Đến nay, Ban điều hành STT vẫn chưa xây dựng kế hoạch kinh doanh 2014

Đến nay, Ban điều hành STT vẫn chưa xây dựng kế hoạch kinh doanh 2014

STT: Bất ổn nhân sự vẫn tiếp tục

(ĐTCK) 3/5 thành viên HĐQT đã làm đơn xin từ nhiệm, một phó tổng giám đốc từ chức, hàng loạt nhân sự quản lý bị bãi nhiệm trái pháp luật, nhưng những bất ổn của CTCP Vận chuyển Sài Gòn Tourist (STT) vẫn chưa dừng lại ở đây. 

Cổ đông lớn yêu cầu dừng thanh lý tài sản

Ngày 14/7 vừa qua, kiểm soát viên của Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (SaigonTourist), cổ đông lớn của STT đã có văn bản yêu cầu STT dừng ngay việc thanh lý tài sản.

Trước đó, ĐTCK đã phản ánh việc Ban giám đốc STT đệ trình lên HĐQT 3 tờ trình, do Tổng giám đốc Dư Hữu Danh ký, với nội dung xin bán tài sản lớn, bao gồm: thanh lý 100 xe taxi được đầu tư năm 2009, thanh lý khu đất có diện tích 616 m2 ở quận Gò Vấp (TP. HCM). Trong khi đó, Chủ tịch HĐQT Đỗ Phan Châu, người chủ trì cuộc họp HĐQT xem xét 3 tờ trình nói trên, không còn là người đại diện phần vốn Nhà nước, đã nghỉ hưu và không phải là cổ đông của Công ty. Sự việc này ngay lập tức đã tạo dư luận trong các cổ đông, thậm chí có nhóm cổ đông đã làm đơn kiến nghị UBND TP. HCM xem xét liệu có hay không việc Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc STT bán dần tài sản và sau khi sử dụng hết nguồn tiền thì sẽ đi đến giải thể hay phá sản Công ty.

Văn bản ngày 14/7 nêu rõ, SaigonTourist đang thực hiện Đề án tái cơ cấu và đề án này đã được UBND TP. HCM phê duyệt. Do đó, SaigonTourist không có chủ trương thanh lý tài sản. Việc Ban giám đốc STT trình phương án thanh lý tài sản đã làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của SaigonTourist.

Ngoài ra, kiểm soát viên cũng yêu cầu ông Đỗ Phan Châu, Chủ tịch HĐQT bàn giao lại công việc cho người đại diện phần vốn hiện tại của SaigonTourist tại STT. Trước đó, ngày 1/5, ông Châu đã nghỉ hưu nên nhiệm vụ của ông Châu tại STT đã chấm dứt, SaigonTourist đã chuyển giao phần vốn do ông Châu đại diện sang cho người khác.

Người đại diện vốn mới của SaigonTourist tại STT là ông Lê Danh Đạt cũng đã có văn bản báo cáo với HĐQT STT về ý kiến chỉ đạo của SaigonTourist theo hướng không đồng ý với đề xuất thanh lý tài sản. Với việc thanh lý 100 xe taxi, SaigonTourist yêu cầu phải xin ý kiến ĐHCĐ, với khu đất ở quận Gò Vấp, SaigonTourist không đồng ý bán vì đã thế chấp cho ngân hàng.

Bất ổn nhân sự HĐQT

Nhìn lại các diễn biến trước đó tại STT, ngày 22/5 vừa qua, bà Trương Thị Chinh, thành viên HĐQT đã có đơn xin từ nhiệm. Bà Chinh là người được Công ty TNHH Sắt thép Vinh Đa đề cử vào HĐQT, sau khi pháp nhân này thoái hết vốn tại STT thì bà Chinh cũng từ nhiệm.

Tiếp đó, ngày 10/7, ông Lê Danh Đạt, là người đại diện 29,1% vốn của SaigonTourist, đồng thời là ủy viên HĐQT cũng đệ đơn từ nhiệm. Nguyên nhân là do Văn bản số 34/CV-HĐTV ngày 1/7/2014 của SaigonTourist gửi STT đã nêu rõ, theo Đề án Tái cơ cấu của SaigonTourist thì Tổng công ty sẽ thoái toàn bộ phần vốn tại STT nên không tiếp tục cử nhân sự tham gia quản lý và kiểm soát Công ty. Theo chủ trương này, ông Lê Danh Đạt đã đệ đơn từ nhiệm.

Ngày 14/7, ông Đỗ Phan Châu đã có đơn từ nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT với lý do đã nghỉ hưu theo chế độ sau hàng loạt việc làm khiến cổ đông bức xúc.

Như vậy, đã có 3/5 thành viên HĐQT STT làm đơn xin từ nhiệm và HĐQT STT đã ra Nghị quyết thông qua đơn từ nhiệm của các thành viên này. Với 2 thành viên còn lại, HĐQT STT đã không đáp ứng các quy định tại Luật Doanh nghiệp cũng như Điều lệ Công ty, theo đó, HĐQT STT phải có tối thiểu 3 người, tối đa 5 người.

