Sống là để yêu thương

Sống là để yêu thương

(ĐTCK) Giờ ngồi đây, hồi tưởng lại ký ức của những ngày mới bước chân vào ngôi nhà chung Liên Việt, sự lạ lẫm, bỡ ngỡ, lo lắng của một cô bé vừa ra khỏi giảng đường đại học. Đó là tháng 12 năm 2010, thấm thoát đã gần 10 năm, cũng khá lâu đấy chứ, sắp cán được “đích thủy chung” lần thứ hai rồi đấy.

Gần 10 năm ấy không biết bao nhiêu niềm vui, nỗi buồn xen lẫn, nhưng những gì tôi nhận được lại nhiều hơn cả.

Một ngôi nhà cho tôi kiến thức, sự tự tin, niềm yêu thương, động lực để mỗi sớm mai thức dậy, tôi lại đến đây để làm việc, để cống hiến sức trẻ và nhiệt huyết, để phục vụ khách hàng thân thương của mình, đến với những đồng nghiệp mà chúng tôi còn thường nói với nhau rằng: chúng mình dành thời gian, tình yêu cho nhau còn nhiều hơn gia đình ấy nhỉ.

Cái nôi đầu tiên của tôi là chi nhánh Chợ Lớn, ngày đầu tiên đi làm bối rối lắm. Ðến một tòa nhà thật lớn, nhìn các anh chị rất chỉn chu, ai cũng chuyên nghiệp, có chút hồi hộp, sợ hãi. Vì trước đây có người dọa tôi rằng, môi trường ngân hàng rất khắc nghiệt, bon chen lắm.

Nhưng không, mọi thứ không như tôi tưởng tượng, con người ở đây ai cũng thân thiện, gần gũi, cảm giác ấy phút chốc bị xóa mờ đi, tôi lao vào học việc.

Học cái này, học cái kia, học đủ thứ để trở thành một giao dịch viên chuyên nghiệp. Sau hai tháng thử việc, tôi được chính thức ngồi quầy, giao dịch với khách hàng.

Thời gian đầu còn lúng túng, sai sót nhưng được sự hỗ trợ của các anh chị đi trước, càng ngày tôi càng tự tin vào mình hơn.

Chắc cái gọi là “Văn hóa doanh nghiệp Liên Việt” đã ăn sâu vào con người Liên Việt. Từ trước đến nay tôi đã đi qua bốn chi nhánh: Chợ Lớn, Trần Hưng Ðạo, An Ðông và hiện tại là Bình Thuận, ở đâu tôi cũng tìm được điểm chung ở các sếp, đó là sự thương yêu, quan tâm đến nhân viên, đồng nghiệp.

Các anh không chỉ quan tâm tới công việc của nhân viên, mà còn về gia đình, con cái, luôn mong mỏi những điều tốt đẹp nhất cho nhân viên.

Có những lúc làm sai, thay vì la mắng lại là một cái vỗ vai: “Rút kinh nghiệm em nhé, lần sau đừng sai nữa”, kèm theo một nụ cười động viên của sếp. Phải chăng đó là sự may mắn của riêng bản thân tôi, hay là một nét đẹp của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt.

Ngày chia tay với những anh chị đồng nghiệp ở Sài thành sau 5 năm gắn bó, tôi đã khóc, giọt nước mắt của tiếc nuối những ngày đã qua.

Ðó là khi xa gia đình, có những lúc nhập viện, chính các anh chị đã thay nhau chăm sóc tôi, ân tình đó mãi không bao giờ quên được…

Lại đến với môi trường mới, mọi thứ đều mới, nhưng tôi sớm nhận ra rằng, con người Liên Việt ở đâu chẳng vậy, vẫn coi nhau như người nhà, vẫn nhiệt tình với nhau và vẫn cùng nhau vượt qua mọi khó khăn trong công việc và cuộc sống.

Và giờ đây tuy sống xa quê hương, nhưng Liên Việt lại chính là ngôi nhà thứ hai của tôi, nơi tôi ươm mầm những niềm vui và hy vọng mới.

Trước đây, mỗi lần giới thiệu với một ai đó về bản thân mình, bảo mình là người Liên Việt, người ta sẽ hỏi Liên Việt là cái gì? Thật buồn đấy! Vì hồi đó chúng ta mới thành lập, còn non trẻ lắm.

Nhưng bây giờ chúng ta lớn mạnh rồi, mạng lưới chúng ta đã phủ khắp tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước. Giờ đây, tôi tự hào mình là người Liên Việt, đã mang những cái mới đến cả với cả những đồng bào vùng sâu, vùng xa.

Và hơn cả là tình thương của người Liên Việt dành cho những mảnh đời bất hạnh, cho những trẻ em nghèo không được may mắn cắp sách tới trường.

Tôi cũng vui vì mỗi tháng ít nhiều đã trích một chút phần lương của mình làm từ thiện, nét văn hóa của Liên Việt không phải tổ chức nào cũng có. Rồi tới những hoạt động thiện nguyện của LienVietPostBank Bình Thuận, nơi tôi đang công tác, hiến máu, tài trợ những hoạt đông tại địa phương luôn là nhiệm vụ mà giám đốc chi nhánh coi trọng.

Mỗi lần xem chương trình “Về quê” trên truyền hình, tôi càng thương hơn cho những hoàn cảnh khó khăn và thầm cảm ơn Liên Việt của mình đã mang tới ánh sáng cho cuộc đời của họ, để thấy rằng, chúng ta sống là để yêu thương nhau. “Gắn xã hội trong kinh doanh” của Liên Việt là thế.

Tin bài liên quan