Bí thư Tỉnh ủy Bùi Minh Châu tham quan mô hình quy hoạch tổng thể Khu công nghiệp Phú Hà.

Bí thư Tỉnh ủy Bùi Minh Châu tham quan mô hình quy hoạch tổng thể Khu công nghiệp Phú Hà.

Sóng dịch chuyển đầu tư tìm về đất Tổ

0:00 / 0:00
0:00
Những năm gần đây, Phú Thọ đã thu được những kết quả đáng kể trong thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp nhờ sự quyết liệt tập trung nguồn lực đầu tư cho hạ tầng.

Đón sóng dịch chuyển đầu tư

Công ty TNHH HanYang Digitech Vina (Khu công nghiệp Phú Hà, tỉnh Phú Thọ) là một trong số ít doanh nghiệp đăng tuyển nhân sự trong tháng 8 - 9, khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.

Là doanh nghiệp 100% vốn Hàn Quốc, chuyên sản xuất thiết bị bán dẫn cho các “ông lớn” công nghệ như Microsoft, Samsung, Dell..., việc rốt ráo tuyển nhân sự của HanYang Digitech Vina là một phần trong quá trình đầu tư giai đoạn II, với mục tiêu nâng sản lượng lên 100 triệu sản phẩm vào năm 2023.

Với tổng mức đầu tư 45 triệu USD, tương đương 1.000 tỷ đồng, HanYang Digitech Vina nằm trong nhóm các doanh nghiệp theo xu hướng dịch chuyển đầu tư sang Việt Nam.

“Nhằm loại bỏ những rủi ro phát sinh về xung đột thương mại với các quốc gia khác, chúng tôi đã chọn Phú Thọ làm điểm đầu tư nhà máy tiếp theo. Chính phủ Việt Nam nói chung, tỉnh Phú Thọ nói riêng có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Đặc biệt, các khu công nghiệp có hạ tầng đồng bộ, giao thông thuận tiện cho trung chuyển hàng hóa, nhân lực dồi dào”, ông Choi Dong Hyeon, Giám đốc điều hành Công ty chia sẻ.

Không riêng HanYang Digitech Vina, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đã lựa chọn Phú Thọ làm cứ điểm để rót vốn đầu tư. Sự xuất hiện của các tập đoàn, công ty lớn trong nước và quốc tế với những dự án đầu tư quy mô lớn, công nghệ cao đã đóng góp đáng kể vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu và nguồn thu ngân sách cho tỉnh.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hanh, Trưởng ban Ban Quản lý các khu công nghiệp Phú Thọ, năm 2020, đại dịch tác động tiêu cực lên hoạt động sản xuất - kinh doanh, song các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp của địa phương vẫn đạt những thành tích đáng ghi nhận.

Doanh thu các doanh nghiệp đạt 43.500 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2019, bằng 87% kế hoạch cả năm; nộp ngân sách nhà nước ước đạt 800 tỷ đồng, bằng 53% so với năm 2019, đạt 50% kế hoạch cả năm.

Dù doanh thu và nộp ngân sách thấp, song giá trị xuất khẩu vẫn tăng cao, đạt 3.700 triệu USD, tăng 113% so với năm 2019, đạt 168% kế hoạch cả năm. Nguyên nhân là một số doanh nghiệp mở rộng sản xuất, doanh nghiệp mới nhập khẩu máy móc, thiết bị giá trị lớn, một số doanh nghiệp gia công sản phẩm có giá trị cao trong sản xuất linh kiện điện tử.

Năm 2020, Ban Quản lý các khu công nghiệp Phú Thọ đã cấp mới 5 giấy chứng nhận đầu tư trong nước, vốn đầu tư 677 tỷ đồng; 12 dự án đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư 204,83 triệu USD; thu hồi 6 dự án (gồm 3 dự án đầu tư nước ngoài, vốn 82,6 triệu USD; 3 dự án đầu tư trong nước, vốn 181 tỷ đồng).

Đó là những kết quả bước đầu trong mục tiêu thu hút từ 80.000 đến 100.000 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước và từ 1 đến 1,6 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giai đoạn 2021-2025 của UBND tỉnh Phú Thọ.

Khu công nghiệp Phú Hà có giao thông đồng bộ, thuận tiện cho lưu thông hàng hóa của các doanh nghiệp, dễ dàng thu hút đầu tư.
Khu công nghiệp Phú Hà có giao thông đồng bộ, thuận tiện cho lưu thông hàng hóa của các doanh nghiệp, dễ dàng thu hút đầu tư.

Sức hút từ hạ tầng khu công nghiệp đồng bộ

Những kết quả trên không chỉ đến từ hoạt động xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh trên tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, mà còn nhờ tầm nhìn và hành động quyết liệt của lãnh đạo tỉnh Phú Thọ trong những năm qua, khi tập trung nguồn lực đầu tư cho hạ tầng.

Yếu tố này tạo nên sức bật lớn cho tỉnh tăng tính kết nối giữa các huyện, thành, thị, hình thành liên kết vùng, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội.

