Sống ở đường chân trời

Sống ở đường chân trời

(ĐTCK) Con tàu khách ra Nam Du suốt 4 tiếng đồng hồ vật lộn trên biển hết hất lên lại chồm xuống trong gió cấp 6. Tôi thốt nhiên ân hận vì đã liều mình ra biển Tây Nam vào mùa gió chướng chỉ vì muốn trải nghiệm cuộc sống ở đường chân trời. Những ngày biển động, tàu cao tốc bị hủy chuyến duy nhất ra đảo, người dân vẫn đi lại bằng những chuyến tàu vận tải thủy bình dân như thế này. Đó là một hành trình không dành cho kẻ yếu tim.

Tới hồi những con sóng lớn đã vần vò ý chí và cả thể xác con người ta ra bã rồi, tàu bắt đầu dừng lại bên một hòn đảo đẹp khác lạ có những hòn đá lớn xếp như vãi quả bàng vàng ruộm. Tắt máy, sóng lớn vẫn dữ dội. Thở phào, cuối cùng thì cũng tới, tôi nghĩ, thà kẹt ở đây còn hơn đi mãi trên biển trong cơn dông.

Đa số các đảo trong quần đảo Nam Du, Kiên Giang chưa có cầu cảng. Mỗi lần tàu cập vào đảo phải chuyển tải người và hàng hóa bằng ghe nhỏ.

Những chiếc ghe trong bãi cát gần bờ phi ra ào ào. Người phụ ghe quát lác liên hồi bằng tiếng địa phương không thể nghe được lẫn trong tiếng sóng lớn.

Mấy người trên tàu nói họ kêu xuống mạn dưới thấp để dễ nhảy qua. Mép chiếc ghe nhỏ cào sồn sột vào mạn tàu lớn, chân ai lọt xuống khe đó coi như khỏi đi. Mọi người trên tàu nhảy ào xuống chiếc ghe nhỏ ngã dúi dụi.

Thấy một cánh tay áo xanh của một anh lính biên phòng giơ lên đỡ, tôi nhảy đại xuống, người nhẹ bẫng muốn ngất. Người này víu vào vai người kia, đồ đạc rớt xuống biển ào ào.

Chiếc ghe nhỏ không tải hết người quay đầu chạy vào đảo rồi mới ra tiếp. Nhìn thấy bờ đảo phía xa mà chỉ nhắm mắt một cái, chiếc ghe đã lao vút lên bãi cát. Mọi người nhảy ào xuống, ướt tới thắt lưng.

Lại rớt đồ xuống, mất hút luôn vào biển khơi khi sóng rút ra. Tôi hoa mắt nhảy xuống một rừng chân phía dưới, lội vào bờ. Chỉ còn nghe tiếng lao xao, lẫn ầm ào của sóng biển, rồi mưa xuống như trút, bắt đầu một cơn giông lớn, biển động dữ dội.

Ôm vội đống máy ảnh, máy tính vào người, chúng tôi chạy khỏi bãi cát về phía hòn đảo đẹp như tranh hiện ra trong màn mưa…

Ngay khi con tàu khách thường nhật cập vào cầu cảng An Sơn, chưa hoàn hồn sau chuyến đi biển dài và say sóng ngắc ngư, chúng tôi đã nhìn thấy tấm bia và khu nhà tưởng niệm những cư dân đảo bị sóng biển vùi trong cơn bão lớn tràn qua đây năm 1997.

Tấm bia đứng sững như chôn sâu vào vách núi và ngoảnh mặt ra đại dương. Năm ấy, quần đảo Nam Du mất gần 500 mạng người và chừng ấy người nữa bị thương. Hơn 4.000 tàu thuyền lớn nhỏ bị nhấn chìm và mất tích. Cả làng đảo gần như bị xoá sổ. Cho đến hôm nay, Nam Du đã phục sinh, nhưng chưa một ai quên thời khắc bão biển vần vũ tưởng như nhấn chìm cả quần đảo xuống đường chân trời.

Nam Du cách Rạch Giá 52 hải lý. Nếu nói rằng quần đảo Nam Du với 21 đảo lớn nhỏ đã tạo thành một thế trận phòng thủ của núi trên biển Tây Nam, thì đảo Lớn, còn gọi là hòn Củ Tron, xã An Sơn là đảo trung tâm, đóng vai trò là trục xoay các đảo vệ tinh khác.

Nước ngọt ở đây quý hơn vàng. Những giếng nước sinh hoạt của người dân đào chỉ cách biển vài chục mét, mỗi ngày chỉ mở miệng để lấy nước ăn, còn thì bưng kín bằng bê tông.

Cạnh đó, ngay sát lối đi, người ta quây các mảnh vườn treo trên đá nhỏ xíu để trồng rau ăn. Và cũng để tận dụng nước đã rửa rau, đã giặt đồ để tưới vài lần trong ngày. Một phụ nữ mặc bộ đồ màu tím điệu đà ra dáng một thợ may thâm niên ngồi bên thềm nhà với chiếc bàn ủi đã “tuyệt chủng” từ vài thập kỷ trước. Chiếc bàn ủi con gà bằng đồng lạnh giữ nhiệt, có khoang chứa than củi đốt nóng và chiếc khóa con gà tích nhiệt để ủi phẳng vải.

