Thị trường bảo hiểm đã tạo kênh huy động vốn quan trọng cho nền nền kinh tế, giải quyết việc làm, an sinh xã hội cho hàng triệu người

Thị trường bảo hiểm đã tạo kênh huy động vốn quan trọng cho nền nền kinh tế, giải quyết việc làm, an sinh xã hội cho hàng triệu người

Sửa Luật Kinh doanh bảo hiểm: Khai thông nguồn lực đầu tư cho nền kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đã bổ sung quy định về các nguồn vốn đầu tư, nguyên tắc đầu tư, đầu tư ra nước ngoài… Đáng chú ý, giới hạn các tài sản đầu tư có thể bị bãi bỏ, nhằm góp phần khai thông nguồn lực đầu tư cho nền kinh tế.

Thống nhất giữa các luật liên quan

Nội dung sửa đổi, bổ sung liên quan đến hoạt động đầu tư tại dự thảo Luật Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) nhằm phù hợp với quy định của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán và Luật Các tổ chức tín dụng.

Cụ thể, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm không được phép đi vay để đầu tư chứng khoán, bất động sản hoặc góp vốn vào doanh nghiệp khác, trừ trường hợp vay đối với trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc, kho tàng... Hạn chế đầu tư vào các tài sản có tính thanh khoản thấp hoặc có tính đầu cơ như kim loại quý, tài sản cố định vô hình. Quy định này dựa trên kinh nghiệm được Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) thống kê.

Ban soạn thảo cho biết, với bản chất là kinh doanh, quản trị rủi ro, doanh nghiệp bảo hiểm phải bảo đảm cam kết với khách hàng, thu phí và sử dụng số tiền thu được đem đi đầu tư. Việc bảo đảm nghĩa vụ với khách hàng tham gia bảo hiểm phải được ưu tiên hàng đầu, cũng như hoạt động kinh doanh bảo hiểm là hoạt động cốt lõi của doanh nghiệp. Vì vậy, cấm doanh nghiệp không được đi vay để đầu tư nhằm hạn chế rủi ro vỡ nợ.

Còn việc hạn chế đầu tư trực tiếp bất động sản là xuất phát từ rủi ro đầu tư bất động sản, tính thanh khoản thấp của loại hình đầu tư này. Doanh nghiệp chỉ được phép đầu tư vào gián tiếp vào bất động sản, nhằm tránh rủi ro đầu cơ và giảm rủi ro thanh khoản. Quy định này được tham khảo kinh nghiệm của các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc..., cũng như quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng.

Trong 9 tháng đầu năm 2021, nguồn vốn đầu tư trở lại nền kinh tế của các doanh nghiệp bảo hiểm ước đạt 535.867 tỷ đồng, tăng 23,37% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 54.172 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 481.695 tỷ đồng.

Thực tế, Luật Kinh doanh bảo hiểm và các văn bản hướng dẫn thi hành cho phép doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư kinh doanh bất động sản tối đa 20%/10% vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ/phi nhân thọ, nhưng không hướng dẫn cụ thể về các hình thức đầu tư vào bất động sản. Ngoài ra, theo Luật Kinh doanh bất động sản, các tổ chức, cá nhân phải thành lập doanh nghiệp để kinh doanh bất động sản. Do vậy, hiện vẫn chưa có công ty bảo hiểm nào đầu tư vào bất động sản.

Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) bổ sung quy định về nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm. Theo đó, nguồn vốn của công ty bảo hiểm là vốn chủ sở hữu, nguồn tiền thu được của người tham gia bảo hiểm được đem trích lập dự phòng nghiệp vụ và nguồn hợp pháp khác theo quy định pháp luật. Để đảm bảo việc chi trả thường xuyên các yêu cầu trả tiền bảo hiểm, bồi thường bảo hiểm, dự thảo Luật chỉ cho phép doanh nghiệp đem đầu tư một phần dự phòng nghiệp vụ, phần còn lại phải giữ tiền mặt để chi trả cho khách hàng.

Bên cạnh đó, dự thảo bổ sung nguyên tắc đầu tư để đảm bảo tính thống nhất trong thực hiện và quản lý đầu tư, trong đó quy định rõ dự phòng nghiệp vụ chỉ được phép đầu tư tại Việt Nam, trừ trường hợp dự phòng nghiệp vụ của hợp đồng bảo hiểm có đối tượng bảo hiểm ở ngoài lãnh thổ Việt Nam và hợp đồng bảo hiểm có quyền lợi liên kết với chỉ số nước ngoài. Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh bảo hiểm nước ngoài được tăng cường tính chủ động trong hoạt động đầu tư. Tùy theo chiến lược kinh doanh, việc quản trị rủi ro tài sản và bảo hiểm, doanh nghiệp được phép lựa chọn tài sản đầu tư nằm trong phạm vi không bị hạn chế của Luật.

