Sau ba năm thực hiện tái cấu trúc, nhiều CTCK đã xây dựng được nền tảng hoạt động rất tốt

Sau ba năm thực hiện tái cấu trúc, nhiều CTCK đã xây dựng được nền tảng hoạt động rất tốt

Tái cấu trúc CTCK sẽ theo hướng phân loại và nâng cao chất lượng hoạt động

(ĐTCK) Tổng kết hơn 15 năm hoạt động của các CTCK, ông Bùi Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho rằng, các CTCK đã có bước phát triển rất mạnh trong thời gian qua, đóng góp không nhỏ vào thành công của TTCK. 

Với đà phát triển mới của thị trường, dư địa hoạt động cho khối này đang rộng mở. Tuy nhiên, UBCK cũng chủ trương tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa hoạt động tái cấu trúc khối này, để tạo nền tảng vững chắc cho TTCK phát triển. 

Tái cấu trúc CTCK sẽ theo hướng phân loại và nâng cao chất lượng hoạt động ảnh 1

Ông Bùi Hoàng Hải

Nhìn lại hơn 15 năm hoạt động các CTCK, ông đánh giá như thế nào về sự phát triển cũng như những đóng góp của các DN này với TTCK?

Các CTCK đã có sự phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng. Khối này cũng đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển chung của TTCK Việt Nam trong 15 năm qua.

Ngày đầu khai trương hoạt động TTCK, Việt Nam chỉ có 7 CTCK với quy mô vốn điều lệ từ 6 tỷ đồng tới 43 tỷ đồng. Ở thời điểm đó, ít người có thể nghĩ đến việc chỉ 15 năm sau, chúng ta có đã tới 105 CTCK, trong đó có CTCK có vốn điều lệ trên 4.800 tỷ đồng. Giai đoạn đầu của thị trường, tất nhiên là cũng có những đau thương và có CTCK đã phải trả giá bằng thua lỗ, nhưng điểm tích cực nhất là trong thời gian qua, phần lớn CTCK đã thực hiện tái cấu trúc rất mạnh mẽ, toàn diện.

"Chỉ sau 3 năm thực hiện tái cấu trúc, số lượng CTCK đã giảm được 24 đơn vị, tương đương tỷ lệ 23%, từ mức 105 CTCK về 81 CTCK, trong đó 8 CTCK thực hiện hợp nhất, sáp nhập. Các CTCK còn lại về cơ bản đều đáp ứng được yêu cầu về tỷ lệ an toàn tài chính. Ngoài ra, UBCK cũng đã thực hiện kiểm tra, giám sát thường xuyên và phân loại, rút giấy phép, đình chỉ hoạt động hoặc rút môi giới các CTCK yếu còn lại, để tránh gây ảnh hưởng đến an toàn hoạt động thị trường".

Tính tới thời điểm hiện nay, có khoảng trên 80 CTCK còn hoạt động bình thường, nhiều CTCK đã xây dựng được nền tảng hoạt động rất tốt, từ đội ngũ nhân sự chất lượng, quy mô hoạt động, các mảng dịch vụ đến quy mô tài chính, năng lực quản trị rủi ro…

Về đóng góp cho TTCK, tôi tin rằng, các CTCK đã làm tốt vai trò của mình là tổ chức trung gian thúc đẩy việc việc dẫn vốn và luân chuyển vốn trong nền kinh tế, thu hút vốn đầu tư trong nước và nước ngoài.

Còn nhớ giai đoạn đầu thị trường mới hoạt động, các CTCK đã phải gõ cửa từng DN, giải thích cho họ hiểu hiệu quả của việc minh bạch hóa và khả năng huy động vốn, tăng trưởng sau niêm yết… để thuyết phục lãnh đạo DN đồng ý niêm yết. Các CTCK cũng đã có vai trò không nhỏ trong việc nâng cao kiến thức, mở rộng cơ sở NĐT trong nước. Đây là hoạt động để tăng khả năng cạnh tranh của CTCK, nhưng lại góp phần không nhỏ tới sự phát triển của thị trường.

Ngoài ra, việc tổ chức hội thảo, gặp gỡ NĐT nước ngoài để thu hút NĐT quốc tế mở tài khoản cũng giúp TTCK đến gần hơn với NĐT thế giới, thúc đẩy huy động vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam. Năm 2000, toàn thị trường có gần 8.000 NĐT mở tại các CTCK, đến 30/9/2015 con số này đã gần 1,5 triệu tài khoản; trong đó có hơn 17.505 tài khoản NĐT nước ngoài. Tôi nghĩ rằng, đây là những đóng góp rất thầm lặng, nhưng hiệu quả của các CTCK.

Ngoài đóng góp về mở rộng và nâng cao chất lượng cơ sở NĐT cũng như thu hút DN niêm yết, mảng tư vấn hỗ trợ phát hành và bảo lãnh phát hành cho các công ty niêm yết, công  ty đại chúng của CTCK thời gian qua cũng liên tục được đạt được nhiều kết quả. Trong số hàng trăm nghìn tỷ đồng các DN niêm yết huy động được thời gian qua, CTCK đóng vai trò không nhỏ tạo nên thành công này, với nhiều thương vụ bảo lãnh phát hành có giá trị lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Sau 3 năm thực hiện tái cấu trúc các CTCK, ông đánh giá như thế nào về kết quả tái cấu trúc mà CTCK đã đạt được?