Trước đây, bàn ủi con gà nhập từ Pháp là đồ dùng xa xỉ, thảng hoặc mới xuất hiện ở những khu dân cư giao thương giàu có. Bóng dáng còn lại của một thời hòn đảo thịnh vượng vẫn còn hiện diện ở đây, dù cho đến nay, hệ thống điện lưới vẫn không thể vươn tới nơi xa xôi này. Vì thế mà những thứ đồ cổ đó vẫn hữu dụng, vẫn được dùng hàng ngày thay vì bị mua bán như một thứ đồ cổ từ lâu.

Tỷ lệ dân làm ngư nghiệp ở Nam Du là hơn 80%. Vì thế chỉ cách đây vài năm, Nam Du là một trung tâm dịch vụ nghề cá lớn nhất của biển Tây Nam. Lúc đó, hòn Củ Tron, hòn đảo lớn nhất của quần đảo khoảng 14 km2 là hình ảnh phản chiếu sự giàu có của vùng biển được ví như cái bụng hải sản của Biển Đông này.

Những DN lớn chuyên làm dịch vụ, sơ chế tôm, cá mực đông lạnh (nghề câu mực rất phát triển ở Nam Du) tập trung cả ở đây. Họ chuyên đón lõng tàu thuyền hoạt động trên biển Tây Nam, thu mua sơ chế hải sản, sau đó mới chuyển vào đất liền và xuất bán ở cảng Rạch Giá. Thời đó, rất nhiều lao động giản đơn, thủ công ở trên đảo sinh sống nhờ cả vào công việc làm thuê cho các DN này. Nam Du có khoảng 8.000 dân có hộ khẩu thường trú, lúc cao điểm mùa cá, số dân tạm trú làm ăn thời vụ ở đây được nhân lên gấp ba lần con số này.

Có rất nhiều lý do để xã An Sơn đang dần mất vai trò là một trung tâm hậu cần nghề cá. Ngư dân ở vùng biển Tây Nam giờ đây càng ngày càng mở rộng ngư trường ra xa. Hơn nữa, vì những bức bách về vốn đầu tư, họ càng muốn quay vòng vốn nhanh, bán nhanh những hải sản thu được trong ngày.

Địa điểm để tập kết hàng, lấy thêm dầu, ngư lưới cụ chuyển dần sang Phú Quốc, Thổ Chu và ngay trên vịnh Thái Lan. Nam Du hiện có trên chục chiếc tàu chuyên dụng hoạt động như một cửa hàng nổi buôn bán trên biển. Nhưng dần dà, nghề cá sa sút, dân làm dịch vụ cũng lao đao, bán bớt tàu, chuyển vào bờ làm nghề khác. Làng đảo sinh nghề gấp ngàn lần khó khăn hơn trước

Chị Ba Nguyệt, một phụ nữ trên bến cá chúng tôi gặp đang vá lưới nói: “Nam Du trước đây nhiều người giàu có lắm, vài năm nay mới lụn bại dần đi. Nhà tôi đi lưới cá đục, hôm trước bị trộm mất lưới, giờ phải mất chục triệu mua lại. Cá, tôm giờ cũng ít dần đi. Cào bay hoạt động dữ quá. Cộng với dân tứ chiếng trên biển quậy phá, cho nên làm ăn càng ngày càng khó”. Người phụ nữ này ở đảo đã 20 năm nay, chuyển từ Tuy Phong, Bình Thuận ra đây với 4 con trai lớn và sắm tàu đi biển. Hàng ngày chị ở nhà, vá lưới thuê và chờ tàu nhà mình đi biển về. Làm ăn được hay không phụ thuộc vào biển có êm thuận hay bão gió, cứ thế mà chỉ đủ đắp đổi qua ngày.

Nam Du hiện chỉ có một lớp 10 gồm 17 học sinh. Trước đây, học sinh tốt nghiệp cấp II nếu muốn học lên cấp III thì đều phải vào đất liền. Hòn đảo cũng thiếu những thiết chế giáo dục, y tế tối thiểu, ai có nhu cầu đành phải vào bờ. Mùa biển động thì tự cung tự cấp.

Nam Du đã từng được nhắm đến đầu tư một cảng trung chuyển nước sâu riêng để phục vụ cho vùng biển Tây Nam. Nhưng cơ hội mới chưa đến, thì kế sinh nhai truyền thống lại đang mất đi. Tiềm năng trở thành một trung tâm hậu cần nghề cá của biển Tây Nam lại đang chìm dần vào quá khứ.

Nam Du từng là mảnh đất hút người ở lại khi mà tỷ lệ nhập cư hàng năm ở đây vào loại kỷ lục trong số các xã đảo của huyện đảo Kiên Hải, Kiên Giang. Thế mà nay, câu chuyện tìm việc làm cho số phụ nữ, lao động phổ thông trên đảo lại trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Chỉ cần một DN dịch vụ nghề cá chuyển vào đất liền là nhịp độ cuộc sống ở quần đảo lại vắng vẻ và đầy lo âu.

Rời xã đảo An Sơn, một ngư phủ vừa đưa tàu cập bến sau chuyến ra khơi vất vả trở về nói với tôi: “Sống ở đảo là vậy thôi, các cô ơi, không phải cứ trời yên biển lặng thì cuộc sống được êm thuận đâu”. Nói rồi, ông vứt mạnh dây neo vào bờ buộc lại rồi ung dung bước trên sợi dây neo lên bờ, bỏ lại sau lưng ráng chiều lấp lánh buông trên biển…

Tin bài liên quan