Thủ tướng Anh Boris Johnson (Ảnh: Evening Standard).

Thủ tướng Anh Boris Johnson (Ảnh: Evening Standard).

Sóng gió tiếp tục ập đến với Thủ tướng Anh Boris Johnson

0:00 / 0:00
0:00
Sóng gió tiếp tục nổi lên với Thủ tướng Anh Boris Johnson khi ngày 3/2, 4 trợ lý cấp cao của ông đã lần lượt từ chức. Điều này đang khiến ông Johnson đối mặt với thử thách lớn nhất trong sự nghiệp chính trị khi ngày càng nhiều tiếng nói phản đối ông trong nội bộ đảng Bảo thủ cầm quyền.

Trợ lý phụ trách truyền thông Jack Doyle đã xác nhận việc ông từ chức, ngay sau quyết định của Trợ lý về chính sách của Thủ tướng Anh Munira Mirza và Chánh văn phòng Nội các Dan Rosenfield. Cùng ngày 3/2, quan chức cấp cao Martin Reynolds cũng nói lời chia tay với vị trí thư ký riêng của Thủ tướng.

Các trợ lý trên từ chức trong bối cảnh Thủ tướng Boris Johnson đang đối mặt cuộc khủng hoảng gia tăng trước áp lực từ dư luận sau khi ông và những người thân tín bị phát hiện tiệc tùng nhiều lần tại văn phòng và dinh thự ở số 10 đường Downing suốt thời gian Anh phong tỏa vì dịch Covid-19.

Các ông Rosenfield, Reynolds và Doyle đều trực tiếp liên quan đến những vụ tụ tập gây tranh cãi trong bối cảnh Anh là một trong những quốc gia thực hiện chính sách phong tỏa nghiêm ngặt nhất thế giới. Cựu thư ký riêng Reynolds là người được cho gửi thư điện tử cho các đồng nghiệp vào tháng 5/2020, yêu cầu "tự mang bia rượu" đến một buổi tụ tập.

Cho đến nay, đã có 17 nghị sĩ thuộc đảng Bảo thủ gửi yêu cầu bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Thủ tướng Boris Johnson. Những nghị sĩ yêu cầu bỏ phiếu bất tín nhiệm Thủ tướng Anh cho rằng, không thể chấp nhận cách hành xử của ông Boris Johnson trước dư luận khi ông Boris Johnson vẫn cố tình che giấu vụ việc và chối bỏ trách nhiệm.

Ngay cả Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak, một đồng minh chính trị của ông Johnson cũng phải thừa nhận rằng, chính phủ đã bị xói mòn lòng tin trước công chúng.

“Tôi nghĩ rằng, nhiệm vụ của chúng tôi, tất cả các thành viên trong chính phủ là khôi phục lòng tin. Riêng với cá nhân tôi, cách tốt nhất để khôi phục lòng tin là thực hiện những điều mà mọi người mong đợi tôi làm, đó là xây dựng lại nền kinh tế sau dịch Covid-19, thúc đẩy việc làm, giúp người dân có thêm thu nhập, giảm 350 bảng Anh hóa đơn năng lượng cho hầu hết hộ gia đình, kiểm soát tài chính công…”, ông Sunak nói.

Trong khi đó về phần mình, ông Boris Johnson vẫn tiếp tục từ chối các đòi hỏi từ chức khi khẳng định Chính phủ của ông đang làm tốt việc chống dịch và phục hồi kinh tế và đó là yếu tố quan trọng nhất để ông tiếp tục lãnh đạo chính phủ.

“Khi chúng ta thoát khỏi dịch Covid-19, chúng ta phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt thực sự, gây ra bởi lạm phát trên toàn thế giới, đặc biệt là về năng lượng và chính phủ phải giúp đỡ mọi người. Chúng tôi đang giúp đỡ mọi người, giống như chúng tôi đã giúp trong suốt thời gian đại dịch. Những gì Bộ trưởng tài chính Rishi Sunak vừa công bố là một gói trị giá 9 tỷ bảng Anh (12,26 tỷ USD) để giúp mọi người chi trả chi phí năng lượng. Đây là sự hỗ trợ rất đáng kể cho các gia đình”, Thủ tướng Johnson nhấn mạnh.

Một cuộc điều tra về trách nhiệm của Thủ tướng vẫn đang được tiến hành. Dù kết quả thế nào, kịch bản về một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội dường như ngày càng có khả năng xảy ra.

Để có thể tiến hành cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Thủ tướng thì trong nội bộ đảng Bảo thủ cần phải có ít nhất 54 nghị sĩ gửi thư yêu cầu.

Nếu cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm được tổ chức và trong kịch bản tồi tệ nhất là hơn 1 nửa số nghị sĩ bỏ phiếu chống, ông Johnson sẽ bị buộc phải từ chức và đảng Bảo thủ sẽ phải tổ chức bầu lãnh đạo mới.

Theo kết quả các cuộc thăm dò dư luận mới nhất, có tới 66% người Anh được hỏi cho biết họ muốn ông Boris Johnson từ chức. Nhiều người cho rằng, cuộc chiến chống dịch của chính phủ chưa thực sự hiệu quả và Anh nằm trong số những quốc gia có tỷ lệ tử vong do Covid-19 cao nhất thế giới.

Tin bài liên quan