SSI Research gợi ý 5 cổ phiếu sẽ tạo điểm nhấn tháng 12

SSI Research gợi ý 5 cổ phiếu sẽ tạo điểm nhấn tháng 12

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các phiên trong tuần cuối tháng 11 đã cho thấy bước chuyển biến tâm lý rất lớn trên thị trường. Dòng tiền mới từ khối ngoại được đẩy mạnh, tạo động lực cho dòng tiền cá nhân tham gia tìm cơ hội ngắn hạn, giúp thị trường giao dịch sôi động rõ rệt.

1.100 điểm đóng vai trò xác nhận diễn biến VN-Index

SSI Research dự báo, tăng trưởng GDP trong quý IV/2022 ước tính ở mức 5,5 - 6,0% và đạt 6 - 6,2% vào năm 2023. Khó khăn trong thời gian tới đến từ sự giảm tốc trong lĩnh vực sản xuất và rủi ro trong ngắn hạn tiếp tục là thanh khoản hệ thống, khi lượng trái phiếu doanh nghiệp đến hạn cao dần về cuối năm và lãi suất chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ngoài ra, ngay trong quý IV, ảnh hưởng từ lạm phát và lãi suất tăng có thể bộc lộ ở kết quả kinh doanh nhiều doanh nghiệp niêm yết.

Nhìn về kỳ vọng về dòng vốn trong thời gian tới, việc các quỹ chủ động và ETFs cùng đồng thuận giải ngân cùng lúc vào thị trường có thể sẽ tiếp tục quán tính vào các tuần đầu của tháng 12. Trên cơ sở đó, thị trường được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì được đà hồi phục sang các tuần đầu tháng 12, trong lúc các chính sách mới để hỗ trợ kinh tế và thị trường tài chính tiếp tục được công bố.

Chỉ số VN-Index hiện đã phục hồi gần 20% từ mức đáy thiết lập trong phiên ngày 16/11, theo đó hệ số định giá P/E dựa trên ước tính lợi nhuận năm 2022 của VN-Index cũng đã tăng lên mức 11,3 lần từ mức 9,7 lần ở thời điểm giữa tháng. Vì vậy, mặc dù vẫn kỳ vọng đà hồi phục thị trường sẽ tiếp diễn nhờ động lực từ khối ngoại, nhưng SSI cũng đánh giá thị trường đang đi vào vùng giá nhạy cảm và dễ phản ứng mạnh với các yếu tố rủi ro.

Về mặt kỹ thuật, chỉ số VN-Index bật lại và duy trì đà tăng cho đến thời điểm hiện tại, sau khi hình thành đáy ngắn hạn quanh vùng 874 điểm trong phiên ngày 16/11 với cây nến mang tính chất wash-out (rũ bỏ). Khác với các đợt hồi phục trước, nhịp hồi phục hiện tại của chỉ số diễn ra nhanh chóng với nhiều cây nến Long White Body (nến trắng thân dài) nối tiếp nhau, nhờ động lực mạnh mẽ từ khối ngoại.

MACD trên đồ thị ngày của VN-Index sau khi hình thành trạng thái phân kỳ dương so với đường giá, hiện đã quay lại trên mức 0. Khối lượng giao dịch trên HOSE cải thiện mạnh mẽ từ nửa sau tháng 11 sau khi VN-Index quay lại với xu hướng tăng ngắn hạn.

Khu vực 1.100 điểm sẽ đóng vai trò xác nhận diễn biến tiếp theo của VN-Index. Nếu chỉ số chinh phục thành công vùng cản 1.100 điểm này, đà hồi phục được kỳ vọng mở rộng lên vùng 1.125 - 1.135 điểm. Trường hợp lực cung gia tăng mạnh từ vùng cản này, VN-Index có thể sẽ điều chỉnh trở lại với vùng hỗ trợ đầu tiên là vùng 1.070 - 1.050 điểm.

5 cổ phiếu khuyến nghị đầu tư tháng 12

PHR - CTCP Cao su Phước Hòa

Lợi nhuận trước thuế quý IV/2022 ước đạt khoảng 553 tỷ đồng (tăng 111% so với cùng kỳ). Trong tháng 10 và 11, PHR đã nhận được 380 tỷ đồng từ thu nhập bồi thường đất. Năm 2023, lợi nhuận ước giảm 31% do thu nhập từ bồi thường đất thấp hơn. Từ năm 2024, PHR sẽ ghi nhận thu nhập liên quan đến khu công nghiệp thông qua các công ty liên doanh (VSIP và NTC).

Dự kiến, Công ty sẽ trả cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 40% trên mệnh giá (lợi suất 10%), ngày chốt danh sách 19/12/2022. Điều này cùng với sự tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ trong quý IV năm 2022 sẽ hỗ trợ giá cổ phiếu trong ngắn hạn.