Đồng thời, dự thảo bổ sung quy định về đầu tư ra nước ngoài. Thời gian qua, một số doanh nghiệp bảo hiểm đã mở rộng hoạt động đầu tư ra nước ngoài dưới hình thức góp vốn thành lập doanh nghiệp bảo hiểm (tại Lào, Campuchia) như BIC. Thị trường bảo hiểm ở nhiều nước đang phát triển tại châu Á, châu Phi, châu Mỹ được đánh giá là tiềm năng khi tỷ lệ bao phủ bảo hiểm thấp hơn so với bình quân của thế giới. Mặt khác, với mục tiêu Việt Nam trở thành trung tâm tài chính bảo hiểm của khu vực, cùng với sự lớn mạnh của các doanh nghiệp, việc mở rộng hoạt động kinh doanh, đầu tư ra nước ngoài là tất yếu.

Tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường trong 9 tháng đầu năm 2021 ước đạt 151.993 tỷ đồng, tăng 15,38% so với cùng kỳ năm 2020

Tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường trong 9 tháng đầu năm 2021 ước đạt 151.993 tỷ đồng, tăng 15,38% so với cùng kỳ năm 2020

Việt Nam hiện là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và hơn 20 hiệp định thương mại khác. Tận dụng các cam kết quốc tế về hiện diện thương mại và cung cấp dịch vụ qua biên giới, cùng với việc mở rộng hàng hóa xuất nhập khẩu sang các quốc gia khác, doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam sẽ có thêm khách hàng tại nước ngoài.

Việc đầu tư ra nước ngoài phải đảm bảo không được ảnh hưởng đến an toàn vốn và khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm; tuân thủ theo quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, pháp luật về đầu tư ra nước ngoài, pháp luật về quản lý ngoại hối; được Bộ Tài chính chấp thuận và thực hiện dưới tên của doanh nghiệp đó; thực hiện quản lý và theo dõi tách biệt nguồn vốn đầu tư, tài sản đầu tư, doanh thu, chi phí của hoạt động đầu tư ra nước ngoài; không được sử dụng tiền, tài sản của người tham gia bảo hiểm trong nước để bù đắp lỗ, thiếu hụt tiền của hoạt động đầu tư ra nước ngoài.

Quy định trên nhằm minh bạch hóa, bảo đảm công bằng giữa chủ sở hữu và các khách hàng tham gia bảo hiểm. Việc tách quỹ bảo đảm doanh nghiệp bảo hiểm ưu tiên sử dụng tiền phí thu được của khách hàng phục vụ cho chính hợp đồng của khách hàng. Việc theo dõi tách biệt các nguồn vốn, tài sản, doanh thu, chi phí góp phần theo dõi hiệu quả hoạt động bảo hiểm của doanh nghiệp. Cơ quan quản lý, doanh nghiệp bảo hiểm, nhà đầu tư, khách hàng tham gia bảo hiểm có thể thuận tiện đánh giá hiệu quả hoạt động nghiệp vụ bảo hiểm, nghiệp vụ nào lãi, lỗ, quy mô và mức độ tăng trưởng…, qua đó phản ánh chất lượng quản lý kinh doanh, xu thế phát triển và rủi ro tiềm tàng của doanh nghiệp. Việc tách quỹ còn nhằm bảo đảm an toàn cho các hoạt động kinh doanh trong nước và hoạt động kinh doanh tại nước ngoài của các doanh nghiệp bảo hiểm (Luật Bảo hiểm của Singapore và Malaysia có các quy định tương tự).

Đề xuất bỏ giới hạn các tài sản đầu tư

Hoạt động đầu tư của khối công ty bảo hiểm thời gian qua chưa đa dạng, trong khi nguồn vốn đầu tư ngày càng lớn. Việc đa dạng hóa hoạt động đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm trên cơ sở nâng cao công tác quản lý vốn theo rủi ro sẽ góp phần khai thông nguồn lực đầu tư cho nền kinh tế.

Danh mục đầu tư của khối công ty bảo hiểm phi nhân thọ chủ yếu là tiền gửi tại các tổ chức tín dụng, chiếm 79,8% tổng số tiền đầu tư. Số còn lại được đầu tư vào trái phiếu chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương (2,8%); cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp có bảo lãnh và không có bảo lãnh, chứng chỉ quỹ, góp vốn vào doanh nghiệp khác, ủy thác đầu tư (16,3%); cho vay, kinh doanh bất động sản (1,1%).

Đa dạng hóa hoạt động đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm trên cơ sở nâng cao công tác quản lý vốn theo rủi ro sẽ góp phần khai thông nguồn lực đầu tư cho nền kinh tế.

Tỷ suất lợi nhuận hoạt động đầu tư trong năm qua vào cổ phiếu, trái phiếu đạt 6%, tiền gửi, trái phiếu chính phủ là 7%, các khoản đầu tư góp vốn vào doanh nghiệp khác là 2%.

