Sự chờ đợi của đất

Sự chờ đợi của đất

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chín đỏ rực cả một khuôn hình khi cậu em chụp hình bằng flycam vườn thanh long nhà ông Ba. Khác với mọi năm, năm nay ông Ba ít thu hoạch trái…

1. Khi xe chạy qua vườn nhà ông Ba, con gái tôi nói: “Mẹ ơi, thanh long rụng nhiều quá!”. Nhìn theo tay cô con gái, các trái thanh long đỏ đẹp rụng nhiều, tạo thành gam màu rực rỡ trong nắng hanh mùa khô Sài Gòn. Cậu em cho máy flycam chuyển động, rồi lát sau đổ vào laptop cho mọi người coi. Mười ngàn mét vuông thanh long trở nên bé nhỏ khi nhìn từ trên xuống, như ô cờ rực lên. Màu đỏ của trái, màu xanh của lá đan xen. Không ngờ vườn thanh long khi flycam lại đẹp tới vậy.

Ông Ba là hàng xóm của tôi. Bảy năm trước, khi tôi mua mảnh vườn này, hàng tuần xuống vườn để trồng cây, rẫy vườn mía, luôn nhìn thấy lão nông cặm cụi chăm sóc thanh long. Bất kể khi ấy là nắng đổ lửa giữa mùa khô hay cơn mưa rào vụt qua, cũng thấy bóng của ông thấp thoáng trong vườn.

Thời điểm đó, đất còn rẻ, chưa bằng 1/10 hiện giờ và thanh long đỏ giống Đài Loan thì mắc. Thanh long trắng ăn lạt lẽo, màu sắc nhìn cũng nhạt nhẽo. Riêng thanh long đỏ thì tuyệt vời. Ngọt sắc. Ăn xong tươi đỏ cả môi khỏi cần đánh son. Xắt trái cây ra dĩa thì bà nội trợ tha hồ trang trí, bày vẽ. Màu đỏ tím của thanh long khiến người ta ấn tượng.

Khi bắt đầu trồng vườn, tôi đã sang ông Ba xin ít cành về trồng. Và trong khi chờ cây lớn lên, cho trái, tôi thường xuyên qua bên ông Ba mua thanh long về ăn, hoặc tặng bạn bè. Ngoài chợ bán lẻ 40 ngàn đồng/kg, mua tại vườn chỉ có 25 ngàn đồng/kg thôi. Lần nào cũng khệ nệ bưng cả chục ký lên xe, trước là thắp nhang cúng ông bà, sau là bỏ tủ lạnh ăn dần. Thanh long càng để héo càng ngọt, nên trữ được lâu lắm.

Ông Ba chính là người chủ cũ, bán các miếng đất xung quanh cho một nhà đầu tư. Người này hợp thửa, tách sổ, bán cho khách từ trên thành phố xuống mua. Ông bán đất đi để lấy tiền đầu tư vào vườn thanh long, bán cho thương lái. Thời cao điểm, xe tải lớn chạy xuống thu mua, chắn hết cả đường đi. Trồng cây ăn trái mà không sử dụng thuốc này kia, thì chẳng được trái đẹp đâu. Tôi ở kế bên nên biết, thường dặn ông hái ở chỗ khoảnh nào mà đã phun xịt thuốc lâu rồi, cho yên tâm. Khi ra siêu thị, tôi thường thấy các tai trên trái thanh long xanh còn cả trái thì chín đỏ, tuy nhiên không biết giải thích vì sao. Chỉ khi làm hàng xóm ông Ba, và khi cây trái trong vườn nhà lớn dần lên thu hoạch, mới hiểu người nông dân phải sử dụng một loại thuốc bôi vào từng tai trên trái. Họ cần mẫn đi vuốt tai cho thanh long, bởi vì “người mua thích như vậy”. Chứ chín đỏ nguyên trái thì lại chẳng ai mua. Lạ vậy chứ!

Có những buổi chiều muộn, ông Ba bật đèn sưởi cho cả vườn thanh long đầy bông. Có đèn, không phải để canh trộm đâu, mà để bông ấm mau đậu trái. Vườn cây thanh long rực bóng đèn, đẹp không thể tả. Côn trùng bị đánh lừa tưởng trời sáng, im re hết.

