Đối với DN, có rất nhiều vấn đề cần lập vi bằng nhằm tạo điều kiện giải quyết tranh chấp phát sinh sau này dễ dàng hơn

Đối với DN, có rất nhiều vấn đề cần lập vi bằng nhằm tạo điều kiện giải quyết tranh chấp phát sinh sau này dễ dàng hơn

Sử dụng thừa phát lại tạo lợi thế khi tranh chấp

(ĐTCK) Ông Nguyễn Văn Lạng, Trưởng văn phòng Thừa phát lại Ba Đình cho rằng, trong sản xuất kinh doanh, nếu DN sử dụng vi bằng thì sau này sẽ thuận tiện cho việc giải quyết tranh chấp, yêu cầu bồi thường hoặc khởi kiện lên tòa án.
Thưa ông, chế định thừa phát lại đã được thực hiện thí điểm từ năm 2009 và từ năm 2015 đã được thực hiện chính thức trên toàn quốc, nhưng nhiều cá nhân cũng như DN vẫn chưa hiểu rõ thừa phát lại là gì?

Trong nền kinh tế thị trường phát triển như hiện nay, các quan hệ kinh tế, dân sự phát triển đa dạng, phức tạp, dễ dẫn đến nhiều tranh chấp, mâu thuẫn, thậm chí là vi phạm pháp luật. Vì vậy, Nhà nước đã cho phép xã hội hóa nhiều dịch vụ hỗ trợ tư pháp như công chứng, giám định, thừa phát lại… để cung cấp các dịch vụ pháp lý giúp cho cá nhân, tổ chức bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Thừa phát lại là người được Nhà nước bổ nhiệm để làm các công việc về thi hành án dân sự, tống đạt giấy tờ, lập vi bằng và các công việc khác theo quy định của pháp luật.

Cụ thể hơn, thừa phát lại là người tống đạt văn bản theo yêu cầu của tòa án và cơ quan thi hành án dân sự; lập vi bằng; xác minh điều kiện thi hành án và trực tiếp tổ chức thi hành án.

Sử dụng thừa phát lại tạo lợi thế khi tranh chấp ảnh 1

 Ông Nguyễn Văn Lạng

Ông đề cập đến vi bằng, vậy vi bằng là gì? Giá trị pháp lý của vi bằng ra sao?

Nói ngắn gọn thì vi bằng là văn bản do thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác.

Đó là một tài liệu bằng văn bản có hình ảnh, video, âm thanh kèm theo (nếu cần thiết). Trong tài liệu đó, thừa phát lại sẽ mô tả, ghi nhận lại hành vi, sự kiện mà đích thân thừa phát lại chứng kiến một cách trung thực, khách quan.

Tất cả các hành vi, sự kiện, giao dịch xảy ra trong cuộc sống hàng ngày đều có thể được lập thành văn bản. Nhà nước trao cho thừa phát lại quyền được làm việc đó. Tài liệu này có giá trị chứng cứ trước tòa án nếu các bên có phát sinh tranh chấp liên quan đến sự kiện, hành vi lập vi bằng.

Trong giai đoạn thí điểm thực hiện chế định thừa phát lại, ta đã thấy nhiều vụ việc đình đám có sự tham gia của thừa phát lại, chẳng hạn vụ việc thừa kế nghìn tỷ của người phụ nữ bán bún. Khi kiểm kê khối tài sản của người quá cố, thừa phát lại đã có mặt để lập vi bằng. Vi bằng có giá trị chứng cứ trước tòa án xác nhận người quá cố có khối tài sản đúng theo vi bằng ghi nhận. Nếu không có thừa phát lại ghi nhận mà chỉ gồm các cá nhân chứng kiến việc kiểm kê và ký biên bản thì sau này có thể phát sinh những lời khai trái ngược với biên bản và như vậy tòa án sẽ phải xác minh lại.

Từ ngày 1/7 tới đây, khi Bộ luật Tố tụng dân sự có hiệu lực, giá trị chứng cứ của vi bằng sẽ được quy định rõ rệt. Vào thời điểm Quốc hội bỏ phiếu thông qua dự luật này thì chế định thừa phát lại vẫn còn đang thí điểm, chưa được triển khai chính thức. Do đó, Bộ luật chưa đưa vào những nội dung liên quan đến thừa phát lại, nhưng có ghi nhận rằng, các văn bản do cơ quan tổ chức khác được giao xác lập đúng pháp luật thì cũng là nguồn chứng cứ trước tòa. 