FPT - CTCP FPT

Đồng Yên Nhật đã hồi phục 9% từ đáy là yếu tố tích cực cho mức tăng trưởng doanh thu mảng Công nghệ thông tin tại thị trường Nhật. Lũy kế 10 tháng năm 2022 doanh thu thị trường Nhật vẫn tăng trưởng 26% (nếu loại sự ảnh hưởng của đồng Yên). Thị trường Mỹ và APAC tiếp tục duy trì tăng trưởng tốt trong 10 tháng năm 2022 với lần lượt 46% và 46,6%.

Tính đến tháng 9/2022, FPT duy trì vị thế tiền mặt ròng lên tới 5,8 nghìn tỷ đồng và tỷ lệ khả năng thanh toán lãi vay đạt 12,8x. Hiện tại FPT giao dịch ở mức P/E năm 2022 và 2023 là 15,7x và 13x, vẫn ở mức chiết khấu khá hấp dẫn so với ngành là 17x & 15x. Mức P/E 2023 hiện tại của FPT khá hấp dẫn trong khi kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận năm 2023 ở mức 18%.

QTP - CTCP Nhiệt Điện Quảng Ninh

Hiện tại, QTP giao dịch tại mức P/E 2022 là 7,1x với mức tăng trưởng lợi nhuận ước tính năm 2022 khoảng 80% so với cùng kỳ. Ngoài ra QTP cũng chỉ giao dịch ở mức EV/EBITDA 2022 là 3,5x so với mức EV/EBITDA bình quân ngành khoảng 6x.

Tỷ lệ cổ tức tiền mặt ước tính năm 2022 là 17% mệnh giá - tương ứng với tỷ suất cổ tức là 13%. Với tình hình hiện tại, nhiều khả năng EVNGENCO1 sẽ tăng tỷ lệ chi trả cổ tức tiền mặt của QTP. Và qua đó kỳ vọng cổ tức tiền mặt năm 2023 có thể cao hơn ước tính hiện tại của SSI.

Giá than trong nước chênh lệch so với giá thế giới là một lợi thế của QTP. Chi phí sản xuất và giá thành từ nhóm nhà máy điện sử dụng than trộn sẽ thấp hơn và có thể được EVN huy động sản lượng nhiều hơn; trong đó có QTP.

PVT -Tổng công ty Vận tải Dầu khí Việt Nam

Giá cho thuê định hạn tàu tanker tiếp tục tăng trung bình 5% kể từ cuối quý III/2022, nối tiếp đà tăng mạnh trước đó. Với các hợp đồng thuê tàu gia hạn trong quý IV, PVT sẽ được hưởng mức giá thuê ngày cao hơn. SSI cho rằng, lợi nhuận trước thuế của PVT sẽ tăng trưởng 20% trong quý IV.

Tiếp nối việc thanh lý tàu PVT Athena trong quý III/2022, PVT sẽ tiếp tục thanh lý 2 tàu PVT Eagle và PVT Dragon, dự kiến lợi nhuận khoảng 10 - 15 tỷ đồng tàu. Trong khi đó, định giá cổ phiếu vẫn ở mức hấp dẫn, nhưng cần chọn điểm mua thích hợp. PVT có độ biến động sát với giá dầu trong quá khứ, do đó nhà đầu tư cần lựa chọn điểm mua an toàn, quanh mức 17.000 đồng/CP.

PLX - Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam

Lợi nhuận năm 2022 dự báo chạm đáy do nhiều yếu tố bất lợi diễn ra cùng lúc như: việc cắt giảm công suất tại nhà máy lọc dầu Nghi Sơn trong các tháng đầu năm; sự biến động mạnh của giá dầu, đặc biệt trong quý II và chuỗi cung ứng xăng dầu bị đứt gãy trong những tháng cuối năm do công thức tính giá bán lẻ xăng dầu chưa được điều chỉnh kịp thời.

Những yếu tố trên dự báo sẽ thuyên giảm nhiều trong năm 2023 với việc hoạt động tại nhà máy Nghi Sơn và giá dầu thế giới đã ổn định trở lại. Việc Nhà nước điều chỉnh tăng các chi phí định mức trong công thức tính giá bán lẻ xăng dầu sẽ có tác động rõ ràng hơn trong năm 2023. Nhờ đó, lợi nhuận trước thuế của PLX năm 2023 dự báo hồi phục lên mức trên 3.000 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 260% so với mức đáy 2022.

Bên cạnh đó, việc thoái vốn khỏi PGB nếu thành công cũng có thể mang lại một khoản lợi nhuận bất thường cho Công ty trong năm tới.

Tin bài liên quan