Trước tình hình này, HĐQT STT đang chuẩn bị tổ chức ĐHCĐ bất thường để bầu bổ sung các vị trí khuyết thiếu trong HĐQT. Theo Điều lệ mẫu áp dụng cho các công ty niêm yết cũng như Điều lệ của STT thì HĐQT hiện tại được phép bổ nhiệm bổ sung số thành viên HĐQT. Cụ thể, khoản 5, Điều 24, Điều lệ STT quy định: HĐQT có thể bổ nhiệm thành viên HĐQT mới để thay thế chỗ trống phát sinh và thành viên mới này phải được chấp thuận tại ĐHCĐ ngay sau đó. Sau khi được ĐHCĐ chấp thuận, việc bổ nhiệm thành viên mới đó sẽ được coi là có hiệu lực vào ngày được HĐQT bổ nhiệm. Như vậy, chỉ trong nay mai, STT sẽ bổ nhiệm 1 thành viên HĐQT và sau đó tổ chức ĐHCĐ để bầu bổ sung các thành viên HĐQT còn thiếu. Những nhân tố mới này hy vọng sẽ vực dậy STT khỏi tình trạng thua lỗ kéo dài.

Dấu hỏi về trách nhiệm của Saigon Tourist

Không chỉ bất ổn về nhân sự HĐQT, biến động của nhân sự Ban giám đốc STT cũng khiến cổ đông lo lắng bởi hoạt động kinh doanh ngày càng bết bát. Được biết, tháng 6/2013, một phó tổng giám đốc đã từ chức, hiện Ban giám đốc STT chỉ gồm ông Dư Hữu Danh, Tổng giám đốc và ông Phạm Tuấn Hà, Phó tổng giám đốc.

Năm 2013, HĐQT, Ban giám đốc nhận nhiệm vụ trước ĐHCĐ với chỉ tiêu doanh thu 88,1 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 8 tỷ đồng và trả cổ tức 2%. Nhưng thực tế, STT chỉ đạt doanh thu thuần 77 tỷ đồng, lỗ 5,5 tỷ đồng. Riêng quý IV/2013, Công ty lỗ 2,7 tỷ đồng, tăng gấp hơn 2 lần so với số lỗ quý III/2013 (1 tỷ đồng). Sang quý I/2014, Công ty tiếp tục ghi nhận khoản lỗ 1,8 tỷ đồng.

Giải trình về kết quả thua lỗ trước Uỷ ban Chứng khoán và Sở GDCK TP. HCM, Ban giám đốc STT chỉ nêu nguyên nhân chi phí năm nay cao hơn năm trước, nhưng không đưa ra phân tích chi tiết nào cũng như không có biện pháp khắc phục. Và dù đã đi qua hơn nửa năm 2014, Ban giám đốc STT vẫn chưa xây dựng được phương án sản xuất - kinh doanh, chưa giao kế hoạch cho các đơn vị thành viên như Trung tâm Đào tạo lái xe, Công ty Bảo vệ Long Vân… Với tình trạng này, việc thua lỗ trong năm 2014 là điều khó tránh khỏi.

Không những thế, những quyết định của Ban giám đốc STT về nhân sự cũng có vấn đề khi vào năm 2013, Công ty đã bãi nhiệm hàng loạt nhân sự quản lý. Sau đó nhóm nhân sự này đã gửi đơn khiếu nại lên Chánh thanh tra Sở Lao động Thương binh Xã hội TP. HCM. Kết quả thanh tra cho thấy, nội dung đơn khiếu nại là đúng sự thật và Thanh tra Sở yêu cầu STT phải thu hồi các quyết định bãi nhiệm trái pháp luật của Tổng giám đốc.

Đáng chú ý, ông Dư Hữu Danh, nhân sự của SaigonTourist cử xuống tham gia quản lý tại STT từ tháng 12/2012, nhưng ông Danh đệ trình phương án thanh lý hàng loạt tài sản có giá trị của Công ty, dường như SaigonTourist không được biết ngay từ đầu.

Việc thanh lý tài sản được nhắc đến lần đầu vào ngày 3/6 khi HĐQT triệu tập cuộc họp, nhưng phải đến ngày 10/7, SaigonTourist mới có ý kiến chỉ đạo về việc thanh lý tài sản thông qua đại diện vốn là ông Lê Danh Đạt và đến ngày 14/7, kiểm soát viên của SaigonTourist mới lên tiếng về việc này.

Trước tình trạng này, một số cổ đông STT bày tỏ thái độ bất bình với cổ đông lớn SaigonTourist và cho rằng, SaigonTourist phải chịu trách nhiệm về quyết định của các nhân sự là đại diện của SaigonTourist tại STT, trong đó có ông Dư Hữu Danh.

Trong đơn thư kiến nghị gửi tới UBND TP. HCM, nhóm cổ đông sở hữu 30% vốn của STT còn đề nghị UBND TP. HCM có ý kiến chỉ đạo SaigonTourist cử người mới có trách nhiệm và trình độ thay thế nhân sự hiện tại. Cụ thể, đề nghị thay Tổng giám đốc STT và quyết định phương án thuê Tổng giám đốc có năng lực để điều hành STT có hiệu quả.

Như trên đã phản ánh, SaigonTourist sẽ thoái hết vốn tại STT, do đó, không cử người tham gia điều hành và kiểm soát tại công ty này. Bởi vậy, cổ đông cho rằng, SaigonTourist nên sớm rút nhân sự điều hành để Công ty có phương án nhân sự mới vực dậy doanh nghiệp. 

Tin bài liên quan