Là cửa ngõ Tây Bắc của Thủ đô Hà Nội, trên trục Hành lang kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Côn Minh (Trung Quốc), nằm trong quy hoạch vùng Thủ đô, những năm qua, Phú Thọ đã trở thành cầu nối giữa các tỉnh Tây Bắc với Đồng bằng sông Hồng, nhờ có nhiều tuyến giao thông quốc gia chạy qua kết nối giữa các tỉnh Tây Bắc với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh trong vùng.

Giai đoạn 2015-2020, Phú Thọ đã huy động đầu tư hàng ngàn tỷ đồng cho giao thông để xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo và bảo trì 410 km đường quốc lộ, đường tỉnh, 32 cầu trên các tuyến quốc lộ được Bộ Giao thông - Vận tải ủy thác quản lý.

Đặc biệt, 3 nút giao IC7, IC9, IC11 kết nối tuyến cao tốc huyết mạch Nội Bài - Lào Cai đã hoàn thành và được đưa vào sử dụng, giúp rút ngắn thời gian kết nối Phú Thọ với các địa phương trong Vùng Thủ đô.

Trong năm 2021, Phú Thọ dự kiến có thêm 134 dự án giao thông chuyển tiếp và khởi công mới, với tổng vốn đầu tư hơn 2.422 tỷ đồng. Trong đó, vốn bố trí đến năm 2020 ước hơn 1.077 tỷ đồng, nhu cầu năm 2021 trên 866 tỷ đồng, kế hoạch năm 2021 sẽ phân bổ trên 325 tỷ đồng.

Giai đoạn 2021-2030, Phú Thọ dự kiến sẽ huy động khoảng 41.000 tỷ đồng, bình quân hơn 4.000 tỷ đồng/năm đầu tư phát triển hệ thống giao thông đường bộ. Nguồn vốn sẽ được huy động từ các nguồn ngân sách và hỗ trợ của Trung ương, bộ, ngành cho các công trình trọng điểm và phát huy nội lực địa phương cho các công trình địa phương.

Song song với hạ tầng giao thông, yếu tố tiên quyết thu hút nhà đầu tư đến với Phú Thọ phải kể đến là hạ tầng các khu công nghiệp.

Ban Quản lý các Khu công nghiệp Phú Thọ cho biết, hiện tỉnh có 7 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào Quy hoạch các khu công nghiệp tại Việt Nam với tổng diện tích 2.256 ha, trong đó 4 khu công nghiệp đã và đang được xây dựng hạ tầng, với tỷ lệ lấp đầy diện tích đất công nghiệp gần 70%.

Bên cạnh 2 khu công nghiệp do Nhà nước đầu tư, Phú Thọ đã thu hút được 2 nhà đầu tư tư nhân xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Phú Hà và Cẩm Khê, với tổng vốn đầu tư đăng ký 4.208 tỷ đồng, 2 nhà đầu tư đăng ký đầu tư Khu công nghiệp Tam Nông, Hạ Hòa.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hanh, Phú Thọ đang thu hút nhà đầu tư, huy động nguồn lực để đầu tư xây dựng 2 khu công nghiệp mới là Tam Nông 350 ha, Hạ Hòa 400 ha; tiếp tục điều chỉnh mở rộng Khu công nghiệp Thụy Vân để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư.

Đồng thời, tỉnh sẽ chỉ đạo giải phóng mặt bằng Khu công nghiệp Cẩm Khê, Phú Hà để giao đất cho chủ đầu tư xây hạ tầng và cho nhà đầu tư thứ cấp. Đây là các khu công nghiệp có giao thông đồng bộ, kết nối với tuyến đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, Quốc lộ 2, đường Hồ Chí Minh, thuận tiện cho lưu thông hàng hóa của các doanh nghiệp, dễ dàng thu hút đầu tư.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Thọ, thời gian tới, tỉnh tiếp tục rà soát, đổi mới quy trình, rút ngắn thời gian và nâng cao hiệu quả thực hiện các thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng cơ bản. Tỉnh cũng sẽ xây dựng cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đặc biệt là cơ chế tài chính để tháo gỡ điểm nghẽn trong giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch cho các dự án.

Có thể khẳng định, với lợi thế về điều kiện tự nhiên, hạ tầng đồng bộ, cơ chế thông thoáng, môi trường đầu tư lành mạnh, Phú Thọ đã, đang trở thành điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư trong và ngoài nước.

"Tập trung nguồn lực đầu tư các dự án giao thông"

Ông Bùi Minh Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Thọ

Nhiệm kỳ 2020-2025, Phú Thọ tập trung nguồn lực đầu tư các dự án giao thông tạo liên kết giữa các vùng, các trục giao thông quốc gia và các khu, cụm công nghiệp, các vùng sản xuất; hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hạ tầng lĩnh vực du lịch, dịch vụ, thông tin truyền thông.

Tỉnh cũng đẩy nhanh tiến độ các dự án khu đô thị mới và hạ tầng thiết yếu; triển khai các dự án giao thông trọng điểm như tuyến cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, đường liên vùng kết nối đường Hồ Chí Minh với Quốc lộ 70B, Quốc lộ 32C tỉnh Phú Thọ đi tỉnh Yên Bái, cầu Vĩnh Phú, xây dựng các tuyến đường đấu nối với các tuyến giao thông quan trọng quốc gia, đường trục vào khu, cụm công nghiệp, khu đô thị, vùng sản xuất hàng hóa tập trung.

Tin bài liên quan