Vậy có hạn chế nào về nội dung thỏa thuận mà thừa phát lại được ghi nhận hay không? Liệu có phải thỏa thuận dân sự nào cũng được thừa phát lại ghi nhận?

Về cơ bản thì mọi giao dịch, sự kiện, giao dịch đều có thể được lập vi bằng, nhưng phải không trái pháp luật, không vi phạm đạo đức xã hội, không vi phạm điều cấm của pháp luật. 

Có trường hợp nào vi bằng bị hủy hoặc không được công nhận không thưa ông?

Có, nếu vi bằng được lập không đúng quy định pháp luật như vi phạm thẩm quyền, không thuộc phạm vi nội dung của thừa phát lại. Ví dụ, thừa phát lại lập vi bằng thuộc thẩm quyền của công chứng thì vi bằng không được công nhận. Hoặc vi bằng ghi nhận công việc đang thuộc thẩm quyền của cơ quan Nhà nước, vi phạm bí mật đời tư, quyền riêng tư. Những trường hợp này đều không được phép làm.

Sau khi thừa phát lại lập vi bằng thì phải đăng ký tại Sở Tư pháp, như vậy Sở sẽ làm một bước kiểm tra lại xem có đúng thẩm quyền hay không, có thuộc loại bị pháp luật cấm hay không. Nếu rơi vào các trường hợp như vậy, vi bằng sẽ không được đăng ký và bị trả lại cho thừa phát lại. Đồng nghĩa, nếu có tranh chấp thì tòa án không công nhận đó là chứng cứ. 

Vậy trong sản xuất kinh doanh, DN có thể lập vi bằng trong những trường hợp nào để củng cố giá trị pháp lý phòng khi xảy ra tranh chấp?

Ví dụ, hai bên mua bán một lô hàng, khi lô hàng đến tay người mua thì phát hiện hàng bị vỡ hỏng, ẩm ướt không đúng chủng loại, tức là phát hiện một số khiếm khuyết của hàng hóa. Thông thường bên nhận mời bên có thẩm quyền, ví dụ như các đơn vị giám định, làm thủ tục kiểm định chất lượng lô hàng. Nhưng theo quy định về kiểm định thì đơn vị kiểm định sẽ phải kiểm định toàn bộ lô hàng và chi phí kiểm định rất cao.

Nhưng nếu mời thừa phát lại thì thừa phát lại sẽ ghi nhận sự kiện lô hàng đang ở đâu, tình trạng lô hàng như thế nào, tất cả tình trạng mà thừa phát lại nhìn thấy đều được ghi nhận và vi bằng sẽ là căn cứ để bên mua yêu cầu bên bán bồi thường. Nếu kiện ra tòa thì đó là chứng cứ và chi phí lập vi bằng thấp hơn rất nhiều so với chi phí giám định.

Hoặc cũng là hợp đồng mua bán, bên bán giao hàng chậm trễ, nếu được thừa phát lại ghi nhận thì đây là căn cứ để bên mua yêu cầu bồi thường hoặc khởi kiện.

Hay đơn giản là bên cạnh trụ sở công ty, người ta xây dựng làm lún nứt hoặc cần cẩu đổ làm hư hỏng tài sản, nếu mời cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ tốn nhiều thời gian và có thể hiện trường bị xáo trộn. Công ty có thể mời thừa phát lại, ghi nhận cần cẩu đổ ở đâu, tài sản đổ vỡ ra sao kịp thời và là chứng cứ có giá trị pháp lý.

Nhìn chung, đối với DN, có rất nhiều vấn đề cần lập vi bằng nhằm tạo điều kiện giải quyết tranh chấp phát sinh sau này dễ dàng hơn.

Hiện tại, các vi bằng tại Văn phòng chúng tôi vẫn chủ yếu là do cá nhân yêu cầu. DN có yêu cầu lập vi bằng, nhưng chưa nhiều và chủ yếu trong lĩnh vực vi phạm bản quyền và một số cuộc họp HĐQT, ĐHCĐ. 

