Sự cố "sập sàn": Không nhận được hay không nhận diện được?!

Sự cố "sập sàn": Không nhận được hay không nhận diện được?!

Phỏng vấn ông Lê Hải Trà, Ủy viên Thường trực Hội đồng Quản trị Sở GDCK Hồ Chí Minh (HOSE) lý giải về nguyên nhân xảy ra sự cố đối với hệ thống giao dịch tại HOSE ngày 30/8:

- Thưa ông, ông cho rằng vì có tới 2 máy mang địa chỉ IP của máy chủ, nên hệ thống (máy) của các công ty chứng khoán (CTCK) không nhận ra, khiến cho không kết nối được. Thế nhưng cũng theo ông thì giao dịch vẫn diễn ra và thực tế có diễn ra. Vì sao có thông tin mâu thuẫn như vậy?

 

- Trước hết, Sở GDCK TP.HCM rất lấy làm tiếc vì sự cố vừa qua, và qua đây thành thực gửi lời xin lỗi đến nhà đầu tư cả nước, trong nước và nước ngoài. Về nội dung lý giải nguyên nhân sự cố mất màn hình điện tử sáng qua, thực tế hoàn toàn không có gì mâu thuẫn cả. Vì hệ thống của các CTCK không nhận diện được máy nào là máy chủ thông tin, nên không thể kết nối vào máy chủ để lấy thông tin về đưa lên bảng điện tử. Vì vậy, nói “không nhận diện được nên không kết nối được” là đúng, chứ nói “không nhận lệnh được” là không đúng. Bằng chứng là trong phiên 1 hệ thống vẫn nhận lệnh, vẫn giao dịch khớp lệnh được. Bởi vậy, không có gì mâu thuẫn ở đây.

 

- Nhưng nếu nói rằng máy của CTCK không nhận diện được máy chủ để nhận thông tin, thì tại sao lại nhận diện ra máy chủ để nhập lệnh vào?

 

- Ở đây lại phải nói rõ hơn về kết cấu hệ thống tại Sở GDCK và cơ chế kết nối. Tại Sở GDCK, có 3 máy là: máy chủ khớp lệnh, là nơi xử lý các lệnh đưa vào giao dịch và cho ra kết quả giao dịch; thứ hai là máy chủ công bố thông tin, còn gọi là PRS, là nơi để đưa các thông tin kết quả giao dịch khớp lệnh về màn hình của các CTCK; và thứ ba là máy chủ thông tin kết quả, là nơi chuyển tải các kết quả tức thì của hoạt động giao dịch khớp lệnh.

 

Đây là 3 con đường đi khác nhau. Vì vậy việc nhập lệnh của nhà đầu tư từ CTCK thông qua đại diện sàn vào máy chủ khớp lệnh là không có hề gì. Con đường thứ hai là thông tin giao dịch khớp lệnh từ Sở GDCK đưa về CTCK cũng không có gì trục trặc. Chỉ duy nhất việc kết nối từ máy của CTCK vào máy chủ công bố thông tin. Chính địa chỉ của máy chủ này bị phát sinh địa chỉ IP thêm ở một máy khác (hoặc là có một máy khác nữa lại mang đúng địa chỉ của máy này), nên máy của CTCK không nhận diện ra, không kết nối vào được.

 

- Nói là máy của CTCK không kết nối được vào máy chủ công bố thông tin để lấy kết quả nên không thể hiện được trên màn hình điện tử, vậy cũng có thể nói là thông tin từ máy chủ của Sở DGCK không truyền đến được máy của CTCK?

 

- Muốn truyền, lấy thông tin, trước hết, máy của CTCK phải kết nối được vào máy chủ của Sở GDCK. Vì ở đây máy của CTCK không kết nối được vào máy chủ công bố thông tin của Sở GDCK, nên không liên lạc được với nhau, nên việc truyền, nhận không thực hiện được. Chính vì vậy mà Sở GDCK mới nhờ đến lực lượng nhân viên đại diện sàn của các CTCK thông báo tình hình về cho công ty của mình, để giúp nhà đầu tư nắm bắt.

 

- Trong buổi họp báo ông có nói là “nhờ” các nhân viên đại diện sàn, nhưng cũng có nói là “đây là nhiệm vụ của họ”. Thực tế nhiệm vụ của họ là nhập lệnh vào máy chủ?

 

- Cái này thì phải nói dài dòng về TTCK một chút. TTCK trên thế giới có cách đây vài trăm năm, lúc đó không có vi tính, Internet gì cả. Người ta thông báo số liệu cho người ngồi tại sàn GDCK bằng nhiều cách, như ra dấu bằng tay, viết lên bảng…

 

Và cũng vì không có vi tính, Internet, màn hình điện tử… nên nhà đầu tư không biết gì cả về diễn biến của phiên giao dịch. Vì vậy, nhân vên dại diện sàn là người có nhiệm vụ thông báo cho CTCK về tình hình diễn biến thị trường, để CTCK thông báo lại cho nhà đầu tư biết mà ra quyết định.

 

Vì vậy, công việc này là một nhiệm vụ của đại diện sàn, chứ không phải Sở GDCK TP.HCM bỗng nghĩ ra thêm công việc cho họ rồi nói là trách nhiệm, để chia sẻ trách nhiệm của mình. Tuy nhiên về sau này, vì có các phương tiện về đường truyền, màn hình điện tử, nên mọi diễn biến của thị trường được hiển thị trực tiếp, do đó đại diện sàn không làm các công việc này nữa.

 

- Nhưng nhân viên bận nhập lệnh, và không thể cùng một lúc nhập lệnh cho cả trăm mã chứng khoán, lại đồng thời phải đọc về công ty những con số “3 giá” của hàng ngàn lệnh mua, lệnh bán , chưa nói là sẽ có sự lẫn lộn?

 

- Rất đồng ‎ý là quá trình giao dịch sẽ có bị ảnh hưởng, sẽ có chậm lại. Nhưng trong tình huống như vậy thì dùng giải pháp tình thế, cũng là một cách để hỗ trợ tạm thời.

                                                                                       Theo VNE

Tin liên quan:

>>“Chết” bảng giao dịch điện tử tại HOSE
>>Bảng chứng khoán điện tử HOSE tê liệt do trùng IP