Sự ghi nhận của nhà đầu tư giúp BIDV chào sàn thành công

Sự ghi nhận của nhà đầu tư giúp BIDV chào sàn thành công

(ĐTCK) Cuối tuần qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đón nhận một sự kiện quan trọng là hơn 2,8 tỷ cổ phiếu BID (Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV) đã chào sàn thành công,với mức giá đóng cửa 18.800 đồng/CP, đạt khối lượng giao dịch rất cao, với hơn 8,4 triệu cổ phiếu.  Báo Đầu tư Chứng khoán đã có cuộc trao đổi với ông Trần Phương, Phó Tổng giám đốc BIDV về  sự kiện này. 
 

Giá cổ phiếu BID tăng so với giá dự kiến chào sàn, ông đánh giá thế nào về kết quả của phiên giao dịch đầu tiên?

Trước khi niêm yết, chúng tôi đã khẳng định mức giá 18.700 đồng/CP là mức giá phù hợp và cổ phiếu BID là cổ phiếu  tốt, hấp dẫn trên thị trường. Phải khẳng định lại một lần nữa, mức giá chào sàn đã được BIDV tính kỹ bằng nhiều phương pháp khác nhau, trong đó có tính tới cả yếu tố diễn biến thị trường hiện tại.

Tôi cho rằng, việc cổ phiếu BID được giao dịch với mức giá và khối lượng tốt chứng tỏ sự quan tâm của nhà đầu tư tới Ngân hàng rất lớn, thể hiện niềm tin về tiềm năng phát triển của BIDV. Còn ở góc độ ngân hàng, chúng tôi đã cam kết mang lại giá trị cho nhà đầu tư và thực hiện nghiêm túc và đầy đủ cam kết đó.

Qua các trường hợp niêm yết trong quá khứ, cổ phiếu ngân hàng thường tạo được sự hào hứng nhất thời, sau đó rất khó tạo sự hấp dẫn cho cổ đông?

Việc lên sàn niêm yết một cách công khai, minh bạch nằm trong kế hoạch của BIDV từ rất lâu, vấn đề chỉ là thời điểm thị trường phù hợp. Hoạt động ngân hàng chịu ảnh hưởng chung của nền kinh tế và phụ thuộc vào năng lực quản trị kinh doanh của mỗi ngân hàng. Do vậy, việc giá cổ phiếu biến động sau niêm yết là bình thường và phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Nhưng ở góc độ ngân hàng, tôi cho rằng, việc niêm yết là tất yếu. Không chỉ là yêu cầu mới đây của Chính phủ, mà còn từ nhu cầu nội tại là sự minh bạch trong hoạt động, tạo ra giá trị cho cổ đông, tạo ra những cơ hội tham gia đầu tư của nhà đầu tư trong và ngoài nước… Hoạt động ngân hàng cần đảm bảo yếu tố bền vững và lâu dài, chính vì vậy, việc niêm yết của BIDV không phải nhằm đẩy giá lên cao để bán, mà là một bước đi hướng tới các chuẩn mực quản trị tiên tiến của một ngân hàng hiện đại. Điều này sẽ đem lại giá trị lâu dài cho các cổ đông. Tôi tin rằng, sẽ có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đồng hành cùng BIDV trên chặng đường đó.

Các nhà đầu tư thường có sự so sánh giữa các doanh nghiệp trong một ngành. Đâu là điểm khác biệt giữa cổ phiếu BID và các cổ phiếu ngân hàng khác?

Phải khẳng định, BIDV là ngân hàng có truyền thống lâu đời nhất trong hệ thống ngân hàng Việt Nam (được thành lập từ năm 1957 - PV), luôn đứng trong Top đầu hệ thống ngân hàng Việt Nam về thị phần và mức độ đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp và nền kinh tế. BIDV là ngân hàng duy trì được tốc độ tăng trưởng cả về quy mô và kết quả hoạt động, ổn định và vững chắc qua các năm, là ngân hàng có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, được các tổ chức kiểm toán, định hạng tín nhiệm quốc tế xác nhận. Đặc biệt, văn hóa doanh nghiệp của BIDV đã và đang được tập thể người lao động vun đắp qua cả chiều dài lịch sử. Đó là những nhân tố tạo nên sự khác biệt của BIDV và cũng là nhân tố đảm bảo sự tăng trưởng bền vững.

Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015” theo Quyết định 254/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ rõ, phấn đấu đến năm 2015, Việt Nam có 1 - 2 ngân hàng tầm cỡ khu vực. BIDV đang hướng tới mục tiêu đó, tất nhiên còn rất nhiều việc phải làm, nhưng trước mắt chúng tôi đã chuẩn bị các nguồn lực cần thiết mang tính nền tảng để đạt được mục tiêu.

Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV gõ cồng khai trương phiên chào sàn cổ phiếu BID

Cụ thể các bước đi đó là như thế nào, thưa ông?

Đầu tiên là tăng sức cạnh tranh ngay tại thị trường trong nước. Kể từ khi kinh tế Việt Nam mở cửa đã có thêm rất nhiều ngân hàng cổ phần và ngân hàng nước ngoài tham gia thị trường. Tuy nhiên, BIDV đã chuyển động kịp thời và trước một bước với hàng loạt giải pháp nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro, mở rộng mạng lưới, đầu tư công nghệ và phát triển nguồn nhân lực…, nên sức cạnh tranh tăng mạnh, duy trì được vị trí trong nhóm dẫn đầu về thị phần. Tiếp đó, cách đây 6 năm, BIDV đã đẩy mạnh một bước mở rộng hoạt động của mình ra thị trường quốc tế. Đến nay, BIDV và công ty bảo hiểm thành viên đã có chi nhánh, ngân hàng liên doanh và hiện diện thương mại tại rất nhiều quốc gia như Lào, Campuchia, Myanmar, Séc… Riêng tại thị trường Lào và Campuchia, ngân hàng liên doanh và BIC đã cạnh tranh được và giữ vị trí trong Top đầu. Tôi cho rằng, đây là những cơ sở quan trọng và kinh nghiệm cần thiết để BIDV bước vững chắc ra thị trường quốc tế trong tương lai.

Ngoài ra, BIDV đã có chiến lược tái cấu trúc và nâng cấp hoạt động khá toàn diện được NHNN chấp thuận và đang triển khai. Một trong những bước đi đó là thu hút thêm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài để tăng năng lực tài chính, kinh nghiệm quản trị quốc tế trong hoạt động ngân hàng.

Quay lại với kế hoạch năm 2014, ông đánh giá thế nào về khả năng đạt kế hoạch của BIDV?

BIDV đặt mục tiêu tăng trưởng các chỉ tiêu chủ yếu của mình năm 2014 khoảng 20% so với năm 2013, mục tiêu này dựa trên kịch bản kinh tế năm 2014 của Chính phủ.

Tuy nhiên, ở góc độ ngân hàng, chúng tôi cho rằng, kinh tế Việt Nam năm 2014 có cơ hội phát triển vượt kế hoạch do hội tụ nhiều yếu tố tích cực như vĩ mô ổn định nhờ sự điều hành quyết liệt của Chính phủ thông qua đề án tái cấu trúc toàn diện nền kinh tế, thu hút nước ngoài sẽ tiếp tục khởi sắc, số lượng doanh nghiệp phục hồi hoạt động và tăng trưởng tốt hơn… Như vậy, BIDV sẽ có những cơ hội tốt hơn để không chỉ hoàn thành kế hoạch kinh doanh, mà còn vượt kế hoạch đề ra.

Tin bài liên quan