Nội dung vi bằng không được ảnh hưởng đến người thứ 3

Vừa qua, ĐTCK có phản ánh vụ kiện tại Vũng Tàu, theo đó, hai bên đã lập hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất với giá trị 10,2 tỷ đồng, có công chứng, chứng thực và sau đó, cơ quan quản lý nhà nước đã thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bên mua. Bên mua đã dùng Giấy chứng nhận này để thế chấp ngân hàng vay hàng chục tỷ đồng.

Một thời gian sau, hai bên xuất trình một hợp đồng viết tay với giá trị 50 tỷ đồng (để giảm thuế) và đề nghị thừa phát lại lập vi bằng với nội dung thỏa thuận: nếu bên mua không thanh toán nốt số tiền còn thiếu (28 tỷ đồng) thì bên bán được quyền khởi kiện đề nghị tòa án hủy bỏ hợp đồng mua bán và không phải trả lại bên mua 22 tỷ đồng đã nhận.

Cuối cùng, hai bên đưa nhau ra tòa án. Qua 2 cấp xét xử, tòa án thừa nhận hiệu lực của hợp đồng không có công chứng chứng thực và cho rằng, hợp đồng chưa hoàn thành việc bên bán đề nghị hủy hợp đồng là có căn cứ nên chấp nhận yêu cầu khởi kiện.

Vụ việc này khiến nhiều ngân hàng lo ngại về nguy cơ mất tài sản bảo đảm cũng như dấy lên băn khoăn về nội dung thỏa thuận trong vi bằng. Nguy cơ này không chỉ xảy với ngân hàng mà còn là rủi ro cho cá nhân khác tham gia giao dịch nhà đất.

Ông Nguyễn Văn Lạng, Trưởng văn phòng Thừa phát lại Ba Đình cho rằng, giao dịch mua bán có công chứng chứng thực và đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận, nay các bên thỏa thuận lại, dù là trên cơ sở tự nguyện, thì vẫn có hạn chế, bởi dù thỏa thuận thế nào cũng không được làm ảnh hưởng đến người thứ 3. Bộ luật Dân sự quy định rõ, các thỏa thuận dân sự phải tự nguyện, không trái pháp luật, không trái đạo đức xã hội và không ảnh hưởng đến người thứ 3.

Nhùng nhằng việc giám định dẫn tới tranh chấp kéo dài

Năm 2015, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội đã đưa ra xét xử vụ kiện tranh chấp hợp đồng mua bán giấy phế liệu. Công ty P.P đã ký hợp đồng nhập khẩu giấy phế liệu với Công ty Balance Industry, số lượng 1.000 tấn, phải đảm bảo độ ẩm không quá 12% và một số điều kiện khác về hợp chất.

Khi mở container đầu tiên được đưa về kho, đại diện Công ty P.P nghi ngờ độ ẩm không đạt yêu cầu, có thể vượt quá 12%. Do đó, Công ty P.P đã liên lạc với người đại diện của bên bán - Công ty Balance Industry và đề nghị mời CTCP Tập đoàn VinaControl giám định chất lượng hàng hóa.

Sau khi có kết quả giám định của VinaControl, Công ty P.P gửi công văn khiếu nại tới Công ty Balance Industry nhưng hai bên không giải quyết được với nhau.

Tòa án đã triệu tập đơn vị giám định và tại phiên tòa đã xảy ra nhiều tranh cãi giữa các bên về giám định, ví dụ địa điểm giám định không đúng như hợp đồng quy định, chứng thư giám định nêu sử dụng tiêu chuẩn TC4407 2011 không nằm trong tiêu chuẩn nào của Việt Nam, chủ thể giám định không có năng lực được công nhận trong lĩnh vực giám định giấy phế liệu, Chứng thư không có giá trị pháp lý...

Tòa án đã hoãn phiên tòa để các bên làm rõ việc giám định và đã mở lại phiên xét xử vào đầu tháng 5, nhưng vẫn chưa đưa ra kết quả cuối cùng.

Tin bài liên quan