích cực cho thị trường chung khi cổ phiếu đầu ngành VCB tăng vọt với biên độ 2,1% lên mức giá cao nhất trong ngày 90.400 đồng/CP, cùng CTG, MSB, OCB, SSB, TCB, TPB đều tăng trên dưới 1%. Cổ phiếu STB vẫn là mã ấn tượng nhất ngành khi đóng cửa tăng 4,3% lên mức 31.850 đồng/CP cùng thanh thuộc top 3 thị trường với 32,73 triệu đơn vị khớp lệnh.

Nhóm cổ phiếu thép cũng đua nhau khởi sắc, trong đó HPG tăng 1,3% lên 27.700 đồng/CP và khớp 22,78 triệu đơn vị; HSG tăng 5,6% lên 19.850 đồng/CP và khớp 24,53 triệu đơn vị; NKG tăng 2,6% lên 19.500 đồng/CP và cũng khớp gần 10 triệu đơn vị.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán có phần yếu thế hơn bởi những mã lớn như VND, VCI, HCM đang mất điểm; cổ phiếu SSI cũng chỉ nhích nhẹ 0,2%; trong đó SSI và VND sôi động nhất ngành với trên dưới 25 triệu đơn vị khớp lệnh.

Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu thủy sản là nhóm giảm sâu nhất với sắc đỏ chiếm áp đảo, trong đó VHC giảm 0,8%, ANV giảm 2,75%, IDI giảm 1,75%, FCM giảm 0,81%, ACL giảm 1,5%...

Đóng cửa, sàn HOSE có 232 mã tăng và 226 mã giảm, VN-Index tăng 11,6 điểm (+0,95%) lên 1.232,21 điểm. Tổng khối lượng giao dịch nhích nhẹ so với phiên hôm qua, đạt hơn 1.012 triệu đơn vị, giá trị đạt 21.278 tỷ đồng, tăng 5,17% so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 28,79 triệu đơn vị, giá trị 603,06 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, nhận “tín hiệu xanh” từ sàn HOSE, chỉ số HNX-Index cũng đã đảo chiều khởi sắc, bất chấp sắc đỏ có phần chiếm ưu thế hơn trên bảng điện tử.

Chốt phiên, sàn HNX có 79 mã tăng và 105 mã giảm, HNX-Index tăng 1,34 điểm (+0,55%) lên 245,25 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 108,97 triệu đơn vị, giá trị 1.724,17 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 8,46 đơn vị, giá trị 143,49 tỷ đồng.

Trái với diễn biến không mấy tích cực trên sàn HOSE, các cổ phiếu trong nhóm chứng khoán trên sàn HNX đua nhau khởi sắc. Trong đó, cổ phiếu SHS đảo chiều tăng vọt, đóng cửa tăng 3,9% lên mức giá cao nhất ngày 16.000 đồng/CP, đồng thời thanh khoản cũng vượt trội với hơn 16,87 triệu đơn vị khớp lệnh.

Các cổ phiếu khác trong ngành như MBS cũng khởi sắc khi đóng cửa tăng 1,1%, TVC tăng 3,1%...

Ngoài SHS, màn đảo chiều ấn tượng của cổ phiếu khác trong rổ HNX30 cũng hỗ trợ tốt cho thị trường, đó là HUT, kết phiên tăng 2,8% lên mức giá cao nhất ngày 25.500 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 4,14 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường may mắn đảo chiều thành công về cuối phiên.

Đóng cửa, UPCoM-Index tăng 0,18 điểm (+0,2%) lên 93,28 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 105,78 triệu đơn vị, giá trị 1.164,62 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 12,4 triệu đơn vị, giá trị 148,24 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR lấy lại mốc tham chiếu 20.800 đồng/CP với giao dịch vẫn dẫn đầu thị trường, đạt hơn 11 triệu đơn vị.

Cổ phiếu C4G thu hẹp đà giảm, đóng cửa giảm nhẹ 1,3% xuống mức 15.200 đồng/CP với khối lượng giao dịch đạt 5,44 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu nhỏ vẫn tỏa sáng với KSH tăng kịch trần và khớp hơn 4,7 triệu đơn vị cùng lượng dư mua trần hơn 1,63 triệu đơn vị; SBS tăng 1,1%, PVX tăng 6,7% và đều khớp hơn 3 triệu đơn vị…

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai VN30 đều tăng, với VN30F2308 đáo hạn vào tuần sau tăng 13,5 điểm, tương đương +1,1% lên 1.239,5 điểm, khớp lệnh hơn 240.450 đơn vị, khối lượng mở gần 54.170 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc xanh chiếm ưu thế, với CSTB2310 vẫn có thanh khoản cao nhất đạt xấp xỉ 3,2 triệu đơn vị, kết phiên tăng 11,9% lên 1.320 đồng/cq. Theo sau là CSTB2307 với 2,79 triệu đơn vị khớp lệnh và kết phiên tăng 23% lên 750 đồng/cq.

Tin bài liên quan