Nhưng, thời hoàng kim của thanh long đỏ không được bền lâu. Cứ mỗi năm một chút, giá đất tạo mặt bằng mới mà giá thanh long thì rớt thảm. Người ta không xuất bán đi nước ngoài được. Bán ở thị trường nội địa vô cùng rẻ mạt. Thanh long có thời điểm chỉ còn có 5 ngàn đồng/kg. Không đủ để chi trả cho bất cứ hoạt động duy trì nào.

Thanh long đỏ mà lại không hên, ngọt mà lại không dịu.

2. Ông Ba dần vắng bóng trên vườn thanh long. Mỗi lần xuống vườn chơi, tôi thường kêu ông Ba để đưa ông chai nước ngọt đã ướp lạnh mà ông thích uống. Nhưng đã lâu, không nhìn thấy ông. Từ nhà ông Ba dưới Long An tới được vườn thanh long cũng chừng 30 km chứ không ít. Xưa, thanh long có giá trị thì còn chăm chút. Nay, thanh long mất giá thì chăm làm chi cho mệt. Chắc ông Ba chỉ quanh quẩn ở nhà. Thỉnh thoảng thấy có người tới xịt cỏ dưới chân các trụ thanh long, rồi đi. Người ta cũng chẳng thèm quan tâm việc rẫy cỏ đi sau khi cỏ đã khô kiệt. Vườn thanh long bị bỏ mặc.

Mấy tháng trước, tôi tới đã thấy một vạt đất bên vườn ông Ba bỏ trụ thanh long để trồng mai vàng. Những cây mai vàng nhỏ xíu, lọt thỏm, nhìn không “hoành tráng” nhưng có lẽ lợi nhuận thu lại tốt hơn cây trái. Nhưng hai năm nay, mai vàng vào dịp Tết cũng không đắt hàng. Dân tình thu nhập khó khăn, thắt chặt chi tiêu thời dịch bệnh, người trồng hoa lẫn người buôn hoa đều kêu than lắm. Không biết ông Ba thích nghi thế nào.

Trong khi giá đất khu này đã tăng tới 10 lần.

Lúc mới bán đất, tôi hỏi ông Ba bán chi sớm cho uổng, ông nói bán đi để lấy tiền đầu tư cho thanh long. Mấy năm trước khi thanh long còn được giá, tiền thu hoạch đã lại tái đầu tư vào vườn để mua phân, mua thuốc, thuê nhân công hết rồi. Giờ thì đầu tư gì nữa khi thanh long rẻ như cho, càng làm càng lỗ.

Ông Ba có 3 cậu con trai. Ông nói 10 ngàn mét vuông còn lại này, ông sẽ chia đều cho các con sau khi ông qua đời. Không hỏi kỹ các con của ông làm gì, nhưng nhìn sự lam lũ, vất vả của ông Ba, hẳn rằng các con ông cũng bận đi mưu sinh, ít có thời gian để tâm chăm sóc cha.

Ở rẻo đất này, cứ tới gần Tết là các hội đá gà hoạt động xôm tụ. Có lần gia đình tôi xuống vườn vào dịp Tết, xe đang chạy vào bỗng thấy người ta túa ra ngược chiều nhốn nháo. Lát sau mới biết họ tưởng công an chạy tới hốt vụ đá gà ăn tiền, nên sợ hãi giải tán. Và cứ sau Tết, là bao gia đình tại địa phương lại rao bán đất, như là “truyền thống” vậy.

Người nông dân không mặn mà với ruộng vườn nữa, đều có lý do cả. Họ đâu có nề hà gì với nắng mưa, chỉ là chẳng thể đu đeo mãi với sự lỗ vốn. Vườn thanh long của ông Ba tôi mới ngắm lại gần đây, đẹp thật. Cây trái đẹp, thế đất đẹp, 2 mặt tiền.

Có thể rồi tới đây, vườn thanh long sẽ không còn nữa. Ông Ba già rồi, các con ông cũng không thể trông chờ vào vườn này để có tiền sinh sống. Rồi miếng đất 10 ngàn mét vuông sẽ chuyển đổi làm gì, cho chủ mới hay không, chưa ai biết. Nhưng có điều chắc chắn rằng, cây trái không thể chờ mãi thương lái khi đã vào vụ, còn đất thì chờ đợi được hoài.

Ai cá gì với tôi, sẽ mời ly rượu mừng năm mới!

Tin bài liên quan