Đến thời điểm hiện nay, việc triển khai thực hiện Đề án Tái cấu trúc TTCK và DN bảo hiểm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1826 ngày 6/12/2012 về cơ bản đã đạt được mục tiêu đề ra. Trong đó, yêu cầu với các CTCK bao gồm nâng cao chất lượng hoạt động, năng lực tài chính, quản trị DN và khả năng kiểm soát rủi ro của các tổ chức kinh doanh chứng khoán.

Chỉ sau 3 năm thực hiện tái cấu trúc, số lượng CTCK đã giảm được 24 đơn vị, tương đương tỷ lệ 23%, từ mức 105 CTCK về 81 CTCK, trong đó 8 CTCK thực hiện hợp nhất, sáp nhập. Các CTCK còn lại về cơ bản đều đáp ứng được yêu cầu về tỷ lệ an toàn tài chính. Ngoài ra, UBCK cũng đã thực hiện kiểm tra, giám sát thường xuyên và phân loại, rút giấy phép, đình chỉ hoạt động hoặc rút môi giới các CTCK yếu còn lại, để tránh gây ảnh hưởng đến an toàn hoạt động thị trường.

Về chất lượng tài sản và hiệu quả hoạt động, trong 3 năm qua, thanh khoản các CTCK đã được cải thiện hơn rất nhiều, hầu hết các CTCK đã thực hiện cơ cấu danh mục đầu tư, giảm dần các khoản đầu tư có rủi ro cao, giảm dần giá trị đầu tư để đảm bảo tỷ lệ đầu tư theo đúng quy định.

Năm 2011, TTCK có khoảng 20 CTCK có tỷ lệ đầu tư vào trái phiếu, góp vốn chiếm hơn 70% vốn chủ sở hữu, đến thời điểm 30/9/2015, chỉ còn dưới 10 CTCK. Hầu hết đây là những khoản đầu tư phát sinh từ trước thời điểm Thông tư 210/2012/TT-BTC có hiệu lực. Đặc biệt, các quy định hiện thời cũng giúp CTCK phân loại chính xác bản chất tài sản, nhất là các khoản phải thu, tạo điều kiện cho khoanh vùng xử lý nợ xấu. Phần lớn nợ xấu CTCK đã được xử lý trong quá trình tái cấu trúc.

Các CTCK này cũng đã đầu tư mạnh hơn về hạ tầng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng dịch vụ và đặc biệt là đã xây dựng được quy trình quản trị rủi ro. Theo tôi, việc các CTCK nhận thức được việc phải tự phòng ngừa rủi ro cho mình và khách hàng, nâng cao ý thức trách nhiệm với yêu cầu này chính là một trong những yếu tố quan trọng giúp TTCK phát triển bền vững trong tương lai.

Cùng với sự cải tổ mạnh mẽ về chất lượng và số lượng các CTCK, hiệu quả kinh doanh các CTCK cũng tăng mạnh thời gian qua. Năm 2011, toàn thị trường chỉ có 40 CTCK có lãi, với mức lãi đạt được là 1.319 tỷ đồng, đến năm 2014, số công ty có lãi đã tăng lên mức 55 công ty, với mức lãi là 2.523 tỷ đồng. 9 tháng đầu năm nay, tình hình thị trường dù được nhận xét là khó khăn hơn, nhưng vẫn có 51 CTCK báo lãi, với mức lãi là 2.049 tỷ đồng; 31 CTCK báo lỗ, nhưng quy mô đã nhỏ đi rất nhiều, xấp xỉ 297 tỷ đồng.

Ngoài hiệu quả kinh doanh cải thiện, chất lượng nguồn thu các CTCK cũng là một điểm đáng tự hào của quá trình tái cấu trúc, cho thấy mức độ ổn định và an toàn hoạt động CTCK. Thay vì tập trung quá nhiều cho hoạt động tự doanh, tỷ trọng doanh thu từ hoạt động môi giới CTCK đã tăng nhanh qua các năm, chiếm 20,7% tổng doanh thu 9 tháng đầu năm 2015. Các mảng doanh thu dịch vụ khác chủ yếu là dịch vụ tư vấn, cho vay ký quỹ đã tăng mạnh, hoạt động tự doanh giảm về mức xấp xỉ 17,7%.

Ông có thể chia sẻ định hướng của UBCK trong việc tái cấu trúc CTCK giai đoạn tới đây?

Mặc dù đã đạt được những thành tựu rất ấn tượng sau quá trình tái cơ cấu, nhưng UBCK xác định, việc tái cấu trúc vẫn phải tiếp tục được thực hiện nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động các CTCK.

