Suy thoái kinh tế chưa xảy ra nhưng kinh tế toàn cầu sẽ đối mặt với hiện tượng đình trệ

Suy thoái kinh tế chưa xảy ra nhưng kinh tế toàn cầu sẽ đối mặt với hiện tượng đình trệ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các nhà kinh tế nói rằng, một cuộc suy thoái toàn cầu sẽ chưa xảy ra, nhưng nền kinh tế sẽ đối mặt với chi phí gia tăng và tốc độ tăng trưởng chậm hơn.

Simon Baptist, nhà kinh tế trưởng toàn cầu tại Economist Intelligence Unit cho biết: “Sẽ không có hiện tượng suy thoái đột ngột sau khi kinh tế đình trệ”.

Khi căng thẳng ở Ukraine và đại dịch gián đoạn tiếp tục tàn phá chuỗi cung ứng, hiện tượng kinh tế đình trệ với tăng trưởng thấp và lạm phát cao sẽ tồn tại "ít nhất trong 12 tháng tới", ông cho biết.

Ông nói thêm: “Giá hàng hóa sẽ bắt đầu giảm từ quý tới, nhưng vẫn cao hơn so với trước khi căng thẳng ở Ukraine diễn ra vì lý do đơn giản là nguồn cung nhiều mặt hàng của Nga sẽ bị cắt giảm vĩnh viễn”.

Đại dịch cũng như xung đột ở Ukraine đã kìm hãm nguồn cung cấp hàng hóa cũng như việc phân phối hiệu quả thông qua các chuỗi cung ứng toàn cầu không hiệu quả, buộc giá hàng hóa hàng ngày như nhiên liệu và thực phẩm phải tăng lên.

Tuy nhiên, trong khi giá cả cao hơn sẽ làm thiệt hại cho các hộ gia đình, thì tốc độ tăng trưởng ở nhiều nơi trên thế giới mặc dù chậm, nhưng vẫn đang tiếp tục diễn ra và thị trường việc làm vẫn chưa sụp đổ.

Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp ở nhiều nền kinh tế đã xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.

Vì vậy, trong khi cảnh giác với sự lặp lại của cuộc suy thoái toàn cầu cuối cùng do cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn của Mỹ gây ra hơn 10 năm trước, người tiêu dùng không cần phải bắt đầu chuẩn bị cho một cuộc suy thoái.

Nhà kinh tế Baptist cho biết: “Đối với hầu hết các nền kinh tế của châu Á, suy thoái là khá khó xảy ra nếu chúng ta đang nói về các giai đoạn tăng trưởng GDP âm liên tiếp”.

Nhà kinh tế cho biết, ngay cả khi nền kinh tế toàn cầu đứng trước nguy cơ suy thoái, nhiều người tiêu dùng vẫn có nhiều khoản tiết kiệm và tích trữ các đồ dùng bền trong gia đình.

“Vì vậy, ở một mức độ nào đó, nó sẽ không tệ như những con số trước mắt trông thấy”, ông cho biết.

Nhà kinh tế trưởng Shane Oliver của AMP Capital cũng dự báo, sẽ không có suy thoái kinh tế, ít nhất là trong 18 tháng tới.

Ông cho biết: “Các đường cong lợi suất hoặc khoảng cách giữa lợi suất trái phiếu dài hạn và lợi suất ngắn hạn vẫn chưa thể đảo ngược hoặc cảnh báo suy thoái một cách dứt khoát và ngay cả khi điều đó diễn ra thì mức trung bình dẫn đến suy thoái là 18 tháng”.

Ông cho rằng, có thể tránh được thị trường giá xuống ở Mỹ và Úc. Đồng thời, các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đang thắt chặt lãi suất để chống lạm phát.

Ngân hàng trung ương Mỹ đã công bố đợt tăng lãi suất lớn nhất trong hơn 22 năm vào đầu tháng này, nâng lãi suất chuẩn lên nửa điểm phần trăm và cảnh báo về các đợt tăng lãi suất tiếp theo.

Biên bản cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) được công bố chỉ ra rằng, các quan chức đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc tăng lãi suất nhiều lần 50 điểm cơ bản để làm giảm lạm phát.

Tuần trước, Ngân hàng trung ương New Zealand đã tăng tỷ lãi suất thêm 0,5% lên 2%. Đây là lần tăng lãi suất thứ năm liên tiếp của ngân hàng trung ương và báo hiệu lãi suất sẽ đạt đỉnh ở mức cao hơn so với dự báo trước đó. Lãi suất hiện đã tăng 1,75% kể từ khi chu kỳ thắt chặt bắt đầu vào tháng 10/2021.

“Chúng tôi đảm bảo rằng lạm phát thực tế theo dõi trở lại trong phạm vi mục tiêu của chúng tôi là 1 - 3% và ở mức lạm phát 6,9%, chúng tôi kiên quyết trong quyết tâm kiềm chế lạm phát”, thống đốc Adrian Orr cho biết.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho biết luôn có rủi ro là việc kiểm soát lạm phát sẽ gây ra suy thoái.

Lạm phát nổi tiếng là khó kiểm soát vì việc kiềm chế giá cao thông qua việc tăng lãi suất có thể dẫn đến tăng trưởng thậm chí còn thấp hơn.

“Lạm phát ở mức cao càng lâu, thị trường đầu tư càng lo lắng rằng các ngân hàng trung ương sẽ không thể chế ngự nó mà không gây ra suy thoái. Như Chủ tịch Fed Powell đã chỉ ra, việc đưa lạm phát lên 2% sẽ bao gồm một số nỗi đau”, nhà kinh tế Oliver cho biết.

Cố vấn kinh tế cấp cao Vicky Redwood của Capital Economics cho biết, bà tin tưởng các ngân hàng trung ương sẽ có thể kiềm chế lạm phát mà không xảy ra suy thoái.

Bà Redwood cho biết thêm, lãi suất tăng theo kế hoạch ở nhiều nơi - chẳng hạn như ở châu Âu, Anh và Mỹ - sẽ đủ để đưa lạm phát trở lại mục tiêu.

“Nhưng nếu kỳ vọng lạm phát và lạm phát tỏ ra cứng đầu hơn chúng ta mong đợi, và kết quả là lãi suất cần phải tăng hơn nữa, thì một cuộc suy thoái rất có thể sẽ xảy ra”, bà cho biết.

Trong quá khứ, cú sốc Volcker đã xảy ra khi Chủ tịch Fed Paul Volcker tăng lãi suất lên mức cao nhất trong lịch sử vào những năm 1980 trong nỗ lực chấm dứt lạm phát hai con số ở Mỹ.

Tin bài liên quan