Đối với khối bảo hiểm nhân thọ, hoạt động đầu tư được cải thiện hơn, song danh mục đầu tư vẫn chưa đa dạng.

Tại Việt Nam, do chưa áp dụng mô hình quản lý trên cơ sở rủi ro, nên quy định hiện hành về đầu tư được đánh giá là thận trọng, các loại tài sản được đầu tư bị giới hạn, thiếu vắng tài sản đầu tư có thời hạn dài trên thị trường để cân đối thời hạn giữa tài sản với trách nhiệm.

Từ năm 2015 trở về trước, có nhiều đợt phát hành trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 - 15 năm, nhưng thiếu những kỳ hạn dài hơn, trong khi nhu cầu từ doanh nghiệp bảo hiểm luôn cần trái phiếu kỳ hạn dài hoặc trái phiếu không có trái tức (zero coupon bond) để kéo dài kỳ hạn đầu tư của tài sản, hạn chế rủi ro tái đầu tư, rủi ro mất cân bằng giữa thời hạn của tài sản đầu tư và thời hạn trách nhiệm. Kể từ năm 2016, Chính phủ phát hành trái phiếu kỳ hạn 20 năm và 30 năm, nhưng giá trị gọi thầu khiêm tốn, khoảng 13% tổng giá trị trái phiếu gọi thầu tất cả các kỳ hạn. Mức lãi suất kỳ vọng để các doanh nghiệp bảo hiểm có thể đầu tư ít nhất bằng tỷ lệ lạm phát cộng với 3%.

Doanh nghiệp bảo hiểm được phép đầu tư gián tiếp ra nước ngoài (tự doanh hoặc ủy thác qua công ty quản lý quỹ) từ nguồn vốn chủ sở hữu vượt quá vốn pháp định hoặc biên khả năng thanh toán tối thiểu, tùy số nào lớn hơn. Doanh nghiệp được tự doanh đầu tư vào các loại công cụ đầu tư do Ngân hàng Nhà nước quy định nhưng không quá 5% tổng số chứng khoán đang lưu hành của một tổ chức nước ngoài (trừ trái phiếu chính phủ nước ngoài) và không vượt quá hạn mức tự doanh đăng ký đã được Ngân hàng Nhà nước xác nhận.

Về đầu tư cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi và chăm sóc sức khỏe, hiện không có quy định riêng, doanh nghiệp bảo hiểm có thể thực hiện đầu tư gián tiếp thông qua mua cổ phiếu, trái phiếu hoặc góp vốn vào doanh nghiệp thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi.

Đối với các công cụ phái sinh cho mục đích giảm thiểu rủi ro, trong các loại hình tài sản đầu tư quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm và Nghị định 73/2016/NĐ-CP hướng dẫn thi hành không đề cập đến công cụ này.

Về cho vay, Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định, doanh nghiệp bảo hiểm được cho vay theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, nhưng Nghị định 73/2016/NĐ-CP không có quy định về cho vay và theo Luật Các tổ chức tín dụng, chỉ các tổ chức tín dụng mới được cho vay. Trên thực tế, các doanh nghiệp bảo hiểm chỉ cho khách hàng tạm ứng trên cơ sở giá trị hoàn lại của hợp đồng bảo hiểm với tỷ lệ rất nhỏ so với tổng tài sản đầu tư (tỷ lệ này năm 2018 là 2,6%).

Hiện các hoạt động cho vay cho các dự án/thương mại khá phổ biến trên thị trường, nhưng các doanh nghiệp bảo hiểm chưa được hướng dẫn cụ thể để thực hiện.

Nhằm thúc đẩy thị trường bảo hiểm tiếp tục phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, hiệu quả, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về hoạt động đầu tư theo hướng bỏ giới hạn các tài sản đầu tư mà doanh nghiệp có thể đầu tư như quy định hiện hành. Thay vào đó, tính toán số vốn tối thiểu cần thiết tương ứng với từng loại hình tài sản đầu tư của từng doanh nghiệp, qua đó góp phần khai thông nguồn lực đầu tư cho nền kinh tế.

Những doanh nghiệp đầu tư vào các loại hình tài sản đầu tư có độ rủi ro cao, tính thanh khoản thấp sẽ có yêu cầu về vốn tối thiểu cao hơn so với các doanh nghiệp đầu tư vào các tài sản có tính an toàn cao. Ngoài ra, cho phép doanh nghiệp được đầu tư ra nước ngoài đối với một số trường hợp. Đề xuất chính sách này sẽ gắn liền với mô hình vốn trên cơ sở rủi ro được áp dụng và rủi ro tài sản sau khi được lượng hóa phù hợp với tình hình thị trường.

Tin bài liên quan