Việc cơ cấu lại CTCK giai đoạn tới sẽ thực hiện theo hướng phân loại và nâng cao chất lượng dịch vụ chứng khoán; nâng cao năng lực tài chính, quản trị công ty, quản trị rủi ro; hoàn thiện và triển khai giám sát hoạt động các tổ chức kinh doanh chứng khoán theo phân loại; nghiên cứu ban hành các chuẩn mực kế toán về công cụ tài chính, giá trị hợp lý tiếp cận với chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) theo lộ trình hợp lý; cho phép NĐT nước ngoài sở hữu các tổ chức kinh doanh theo các cam kết WTO, khuyến khích các tổ chức tài chính quốc tế có uy tín tham gia...

Hiện tại, khung pháp lý cho việc thực hiện tổ chức hoạt động, phân loại CTCK; kiểm tra, giám sát và tái cấu trúc CTCK đã hoàn thiện. Đây là thuận lợi rất lớn cho tái cấu CTCK và tôi kỳ vọng việc tái cấu trúc sẽ đạt được kết quả tốt hơn nữa trong thời gian tới.

Có ý kiến cho rằng, UBCK đang đẩy mạnh tái cấu trúc khối CTCK bằng cách nâng cao tiêu chí hoạt động và triển khai các nghiệp vụ mới. Ông nghĩ sao về nhận định này?

Hiện nay, UBCK đã và đang lấy ý kiến các thành viên thị trường về dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 74 về giao dịch chứng khoán. Theo dự thảo thông tư này, UBCK hiện đang xem xét việc cho phép triển khai một số nghiệp vụ như cho phép rút ngắn thời gian thanh toán xuống T+2, giao dịch trong ngày, bán chứng khoán đang chờ về… và đã nhận được ý kiến góp ý của các thành viên, đặc biệt các vấn đề liên quan đến điều kiện triển khai.

Tiếp thu các ý kiến đóng góp này, UBCK đã xem xét điều chỉnh thời gian áp dụng nhằm đảm bảo sự an toàn trong hoạt động của toàn hệ thống. Theo dự kiến, việc cho phép rút ngắn thời gian thanh toán xuống T+2 sẽ được tiến hành thực hiện trong năm 2016, và giao dịch trong ngày, bán chứng khoán đang chờ về sẽ xem xét thời gian thích hợp để triển khai bởi các nghiệp vụ này đòi hỏi các tổ chức kinh doanh chứng khoán phải đáp ứng được các yêu cầu về năng lực tài chính, quản trị rủi ro, nâng cấp hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin.

Việc xem xét điều chỉnh thời gian áp dụng này là một bước hỗ trợ cho các tổ chức kinh doanh chứng khoán vừa và nhỏ có thời gian chuẩn bị đảm bảo thích nghi đáp ứng với các điều kiện đặt ra để có thể theo kịp việc và triển khai được các hoạt động nêu trên.

Một vấn đề các CTCK rất quan tâm là làm sao đa dạng hóa nghiệp vụ kinh doanh, tạo ra sân chơi lớn hơn cho các DN trong ngành. Ở góc độ cơ quan quản lý, UBCK có định hướng thế nào về việc mở thêm các nghiệp vụ mới trong lĩnh vực chứng khoán?

Như trên đã nói, hiện nay, UBCK đang nghiên cứu xây dựng dự thảo và trình Bộ Tài chính ban hành một số văn bản hướng dẫn triển khai nghiệp vụ, sản phẩm mới nhằm tăng tính thanh khoản cho thị trường. Tôi hy vọng, việc triển khai các hoạt động nghiệp vụ nói trên sẽ cho phép gia tăng tính thanh khoản của thị trường, đồng thời cũng quản lý, giám sát được các hoạt động của CTCK thông qua cơ chế báo cáo và quy trình kiểm soát, quản trị rủi ro.

Đối với hoạt động của TTCK phái sinh, UBCK đã thực hiện nghiên cứu và đang được triển khai thực hiện để có thể chính thức đi vào hoạt động trong năm tới. Tuy nhiên, do TTCK Việt Nam mới hình thành hơn 15 năm, trình độ phát triển chưa thực sự cao, nên việc hình thành các sản phẩm phái sinh cũng còn hạn chế. Vì vậy, UBCK đã phối hợp với các sở GDCK để nghiên cứu đề án xây dựng thị trường phái sinh và xây dựng khung pháp lý cho vận hành của thị trường này.

Ngoài các chính sách mới về cơ chế giao dịch và sản phẩm mới, UBCK cũng đã trình Bộ Tài chính ký ban hành các thông tư về tiêu chí giám sát hoạt động của các CTCK, công ty quản lý quỹ và Thông số 123/2015/TT-BTC hướng dẫn về hoạt động đầu tư nước ngoài trên TTCK Việt Nam.

Khi có văn bản hướng dẫn về tỷ lệ tham gia của NĐT nước ngoài vào TTCK Việt Nam sẽ cho phép gia tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên vốn điều lệ (thay cho tổng số cổ phiếu niêm yết như trước đây), đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát hành và niêm yết của các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trên TTCK Việt Nam, dư địa hoạt động cho các CTCK cũng có thể sẽ được tiếp tục cải thiện.

Tin bài liên quan