Thị phần xuất khẩu của Trung Quốc không ngừng tăng trưởng kể từ năm 2011 - 2014

Thị phần xuất khẩu của Trung Quốc không ngừng tăng trưởng kể từ năm 2011 - 2014

Sự thật đằng sau việc hạ giá NDT của Trung Quốc

(ĐTCK) Trong tuần qua, Trung Quốc đã tạo nên những chấn động mới trên thị trường tài chính bằng việc hạ giá đồng nhân dân tệ (NDT) ở mức kỷ lục kể từ năm 1994.

Có nhiều lý do được đưa ra để giải thích cho hành động này, trong đó, nổi trội nhất là nhằm hỗ trợ xuất khẩu. Tuy nhiên, liệu đây có phải là mục đích thực sự của giới chức Trung Quốc?

Trong 3 ngày liên tiếp, kể từ ngày 11/8, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã hạ giá đồng NDT xuống 4,6%. PBOC cho biết, hành động này là một phần của nỗ lực điều chỉnh các chính sách trên thị trường ngoại tệ, qua đó cho phép thị trường đóng vai trò lớn hơn trong việc quyết định tỷ giá.

Đến ngày 14/8, PBOC điều chỉnh tỷ giá tăng nhẹ 0,05%, một động thái được xem là nhằm xoa dịu các nhà đầu tư trên thị trường. Trước đó, trả lời báo chí ngày 13/8, Phó thống đốc Yi Gang cho biết, PBOC không cần thiết phải tiếp tục hạ giá đồng NDT thêm nữa, bởi việc điều chỉnh chính sách “về cơ bản đã hoàn thành”.

Trước hành động của PBOC, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, quốc gia này “cố tình” phá giá tiền tệ để hỗ trợ cho xuất khẩu, khi lĩnh vực này đang suy giảm mạnh. Tuy nhiên, báo cáo mới đây của Citigroup Inc đã bác bỏ quan điểm trên. Theo Citigroup, việc điều chỉnh tỷ giá của PBOC không hỗ trợ được nhiều cho xuất khẩu của Trung Quốc, thậm chí có thể đẩy nhanh việc các dòng tiền đổ ra bên ngoài.

Sự thật đằng sau việc hạ giá NDT của Trung Quốc ảnh 1 
Trong tháng 7 vừa qua, xuất khẩu của Trung Quốc giảm 8,3% so với đầu năm nay. Thông tin này làm dấy lên nỗi lo ngại của các nhà đầu tư về tình trạng giảm phát của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Theo Citipgroup, tuy xuất khẩu của Trung Quốc giảm mạnh trong tháng vừa qua, nhưng giá trị xuất khẩu vẫn tương đương với phần lớn các quốc gia phát triển khác.

Mặc dù xuất khẩu có chậm lại, lĩnh vực này vẫn là thế mạnh vượt trội của Trung Quốc so với nhiều đối thủ khác trên thị trường. Thị phần xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng vào khoảng 15% trong năm ngoái, từ mức 8,7% trong tháng 1/2010, theo số liệu của Bloomberg. Thị phần tăng ngay cả khi đồng NDT chịu lạm phát xấp xỉ 33% so với đồng tiền của các quốc gia khác trước khi bị hạ giá.

“Không có chứng cứ rõ ràng nào cho thấy các công ty cũng như nhà xuất khẩu của Trung Quốc hưởng lợi đặc biệt nhờ thay đổi tỷ giá. Mục tiêu của việc hạ giá NDT không phải là gây chiến tranh tiền tệ hay hỗ trợ xuất khẩu”, David Lubin, chuyên gia kinh tế trưởng về các thị trường đang nổi tại Citigroup cho biết.

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới trì trệ, hoạt động xuất khẩu đã và đang gặp nhiều khó khăn. Theo số liệu của Ngân hàng thế giới, giá trị xuất khẩu chiếm 23% nền kinh tế thế giới trong năm 2014, so với mức đỉnh 36% năm 2006. Xuất khẩu của Trung Quốc có suy giảm theo xu thế chung, nhưng vẫn ở mức độ tốt hơn so với các quốc gia xuất khẩu khác (tiêu biểu là Singapore, Brazil, Thái Lan, Hungary và Indonesia), theo Citigroup.

Alex Wolf, chuyên gia kinh tế các thị trường đang nổi tại Standard Life Investments Ltd cho biết: “Trung Quốc không hề mất đi tính cạnh tranh trên thị trường. Hạ giá tiền tệ không đủ sức để đẩy mạnh triển vọng tăng trưởng kinh tế của quốc gia này”.

Citigroup cho rằng, nguyên nhân chính khiến chính sách tỷ giá của Trung Quốc thay đổi là để nâng cao cơ hội đưa đồng NDT trở thành một trong các đồng tiền dự trữ (SDR) của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Hành động này đang được xem là bước đi đúng đắn khi IMF cho biết: “Việc hạ giá đồng NDT không có ảnh hưởng trực tiếp đối với tiêu chuẩn xem xét tiêu chuẩn của đồng tiền SDR. Thay vào đó, thị trường càng đóng vai trò lớn trong việc quyết định tỷ giá thì đồng NDT càng có cơ hội được góp mặt trong rổ tiền tệ dự trữ”.

Trước nỗi lo đồng NDT sẽ tiếp tục bị điều chỉnh giảm, các chuyên gia kinh tế nhận định, Trung Quốc sẽ không có bước đi quá đà. Bloomberg đã tiến hành khảo sát đối với các chuyên gia trên thị trường, theo đó, đồng NDT sẽ ở mức 1 USD đổi 6,35 NDT cho tới cuối năm nay, tức là cao hơn 0,8% so với mức đóng cửa ngày 13/8. Các chuyên gia của Credit Suisse Group AG là những người bi quan nhất, dự đoán NDT sẽ giảm thêm khoảng 4% cho tới cuối năm, giao dịch ở mức 1 USD đổi 6,65 NDT.

Tin bài liên quan