Sự phù hợp của NVDR tại Việt Nam

Sự phù hợp của NVDR tại Việt Nam

(ĐTCK) Nới lỏng hạn mức đầu tư nước ngoài trong TTCK đối với các nền kinh tế mới nổi là một bước quan trọng của tự do hóa TTCK. Bên cạnh đó, trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới và thị trường tài chính khu vực, nới lỏng hạn mức đầu tư nước ngoài trong TTCK Việt Nam là bước phát triển tất yếu.

>> NVDR - Một sáng kiến thành công của TTCK Thái Lan

>> Kỳ 2: Giao dịch, thanh toán bù trừ NVDR

TTCK Việt Nam đã xuất hiện dấu hiệu chững lại, khi giai đoạn 2011 - 2012, giá trị giao dịch so với giá trị vốn hóa chỉ còn 22%, so với mức 50 - 80% trong thời gian 2008 - 2010. Ngoài ảnh hưởng từ nền kinh tế nói chung, việc chưa đẩy mạnh thu hút vốn nước ngoài vào thị trường cũng là một hạn chế. Hiện tại, Việt Nam được xếp vào nhóm thị trường sơ khai, trong khi nhiều nước khác trong khu vực Đông Nam Á đã được đưa vào nhóm thị trường mới nổi. Tại thời điểm 31/12/2012, giá trị vốn hoá của TTCK Việt Nam tại cả hai sàn là 41,7 tỷ USD, nhỏ hơn nhiều lần so với 460 tỷ USD của Thái Lan, 427 tỷ USD của Indonesia và 186 tỷ USD của Philippines. Trong khi đó, nhu cầu của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) đối với thị trường Việt Nam vẫn còn khá lớn, đặc biệt là đối với các cổ phiếu được đánh giá tốt và triển vọng, họ phải mua thông qua các giao dịch ngoài sàn với giá luôn cao hơn giá trên sàn từ 20 - 30%.

Sự phù hợp của NVDR tại Việt Nam ảnh 1NVDR có thể được dùng như một “thuốc thử” trước khi “trực tiếp” nâng trần sở hữu nước ngoài tại Việt Nam

 

NVDR đáp ứng nhu cầu hiện tại của TTCK Việt Nam

Thu hút sự tham gia của các tổ chức đầu tư quốc tế chuyên nghiệp nằm trong chiến lược phát triển mà TTCK Việt Nam hiện đang hướng tới, để có thể thúc đẩy xây dựng được một cơ sở NĐT chuyên nghiệp, lành mạnh. Trong đó, có một bộ phận NĐTNN đáng kể không quan tâm đến quyền biểu quyết, tham gia đầu tư chỉ nhằm mục đích thu lợi nhuận từ quyền lợi tài chính và biến động giá cổ phiếu. Giải pháp NVDR đáp ứng được một cách thỏa đáng nhu cầu của nhóm NĐTNN này. NVDR vừa giúp NĐTNN có thể tham gia đầu tư vào các cổ phiếu đã chạm trần sở hữu nước ngoài, nhưng vẫn đảm bảo quy định về giới hạn sở hữu nước ngoài đối với cổ phiếu.

Thêm vào đó, NVDR là một giải pháp mà cơ quan quản lý và các sàn giao dịch có thể hoàn toàn chủ động triển khai. NVDR không phụ thuộc vào tình hình kinh tế, cụ thể là kế hoạch tăng vốn của doanh nghiệp. Do đó, NVDR có thể triển khai trên tất cả các cổ phiếu niêm yết thuộc nhiều ngành khác nhau. Ngoài ra, NVDR có thể được phát hành có hạn mức trong giai đoạn đầu và về lâu dài có thể không bị giới hạn trên số lượng cổ phiếu niêm yết. Hai yếu tố này giúp NĐTNN có thể tiếp cận sâu rộng các cổ phiếu niêm yết của Việt Nam . Việc tham gia của các tổ chức nước ngoài (quỹ ETF, CTCK…) vào thị trường cũng vì thế mà thuận lợi hơn.

