Cả căn cứ pháp lý và nhu cầu thực tế đều cho thấy có thể rút ngắn ngày T. Ảnh: Hoài Nam

Cả căn cứ pháp lý và nhu cầu thực tế đều cho thấy có thể rút ngắn ngày T. Ảnh: Hoài Nam

T+4: 10 năm cần một sự đổi mới

(ĐTCK-online) Trong thời gian gần đây, vấn đề rút ngắn thời gian được bán cổ phiếu niêm yết đã thu hút sự quan tâm của tất cả các thành viên tham gia TTCK. Đề cập đến vấn đề này, cần xét theo hai khía cạnh: căn cứ pháp lý và nhu cầu thực tế của thị trường.

Trước tiên, chúng ta hãy xem xét căn cứ pháp lý của vấn đề. Theo Luật Chứng khoán, sở hữu của chứng khoán niêm yết giao dịch trong ngày T được chính thức thực hiện khi Trung tâm Lưu ký hạch toán chuyển giao chứng khoán, tức là vào chiều ngày T+3. Do đó, chứng khoán sau khi mua chỉ có thể bán sớm nhất vào ngày giao dịch T+4. Quy trình thanh toán T+3 được áp dụng nhằm đảm bảo an toàn cho hệ thống, đảm bảo cho các thành viên thị trường đủ thời gian cân đối và bù trừ chứng khoán và tiền trong ngày giao dịch T.

So sánh với giao dịch ứng trước tiền bán sau khi giao dịch bán chứng khoán mà không phải đợi đến ngày T+3 mà tất cả các CTCK áp dụng cho khách hàng, thì hoạt động cho phép bán cổ phiếu sau khi giao dịch ngày T và trước ngày T+4 cũng có tính chất tương tự. Tất nhiên, nó cũng phụ thuộc vào vận hành của thanh toán bù trừ toàn hệ thống và nguồn cổ phiếu sẵn có của các CTCK thay vì  phụ thuộc chủ yếu vào nguồn vốn khả dụng tại từng CTCK khi ứng trước tiền bán cổ phiếu.

Do đó, trong 4 - 5 tháng qua, không ít CTCK đã thực hiện cho các khách hàng, mà chủ yếu là các nhà đầu tư cá nhân có giá trị giao dịch lớn hay khách hàng VIP, bán chứng khoán đã mua trước ngày T+4 áp dụng cho một số mã cổ phiếu nhất định. Trong cuộc họp gần đây tại Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), lãnh đạo UBCK đã tiết lộ rằng, trong 1 - 2 tháng gần đây, qua kiểm tra cho thấy, hầu hết các CTCK đều thực hiện cho bán chứng khoán trước ngày T+4. Tuy nhiên, việc cho phép bán cổ phiếu trước ngày T+4 thường được ưu tiên cho khách hàng lớn, do đó tạo ra sự bất bình đẳng với những nhà đầu tư không được bán cổ phiếu trước ngày T+4 hoặc với các CTCK ít áp dụng bán trước T+4 và với các mã chứng khoán không giao dịch bán trước ngày T+4. Ngoài các yếu tố khác khiến thị trường có một giai đoạn 4 - 5 tháng giao dịch với khối lượng lớn cho đến cuối tháng 11/2009, yếu tố cho bán cổ phiếu trước ngày T+4 đã góp phần đáng kể do nhà đầu tư chủ động và linh hoạt hơn trong quyết định với tài sản của mình, nhất là với hoạt động đầu tư ngắn hạn - chốt lời và cắt lỗ một cách nhanh chóng hơn so với giao dịch mua bán theo khung thời gian T+4.

Cũng theo thông tin từ UBCK, về mặt hạ tầng kỹ thuật, các CTCK đều có thể xử lý hệ thống quản lý của mình để xử lý giao dịch bán trước ngày T+4. Do đó, việc rút ngắn thời gian thanh toán cổ phiếu chỉ còn phụ thuộc vào quyết định của các cơ quan quản lý. Kinh nghiệm của nhiều thị trường châu Á như Hàn Quốc và Singapore khá phổ biến nghiệp vụ bán sau khi giao dịch mua đã được xác nhận.

Nếu thực hiện được bán chứng khoán trước ngày T+4 trên cơ sở đảm bảo sự vận hành an toàn cho hệ thống giao dịch chứng khoán tổng thể rõ ràng sẽ tạo ra lợi ích cho tất cả các thành viên thị trường. Nhà đầu tư sẽ chủ động và linh hoạt hơn trong việc quản lý tài sản và ra quyết định đầu tư trên cơ sở có một sân chơi bình đẳng, không phân biệt nhà đầu tư lớn nhỏ. Tổng hợp từ đa số CTCK cho thấy, nhà đầu tư rất chờ đón và ủng hộ việc rút ngắn thời gian bán cổ phiếu niêm yết. Do đó, tính thanh khoản của thị trường chắc chắn sẽ được cải thiện một cách rõ rệt và có thể góp phần tạo ra một thị trường sôi động hơn, đáp ứng theo yêu cầu của đông đảo các nhà đầu tư. Với thị trường sôi động một cách bền vững, nguồn thu của các thành viên thị trường cũng sẽ tích cực hơn, kể cả nguồn thu thuế của Nhà nước.

TTCK Việt Nam sắp bước qua tuổi thứ 10, cơ chế giao dịch T+4 vì thế cần có sự đổi mới để phù hợp hơn với năng lực thị trường, mang lại lợi ích cho tất cả các NĐT và các thành viên tham gia. 

TIN LIÊN QUAN

* Bán chứng khoán ngày T: CTCK sẵn sàng

* Bán cổ phiếu ngày T: Chuyện trong tay Bộ Tài chính!

* Bán chứng khoán trước ngày T+4: Cần được hợp thức hóa

* Hiểu thế nào về quyền sở hữu cổ phiếu?

* Bán CK đang về tài khoản: Khống hay không?

* Từ ngày 1/12, chấm dứt bán chứng khoán trước ngày T+4

* Không có chuyện “treo giò” tài khoản bán T+

Thực tế cho thấy, với quy chế giao dịch chứng khoán hiện hành, ngay khi các CTCK ký xác nhận giao dịch vào chiều ngày T+1 thì tính chất pháp lý về sở hữu của các cổ phiếu niêm yết được giao dịch trong ngày T đã xác định ở mức độ rất cao. Việc hoàn tất chuyển giao sở hữu theo quy định của Luật Chứng khoán qua Trung tâm Lưu ký có tính chất như thời gian chờ đợi để các thành viên thị trường thanh toán bù trừ trong phạm vi toàn hệ thống, chứ không ảnh hưởng nhiều đến tính pháp lý về sở hữu cổ phiếu niêm yết đã giao dịch, vì bản chất chỉ là thực hiện bán cổ phiếu khi sở hữu với cổ phiếu đã xác nhận.