Nhu cầu nhà ở vừa túi tiền đang rất lớn. Ảnh: Dũng Minh

Nhu cầu nhà ở vừa túi tiền đang rất lớn. Ảnh: Dũng Minh

Tái cấu trúc dự án bất động sản: "Trị bệnh" đúng cách

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhìn lại một năm tái cấu trúc, các nhà phát triển dự án đang hướng đến các sản phẩm đáp ứng nhu cầu ở thực để tích lũy dòng tiền, tạo đà cho chu kỳ mới.

Trước kỳ nghỉ Tết Dương lịch 2024 vài ngày, Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt công bố thông tin mua lại 2 lô trái phiếu có tổng mệnh giá 500 tỷ đồng được phát hành vào tháng 12/2021, đồng thời chi 37,5 tỷ đồng để mua lại trước hạn toàn bộ giá trị còn lại của lô trái phiếu phát hành tháng 3/2022, qua đó tất toán hết nợ trái phiếu từ cuối năm 2023 như kế hoạch đề ra trước đó.

Ông Bùi Quang Anh Vũ - Tổng giám đốc Phát Đạt cho biết, đây là nỗ lực lớn của Công ty trong hoạt động tái cơ cấu danh mục đầu tư. Ông cũng nhìn nhận doanh nghiệp mình vừa trải qua một “cơn bạo bệnh” và đã nỗ lực “trị bệnh” đúng cách, đúng hướng và bắt đầu phục hồi.

“Hiện nay, Phát Đạt không đầu tư dàn trải, mà chỉ tập trung phát triển các dự án phù hợp với nhu cầu thị trường để đạt được mức độ hấp thụ cao nhất, tập trung tạo dòng tiền để ngày một ổn định hơn”, ông Vũ nói và chia sẻ thêm, Phát Đạt hiện có ít nhất 6 dự án đủ điều kiện ra hàng với tổng doanh thu dự kiến hơn 40.000 tỷ đồng.

Thực tế, nhìn vào tỷ lệ hàng bán được trên thị trường những tháng gần đây so với hồi đầu năm cũng như cùng kỳ năm trước có thể thấy, niềm tin của người mua nhà đang quay trở lại. Nhận ra xu hướng đó, không chỉ các nhà phát triển dự án trong nước lên kế hoạch tập trung vào các sản phẩm đáp ứng nhu cầu ở thực để nắm bắt cơ hội, mà còn thu hút cả các nhà phát triển dự án nước ngoài.

Đơn cử, mới đây, Công ty cổ phần Đầu tư TT Capital cùng 2 đối tác đến từ Nhật Bản là Cosmos Initia (thành viên của Daiwa House Group) và Koterasu ra mắt liên doanh hợp tác dài hạn trong việc phát triển các dự án bất động sản vừa túi tiền tại Việt Nam với dự kiến đầu tư khoảng 150 triệu USD trong 5 năm tới, mục tiêu mỗi năm đưa ra thị trường khoảng 1.000 căn hộ. Trước mắt, liên doanh này sẽ thực hiện dự án đầu tiên tại TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương, quy mô khoảng 2.000 căn hộ, diện tích 50-60 m2/căn, giá bán dưới 35 triệu đồng/m2, tức chưa đến 2 tỷ đồng/căn.

Ông Trần Xuân Ngọc - Tổng giám đốc Tập đoàn Nam Long cũng cho biết, mục tiêu chính trong thời gian tới là đưa được sản phẩm nhà ở vừa túi tiền đến với khách hàng. Đồng thời, cải thiện cách tiếp cận khách hàng, tức là không chỉ dừng ở việc tung ra sản phẩm có giá bán ưu đãi, mà còn phải tiếp cận được khách hàng có nhu cầu ở thực.

“Nam Long chấp nhận bỏ qua những lợi ích nhỏ để cùng khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn này bằng việc xây dựng chính sách xoay quanh khách hàng, mà ở đó Nam Long với vai trò điều phối, phối hợp với các bên liên quan, từ ngân hàng đến nhà thầu, nhà cung cấp…”, ông Ngọc cho hay.

Các chuyên gia dự báo, trong thời gian tới, thị trường bất động sản sẽ ghi nhận xu hướng tái cấu trúc rõ ràng hơn khi các chính sách hỗ trợ cho phân khúc nhà ở vừa túi tiền thẩm thấu sâu hơn vào thị trường.

Trước đó, vào đầu tháng 12/2023, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi chính thức được thông qua (có hiệu lực từ ngày 1/1/2025) đã xây dựng hành lang pháp lý rõ ràng nhằm thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội và nhà vừa túi tiền.

Trong đó, việc các doanh nghiệp xây dựng dự án nhà ở xã hội được hưởng lợi nhuận định mức tối đa 10% tổng chi phí đầu tư xây dựng đối với phần diện tích xây dựng nhà ở xã hội, được dành tỷ lệ tối đa 20% tổng diện tích đất hoặc 20% diện tích sàn nhà ở dự án để kinh doanh thương mại… đang mở ra cơ hội cho phân khúc này trở thành động lực phục hồi chính của thị trường bất động sản. Theo đó, tình trạng lệch pha cung - cầu kỳ vọng được giảm bớt khi nguồn cung cho người có nhu cầu ở thực được tập trung phát triển hơn.

Tin bài liên quan