Ngoài các tác động tích cực đến nền kinh tế và TTCK như các giải pháp nới lỏng hạn mức đầu tư nước ngoài khác, NVDR được kỳ vọng sẽ tạo một lực đẩy giúp tăng cường hình ảnh của TTCK Việt Nam trong cộng đồng đầu tư quốc tế, góp phần cải thiện chất lượng TTCK thông qua việc tác động đến hai tiêu chí quan trọng trong đánh giá mức độ hấp dẫn của một TTCK bao gồm:

Thứ nhất, quy mô vốn hóa NĐTNN có thể đầu tư. Đây là một trong các tiêu chí hàng đầu được dùng bởi NĐT quốc tế và các tổ chức quốc tế (như tổ chức tính toán chỉ số) khi quyết định lựa chọn quốc gia đầu tư hoặc xếp nhóm TTCK. Mức vốn hóa NĐTNN có thể đầu tư phải đạt được đến một quy mô nhất định thì mới thu hút được NĐT quốc tế. Với quy mô vốn hóa quá nhỏ bé so với các nước trong khu vực Đông Nam Á, trong khi, tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng thấp, cộng với giới hạn sở hữu đối với NĐTNN càng làm cho thị trường Việt Nam trở nên kém thu hút NĐT quốc tế. NVDR giúp làm tăng quy mô vốn hóa NĐTNN có thể đầu tư, từ đó giúp tăng cường hình ảnh TTCK Việt Nam trong cộng đồng đầu tư quốc tế.

Thứ hai, tính thanh khoản. Ưu điểm nổi bật nhất của NVDR là tính thanh khoản, thể hiện ở 2 góc độ: (1) tính thanh khoản cao của chính bản thân sản phẩm NVDR; (2) giúp gia tăng đáng kể thanh khoản của cổ phiếu cơ sở. Điều này có được là do chỉ tồn tại một sổ lệnh (lệnh giao dịch NVDR được khớp trong cùng sổ lệnh với lệnh giao dịch cổ phiếu) và khả năng chuyển đổi NVDR thành cổ phiếu khi cổ phiếu còn room nước ngoài.

 

NVDR là sản phẩm “bước đệm” an toàn

Nới lỏng hạn mức đầu tư nước ngoài trong TTCK Việt Nam là bước đi cần thiết và tất yếu trong quá trình Việt Nam phát triển TTCK và hội nhập thế giới. Việc cần phải cân nhắc là nên nới lỏng theo lộ trình như thế nào (lĩnh vực áp dụng, thời gian triển khai và hình thức thực hiện).

Trong điều kiện Việt Nam vẫn còn trần sở hữu 49% hoặc nới lỏng hơn, việc nâng room nước ngoài một cách “gián tiếp” cho tất cả ngành thông qua NVDR có những ưu điểm sau:

lĐối với những ngành cần có sự bảo hộ của giới hạn trần sở hữu nước ngoài, NVDR là một giải pháp an toàn, phù hợp với chính sách của cơ quan quản lý.

lĐối với những ngành có thể mở cửa dần hoặc mở cửa hoàn toàn đối với nước ngoài, NVDR là một sản phẩm có vai trò “bước đệm” vô cùng cần thiết trong lộ trình. NVDR có thể được dùng như một “thuốc thử” trước khi “trực tiếp” nâng trần sở hữu nước ngoài.

 

Một số vướng mắc khi triển khai NVDR tại Việt Nam

Với mô hình giao dịch NVDR đã điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện Việt Nam (đăng trong kỳ 2), vẫn còn đó một số vướng mắc cả về mặt tâm lý lẫn nghiệp vụ cần phải được tháo gỡ. Theo mô hình Thái Lan, Tổ chức phát hành NVDR sẽ không tham gia họp đại hội đồng cổ đông hay bỏ phiếu. Do đó, có thể phát sinh 3 vướng mắc bao gồm: (1) ảnh hưởng đến việc triệu tập đại hội đồng cổ đông (lần 1 là 65%); (2) ảnh hưởng đến các mốc biểu quyết nhạy cảm (ví dụ làm tăng tỷ lệ biểu quyết một số cổ đông vượt 35% có quyền phủ quyết); (3) tạo ra quan ngại khối NĐTNN nắm quyền bỏ phiếu nhiều hơn trong nước (nếu NVDR chiếm 10%, thì tỷ lệ bỏ phiếu là 49/90 cho NĐT nước ngoài, 41/90 cho NĐT trong nước)...

Những vướng mắc về quyền biểu quyết có thể được giảm thiểu bằng các giải pháp như phân bổ lại quyền biểu quyết hoặc chỉnh sửa Luật Doanh nghiệp (dự kiến được thay đổi trong thời gian vài năm tới). Trong giai đoạn đầu triển khai, NVDR có thể áp dụng hạn mức phát hành, ví dụ 20% trên tổng số lượng cổ phiếu niêm yết, để không ảnh hưởng lớn đến việc tổ chức thành công đại hội đồng cổ đông.

 

Lời kết

Tuy vẫn còn một số vướng mắc, nhưng với những lợi ích thiết thực cho TTCK nói riêng và nền kinh tế nói chung, NVDR là một trong những giải pháp phù hợp TTCK Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.